Lời cha ông trong sách sử Hán-Nôm:

“Có nước có dân, không hèn không yếu”

NDO -

NDĐT- Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường, “Quốc sử được xem là công cụ đúc nên quốc hồn, là linh đan bồi bổ cho quốc não, khơi dậy lòng yêu nước, đưa đất nước tiến lên văn minh và tiến bộ”.

Cuốn sách của TS Nguyễn Thị Hường.
Cuốn sách của TS Nguyễn Thị Hường.

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hường (1981 - 2012) đã chọn đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ chuyên ngành Hán - Nôm của mình là mảng sách tư liệu gắn với lịch sử: Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

Sự khảo cứu, biên dịch công phu trên văn bản chữ Hán và chữ Nôm 20 cuốn sách dạy lịch sử (gồm 186 văn bản cổ) có niên đại từ 1880 đến 1952 của nhà nghiên cứu trẻ đã cho ra đời một luận án xuất sắc trong năm 2012 và nay đã trở thành một cuốn sách.

Cuốn sách được đánh giá rất cao trên nhiều phương diện và (tôi nghĩ rằng) là cuốn sách nhiều người nên đọc. Càng nên đọc để có thể “ôn cố (mà) tri tân” khi hôm nay sách chưa cần, sách nhiễu nhương đang “loạn” và việc giảng dạy / học lịch sử vẫn nối dài nhiều câu chuyện buồn...

Chỉ duy nhất một điều đau xót: Tác giả đã không thể có mặt trong buổi giới thiệu sách của mình.

Tai nạn giao thông khắc nghiệt thời điểm này năm 2012 đã cướp đi một nhà khoa học trẻ đầy triển vọng. Cuốn sách là nén hương lòng được những người thầy, người bạn thân thiết biên tập, xuất bản và giới thiệu (4-9) trước ngày giỗ đầu của cô một ngày...

Tôi không muốn dùng chữ “cố” trước chữ “TS” và tên tác giả khi viết về cuốn sách này vì muốn nhấn mạnh rằng: Những giá trị tinh thần và học thuật thì vẫn sống lâu hơn chủ nhân của nó.

Trong cuốn sách (riêng), đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình, TS Nguyễn Thị Hường - đã “lần ngược” thời gian bằng văn bản và cho mọi người thấy những tâm đắc, những sáng tạo, những hy vọng, những điều gửi gắm của cha ông ta với các thế hệ sau qua những bài học lịch sử được biên soạn công phu và lưu truyền bằng những cách thức rất đa dạng.

Văn vần dễ đọc, dễ học, dễ nhớ - đặc biệt với lứa tuổi thơ. Để “ấu ấu tu chi” các nhà giáo/sử xưa đã soạn nhiều cuốn sách bằng văn vần, mỗi câu bốn chữ. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Hường, có rất nhiều bài học lịch sử bằng văn vần đã được tìm thấy. Chẳng hạn, Khóa nhi tiểu giản tứ tự quốc âm thể là sách dạy trẻ em bậc sơ học được soạn theo thể thơ 4 chữ, gồm 400 câu. Chỉ 400 câu nhưng “gói” được cả về cương thường, luân lý, sử ký, cách đối nhân xử thế và nhiệm vụ đối với đất nước. Trong sách có tới 40 câu dạy về lịch sử Việt Nam:

Từ họ Lạc Hồng

Đến đời Thục Triệu

“Có nước có dân

Không hèn không yếu”...

rồi:

Thời kỳ Bắc thuộc

Hơn một nghìn năm

Quốc dân chịu nhục

Chí khí nuốt căm”...

Những bài học về con người, về danh nhân lịch sử cũng là mảng đề tài quan trọng trong sách sử của cha ông. Cuốn “Thiên nam tứ tự kinh” sau khi trình bày diễn trình lịch sử, có liệt kể danh nhân đất Việt với thể văn vần bốn chữ. Có Phù Đổng Thiên Vương, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi, có các vua sáng, các chính sách có đóng góp quan trọng trong lịch sử. Trong cuốn “Tiểu học quốc sử lược biên”, mỗi bài học là một sự kiện lịch sử quan trọng như những thay đổi về chính sách, những cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Những luận giải về cương vực cũng là điều đáng chú ý trong các sách giáo khoa lịch sử của người xưa. Tuy sự trình bày về cương vực giữa các sách có mức độ không giống nhau, có sách lướt qua, có sách dành cả chuyên mục, nhưng vấn đề này luôn được các tác giả biên soạn sách đề cập đến.

Chủ quyền trên biển ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng có trong những bài giảng của sách sử. TS Nguyễn Thị Hường lý giải điều này: “Có thể nói, việc trình bày chuyên sâu về cương vực là công việc của môn địa dư. Nhưng do tính quan trọng của nó đối với quốc gia cũng như sự liên quan chặt chẽ của nó với quốc sử, cương vực luôn là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và Nôm”.

Cần lưu ý thêm rằng những điều này được viết trong giai đoạn Việt Nam đang phải đấu tranh giành lại nền độc lập của mình. Một số cuốn sách sau khi trình bày các sự kiện chính còn có những phần “bình sử”, thể hiện quan điểm sử học. Trong cuốn “Tiểu học quốc sử lược biên”, tác giả đặt hẳn những phần phân tích sự kiện thành bài học. Có bài về phép tắc tốt đẹp nhà Trần, có bài phương pháp lấy lòng dân của nhà Trần hay nguyên nhân nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên. “Như vậy, tác giả không đơn thuần là trình bày sự kiện mà tổng hợp, phân tích sống động, thổi vào đó cả niềm tự hào dân tộc, tạo hứng thú cho người đọc”, TS Hường phân tích.

Với cuốn “Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm“ , từ chuyện soạn sách, dạy/học sử của người xưa, còn nhiều bài học hôm nay cần tiếp nối.

“Có nước có dân, không hèn không yếu” ảnh 1

TS Nguyễn Thị Hường.