Khai hội văn hóa, thể thao các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên

NDO -

Ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 - năm 2022 chính thức khai hội, với sự tham gia của hơn 300 nghệ nhân đến từ 12 huyện, thành phố trong tỉnh.

Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện các đoàn tham gia ngày hội.
Ban tổ chức tặng hoa cho đại diện các đoàn tham gia ngày hội.

Tối 29/3, tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp UBND huyện Đơn Dương, tổ chức khai mạc “Ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 5 - năm 2022”.

Với chủ đề “Âm vang cao nguyên”, mở đầu đêm khai hội là nghi thức rước thần Lửa, thần Chiêng và điệu Arya đón khách của người Chu Ru sinh sống tại huyện Đơn Dương.

Khai hội văn hóa, thể thao các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên -0

Thực hiện nghi thức khai hội. 

Ngọn lửa thiêng được thắp lên giữa đại ngàn, các nghệ nhân đồng bào các dân tộc Cơ Ho, Mạ, Chu Ru trình diễn các điệu chiêng đặc trưng của dân tộc mình, cùng các điệu dân ca, dân vũ truyền thống.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng cho rằng, giữa vùng đất Đơn Dương đêm nay, âm vang cồng chiêng chính là sự nối kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai.

"Tôi vô cùng trân quý và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm và tình yêu lớn lao đối với tinh hoa di sản văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống của đồng bào, các nghệ nhân, của những người đang góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống ở Lâm Đồng", ông bày tỏ.

Khai hội văn hóa, thể thao các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên -0
 Sắc màu thổ cẩm trong ngày hội kết nối cộng đồng.

Ông Đặng Trí Dũng mong muốn, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân dân gian tiếp tục kế thừa, trao truyền di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại, để các giá trị văn hóa ấy tiếp tục được gìn giữ, phát huy gắn với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ; để không gian văn hóa cồng chiêng thực sự là cầu nối văn hóa, trở thành một điểm nhấn gắn liền với niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất Nam Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ ngày hội, diễn các hoạt động như: diễu hành xe tuyên truyền, đêm hội “âm vang cao nguyên”, hội thi ẩm thực truyền thống, thể thao và các trò chơi dân gian, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca…

Ngày hội diễn ra đến hết ngày 30/3.