Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Dấu ấn riêng trong nền văn học Việt Nam

Từ các tác giả lớp trước như Nông Quốc Chấn, Tô Hoài, Bàn Tài Ðoàn, Nguyên Ngọc, Triều Ân, Y Ðiêng, Nông Viết Toại, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Ma Trường Nguyên, Vương Trung, Vi Thị Kim Bình, Mã Thế Vinh, Lò Ngân Sủn..., đến lớp tác giả trung tuổi như: Vương Anh, Y Phương, Hùng Ðình Quý, Mai Liễu, Dương Thuấn, Lò Cao Nhum, Hữu Tiến, Kim Nhất, Cao Duy Sơn, Inrasara Lâm Tiến, La Quán Miên, Hà Lâm Kỳ, Sa Phong Ba... và giờ đây là các gương mặt mới như: Tống Ngọc Hân, Bùi Tuyết Mai, Ðoàn Ngọc Minh, Nông Văn Kim, Nguyễn Liên, Hoàng Thế Sinh, Trịnh Hà, Bùi Nhị Lê, Lưu Thị Bạch Liễu, Dương Lộc Vượng, Vi Thị Thu Ðạm, Huyền Minh, Chu Thị Minh Huệ, Tạ Văn Sỹ, Dương Khâu Luông, Hoàng Kim Dung, Niê Thanh Mai, v.v...

Bằng tác phẩm của mình, các tác giả đã và đang tiếp tục phản ánh, khắc họa diện mạo, hình ảnh con người, đời sống, tâm tư, tình cảm, tính cách cùng những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp cách mạng và trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước hôm nay. Nhà văn Tô Hoài với "Vợ chồng A Phủ", nhà văn Nguyên Ngọc với "Ðất nước đứng lên", nhà thơ Nông Quốc Chấn với "Tiếng ca người Việt Bắc", "Bước chân Pác Bó", "Suối và biển", nhà thơ Bàn Tài Ðoàn với "Muối Cụ Hồ", "Có mắt thấy đường đi", "Xuân về trên núi", nhà thơ Y Phương với "Tiếng hát tháng giêng", "Ðàn gió", nhà thơ Dương Thuấn với "Ði tìm bóng núi", "Ði ngược mặt trời", nhà thơ Mai Liễu với "Mây vẫn bay về núi", "Lời then ai thuộc", v.v. đó là những tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng người đọc. Tác phẩm của họ đã đạt được những giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tạo được chỗ đứng lâu dài trong lòng công chúng. Nhiều tác phẩm đã giành được các giải thưởng xứng đáng. Một số tác giả là người dân tộc thiểu số đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và giải thưởng quốc tế. Gần đây nhất nhà văn Cao Duy Sơn đã giành giải thưởng văn học Ðông-Nam Á 2009 với tập truyện "Ngôi nhà xưa bên suối". Ðó là những cống hiến to lớn, thành quả lao động đáng tự hào của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trong mấy chục năm qua. Cũng từ đó mà vị trí, vai trò của các nhà văn, nhà thơ viết về đề tài dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao. Sáng tác của họ đã tạo được bản sắc riêng trong nền văn học Việt Nam và trở thành một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu những sáng tác bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số

