Giải thưởng Cánh diều năm 2017

Lễ trao giải thưởng Cánh diều năm 2017 vừa được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Những Cánh diều vàng, Cánh diều bạc được trao cho những tác phẩm tốt nhất ở từng hạng mục, qua đó, phản ánh được phần nào tình hình thị trường điện ảnh Việt Nam trong năm qua.

Cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn đoạt giải Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh.
Cảnh trong phim Cô Ba Sài Gòn đoạt giải Cánh diều vàng hạng mục Phim truyện điện ảnh.

Mùa giải Cánh diều thứ 15, tiêu chí để chấm giải là "Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực". Hạng mục thường được công chúng quan tâm nhất là Phim truyện điện ảnh tiếp tục chứng kiến sự lên ngôi của phim tư nhân, trong khi phim do Nhà nước đặt hàng bước sang năm thứ ba hoàn toàn vắng bóng. Chiến thắng của bộ phim thời trang có yếu tố xuyên không kỳ ảo Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn Lộc Trần - Kay Nguyễn) được cho là “tròn trịa” nhờ khai thác yếu tố bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tạo được cơn sốt phòng vé khi ra rạp. Phim còn nhận thêm giải Biên kịch xuất sắc nhất.

Điều đáng nói là nếu như những năm trước, dòng phim thị trường, giải trí thường bị nhận xét là nhảm, nhạt thì năm nay, ban giám khảo (BGK) và các nhà chuyên môn đều thừa nhận phim thương mại do tư nhân sản xuất có nhiều tiến bộ; không ít đơn vị mạnh dạn đầu tư và nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng nội dung lẫn kỹ thuật thể hiện. Một số phim chọn đề tài tốt, với những vấn đề xã hội lớn, những số phận của cả cộng đồng, thay vì tập trung vào vài mối quan hệ cá nhân. Các phim cũng được trau chuốt hơn về mặt kỹ xảo hình ảnh, âm thanh, tăng thêm cảm xúc cho người xem, như Dạ cổ hoài lang, Cô Ba Sài Gòn, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Đảo của dân ngụ cư, Cô gái đến từ hôm qua

Tuy nhiên, với quy mô, tính chất là giải thưởng chính thống của hội nghề nghiệp, thì 13 trong số 38 phim điện ảnh được sản xuất trong năm 2017 tham gia dự giải là một tỷ lệ khá thấp. Trong đó, có bốn phim remake (làm lại từ kịch bản nước ngoài), theo thể lệ chỉ được tranh các giải cá nhân. Chỉ còn lại chín lựa chọn, mà theo đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, Trưởng BGK Phim truyện điện ảnh, thì “rất ít phim hoàn chỉnh, đa số rơi vào tình trạng được cái này thì mất cái kia. Phần nhiều, phim chỉ chăm chăm phản ánh thế giới giàu sang, trong khi phim về cuộc sống bình dân lại thiếu vắng…”. Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà sản xuất khác không “mặn mà” việc gửi phim dự giải, nhưng rõ ràng trong bối cảnh hiện nay thì mục tiêu doanh thu vẫn đứng hàng đầu.

Đối với phim truyền hình, có thể nói năm 2017 đánh dấu sự trở lại ấn tượng, chinh phục được khán giả màn ảnh nhỏ của loại hình này. Liên tiếp nhiều bộ phim ra đời với sự đầu tư chỉn chu về nội dung kịch bản lẫn công nghệ sản xuất. Phim Thương nhớ ở ai giành Cánh diều vàng không nằm ngoài kỳ vọng và dự đoán của nhiều người, bởi phim thật sự nổi bật so với mặt bằng chung, thu hút đông đảo khán giả theo dõi và bình luận. Ê-kíp làm phim đã táo bạo dấn thân vào một đề tài khá nhạy cảm, với bối cảnh nông thôn miền bắc xa xưa (phải tốn chi phí không nhỏ để phục dựng). Phim giành thêm ba giải nữa là Đạo diễn xuất sắc (NSƯT Lưu Trọng Ninh - Bùi Thọ Thịnh), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Jimmy Khánh), Quay phim xuất sắc (NSƯT Hoàng Tích Thiện). Cánh diều bạc hạng mục Phim truyện truyền hình được trao cho một số tác phẩm cũng hút người xem là Lặng yên dưới vực sâu, Sống trong bóng đêm, Tử thi lên tiếng.

Các hạng mục Phim tài liệu, Phim khoa học, Phim hoạt hình… vẫn trong tình cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ”. Theo đạo diễn Lương Đức, Trưởng BGK Phim tài liệu và Phim khoa học, hầu hết phim đã khắc phục tình trạng đa ngôn, áp đặt, tác giả nói thay nhân vật như trước đây, ngôn ngữ điện ảnh cũng dần tiệm cận với xu hướng và trào lưu làm phim trên thế giới. Tuy nhiên, số lượng 34 phim tài liệu và chín phim khoa học dự giải vẫn là không nhiều, nội dung chưa thật sự có sáng tạo đột phá.

Giải thưởng Cánh diều vàng Phim tài liệu được trao cho Ngày về (đạo diễn Phạm Thanh Hùng), Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất, đề tài tri ân các thương binh - bệnh binh đã hiến dâng đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Phim khoa học không có Cánh diều vàng, giải đạo diễn hay quay phim xuất sắc. Đáng chú ý, hạng mục Phim hoạt hình tiếp tục trở thành màn “độc diễn” của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam với 12 trong số 13 phim dự thi và giành luôn những giải thưởng quan trọng nhất, tình trạng tương tự như tại nhiều kỳ liên hoan phim trong nước.

Sôi động và trẻ trung là hạng mục Phim ngắn, với phần lớn tác phẩm dự thi đến từ các đạo diễn trẻ tuổi đời, mới tuổi nghề. Phim Vô diện của Nguyễn Phan Thảo Đan giành Cánh diều vàng một cách thuyết phục nhờ ý tưởng sáng tạo về một cậu bé trong tranh đi tìm khuôn mặt thật của mình, khéo léo chứa đựng ẩn ý về hành trình tìm giá trị bản thân của người trẻ. Câu chuyện về ông Tời, Buông, Lẫn là ba phim đồng hạng Cánh diều bạc. Trước đó, tại tọa đàm trong khuôn khổ giải, NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã góp ý về phim ngắn khá khách quan và chính xác: “Nhiều phim khơi gợi xúc cảm trước cuộc sống lại chủ yếu thiên về đề tài tệ nạn xã hội hay khai thác những thân phận nghèo, bất hạnh. Thực tế cuộc sống đâu chỉ như vậy, còn rất nhiều vấn đề khác cần quan tâm như gia đình, học đường…”.

Nhìn chung, Cánh diều vẫn là giải thưởng danh giá đối với người làm nghề, dù thời gian gần đây điện ảnh Việt Nam cũng chịu nhiều biến động do quy luật thị trường. Giải thưởng đã khép lại, tuy nhiên sự thiếu vắng của phim lịch sử, phim nghệ thuật, trong khi phim tài liệu, phim hoạt hình vẫn còn đang loay hoay với bài toán đầu ra... vẫn là điều rất đáng tiếc đối với một nền điện ảnh cũng như giải thưởng Cánh diều vàng năm nay.