50 năm Hãng phim Tài liệu - khoa học T.Ư (1956-2006):

Ghi chép và sáng tạo từ cuộc sống

Cảnh phim Còn lại với thời gian.
Cảnh phim Còn lại với thời gian.

Dưới chính quyền mới, chính quyền Việt Nam DCCH thì Bộ Thông tin-tuyên truyền (Bộ trưởng Trần Huy Liệu) với một máy quay phim duy nhất, rất thô sơ (vặn dây cót) có tên Ciné-sept đã quay được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Pháp trở về; cảnh thực dân Pháp tiến công phố Hàng Than; trận đánh Ô Cầu Dền...

Bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam Trận Mộc Hóa (1948) của nhà quay phim Mai Lộc, Ðiện ảnh Nam Bộ, là phim tài liệu. Bộ phim đoạt giải thưởng quốc tế đầu tiên của Việt Nam cũng là phim tài liệu: Nước về Bắc Hưng Hải của đạo diễn Bùi Ðình Hạc, quay phim: Hồng Sến, Ngọc Quỳnh, Vũ Sơn; Huy chương vàng Liên hoan phim quốc tế lần thứ nhất tại Matxcơva, năm 1959.

Về tổ chức, tháng 7-1950 đã có Phòng điện - nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền và văn nghệ. Năm 1956, khi tách khỏi Xưởng phim Việt Nam để thành Xưởng phim Thời sự tài liệu, được coi là mốc thành lập của Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương ngày nay, tức là vừa tròn nửa thế kỷ.

Từ trước đó và suốt nửa thế kỷ từ khi thành lập đến nay, các nhà làm phim tài liệu - khoa học luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió của cuộc sống. Họ không chỉ ghi chép lại một cách trung thành diễn tiến lịch sử bằng những chi tiết, sự kiện tiêu biểu nhất mà từ trái tim yêu đời, yêu nước vô hạn, họ còn truyền lại những tình cảm tốt đẹp và thiêng liêng cho lớp lớp người xem. Và như vậy, từ trái tim đến trái tim, họ cũng chính là người sáng tạo ra cuộc sống.

Trận Mộc Hóa, Chiến thắng Tây Bắc, Nước về Bắc Hưng Hải, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Ðầu sóng ngọn gió, Những cô gái Ngư Thủy, Lũy thép Vĩnh Linh, Mở đường Trường Sơn, Làng nhỏ bên sông Trà, Ðường dây lên sông Ðà, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Trở lại Ngư Thủy, Còn lại với thời gian... không chỉ là tên phim mà còn là tên của những giai đoạn lịch sử được khắc ghi vào lòng người.

Trần Văn Giá và hàng chục nghệ sĩ khác của ngành điện ảnh đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước luôn được nhớ đến như một truyền thống vẻ vang, một cái giá khắc nghiệt của nghệ thuật.

Bảy nghệ sĩ nhân dân (Bùi Ðình Hạc, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lương Ðức, Lê Mạnh Thích, Trần Văn Thủy, Ðào Trọng Khánh, Nguyễn Thanh An) và 31 nghệ sĩ ưu tú là ghi nhận của Nhà nước, nhân dân đối với những người đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư.

1.560 phim thời sự và phóng sự ngắn, 1.100 phim tài liệu, 210 phim khoa học, hàng chục vạn mét phim tư liệu khác, không chỉ là thành quả lao động sáng tạo không biết mệt mỏi của các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên của hãng mà còn là tài sản vô giá của điện ảnh nước nhà.