Mặc dù đạt được những thành tựu rất khả quan trên, đội ngũ tác giả viết về miền núi và dân tộc thiểu số ngày càng đông và đa dạng, song chính mảng văn học các dân tộc thiểu số hiện nay đang đối mặt với không ít khó khăn, trở ngại lớn. Ðó là việc văn học viết bằng chính ngôn ngữ của các dân tộc hiện đang co lại. Trên văn đàn hiện nay, lớp tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ hiện rất ít, số tác giả có thể sáng tác bằng hai thứ tiếng (mẹ đẻ và tiếng Việt) cũng không nhiều. Trong khi đó số lượng tác giả viết về mảng đề tài này bằng tiếng Việt có phần trội hơn. Hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện có 820 người thì có 335 hội viên là người Kinh. Nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số nhưng đã bỏ tiếng mẹ đẻ mà chỉ sáng tác bằng tiếng Việt. Những điều này chỉ ra một điều: văn học dân tộc miền núi được sáng tác bằng tiếng Việt đã và luôn chiếm ưu thế. Do vậy vấn đề sáng tác để phục vụ đối tượng nào, tác phẩm của họ có đến được với đồng bào các dân tộc thiểu số không và nếu đến được thì đến bằng kênh nào rất cần được điều tra đánh giá khách quan, chính xác. Mặt khác cũng cần phải suy nghĩ về điều này: đồng bào các dân tộc thiểu số có thực đã thích đọc và nghe các tác phẩm viết về họ trong khi văn hóa đọc của xã hội nói chung đang có những biến đổi mà văn hóa đọc của đồng bào còn có những hạn chế nhất định. Trong khi đó, lớp trẻ là người dân tộc thiểu số hiện nay có nhiều người chỉ biết nói mà không biết chữ viết của dân tộc mình bởi vì họ không được học viết. Ðiều này liên quan đến việc họ sẽ không đọc được tác phẩm văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc. Mặt khác, khi một số tác giả là người dân tộc thiểu số được đào tạo bài bản thì họ lại không sinh sống làm việc ở quê hương nữa nên sáng tác của họ có những cách biệt với đời sống thật phong phú của đồng bào các dân tộc, hoặc họ viết ít hơn về mảng đề tài này.

Trong dòng chảy văn học nước nhà

Trước thực tế trên, để khắc phục những trở ngại đó làm cho văn học các dân tộc thiểu số tiếp tục có nhiều tác phẩm hay và hay hơn nữa, đáp ứng nhu cầu thời đại, cống hiến cho dân tộc, một trong những giải pháp quan trọng là cần chăm lo, củng cố xây dựng đội ngũ tác giả sáng tác về lĩnh vực này và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để giúp họ phát huy khả năng sáng tạo. Không nên phân biệt tác giả là người dân tộc thiểu số thì phải được quan tâm nhiều hơn tác giả người Kinh viết về đề tài dân tộc miền núi; hoặc phải có giải thưởng dành riêng cho họ. Phải lấy mục đích sáng tạo, lấy chất lượng sáng tác để đánh giá cống hiến lao động của nhà văn mới là lẽ công bằng. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam từ lâu đã là nơi tập hợp đội ngũ các văn nghệ sĩ, các tác giả sáng tác về đề tài nông thôn, miền núi và dân tộc, cũng là nơi tụ hội các tác giả là người dân tộc thiểu số, nay vẫn đang là ngọn cờ tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ viết về đề tài này. Hội cũng là nơi nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước những chính sách, chiến lược và cụ thể để gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, bảo tồn chữ viết của các dân tộc, bảo tồn các loại hình văn nghệ dân gian quý báu đang đứng trước nguy cơ mai một. Hội cũng vừa là nơi làm công tác chăm lo bồi dưỡng phát hiện, đào tạo, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ của mình để họ tiếp tục cống hiến và tỏa sáng tài năng.

Làm thế nào để ngày càng có nhiều tác phẩm hay viết về các dân tộc thiểu số, về nông thôn miền núi; làm thế nào để có một đội ngũ những nhà văn, nhà thơ thật sự tài năng viết về đề tài này, để mảng văn học dân tộc tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn học nước nhà - đó luôn là trách nhiệm của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam của Hội Nhà văn Việt Nam, của từng tác giả. Bạn đọc vẫn luôn mong chờ được đọc các tác phẩm mới và đầy sáng tạo về lĩnh vực này mà sẽ không quan tâm lắm về việc đó là tác giả già hay trẻ, dân tộc thiểu số hay người Kinh. Hãy sáng tạo và cống hiến hết mình cho dân tộc, cho đất nước - đó luôn là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của bất kỳ người cầm bút nào.

HÀ HỒNG LẠNG