Bán sách online và sách điện tử lên ngôi mùa Covid-19

NDO -

NDĐT – Cũng gặp nhiều khó khăn và doanh thu giảm mạnh như các ngành sản xuất, dịch vụ khác khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhưng một tín hiệu sáng của ngành xuất bản là số lượng sách bán online và sách điện tử tăng mạnh trong thời gian qua.

Bán sách online và sách điện tử lên ngôi mùa Covid-19

Sách truyền thống giảm mạnh

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 3-2020, hoạt động xuất bản nói chung, trước hết thị trường phát hành sách truyền thống, dựa chủ yếu vào hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu của các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở hai thị trường lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo báo cáo của các đơn vị phát hành sách lớn như FAHASA, Phương Nam, Tiền Phong, Tân Việt, Công ty Đường sách Nguyễn Văn Bình... và các công ty sách, nhà sách tham gia liên kết xuất bản như Anfabook, Thái Hà book, Nhã Nam, Đinh Tị, Đông A... doanh thu giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4 năm 2020.

Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều sự kiện lớn về sách, xuất bản phải hủy, hoãn, hoặc đóng cửa. Phố sách Hà Nội đóng cửa từ nửa cuối tháng 3 đến nay, hàng loạt hội sách Mùa Xuân do các đơn vị phát hành, NXB, các nhà sách tổ chức cũng phải hủy, hoãn. Hội sách mùa xuân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai năm một lần cùng nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm, sự kiện liên quan đến sách nhằm hướng tới Ngày sách Việt Nam 21-4, dự kiến tổ chức rải rác từ cuối tháng 3 và trong tháng 4 cũng bị hủy toàn bộ, khiến các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất đi nguồn thu không nhỏ.

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, mặt khác, việc nhiều thị trường đối tác lớn của ngành xuất bản như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ đang căng mình đối phó với đại dịch Covid, buộc nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng cũng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền của nhiều đơn vị trong nước, ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung bản thảo. Các hoạt động liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu in ấn, xuất bản cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng của các đơn vị phát hành, công ty sách trở thành gánh nặng lớn, trong điều kiện doanh thu sụt giảm hoặc không có. Những điều này đã tác động tiêu cực lên toàn bộ ngành in, xuất bản. Thống kê ba tháng đầu năm cho thấy, số lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bán online và sách điện tử tăng

Tuy nhiên, một điểm sáng của ngành in và xuất bản thời gian này là số lượng sách bán qua hình thức online và sách điện tử đã tăng mạnh. Thời gian cách ly xã hội, hạn chế đi lại, trẻ nhỏ học tập tại nhà cùng với việc các địa điểm vui chơi giải trí, rạp chiếu phim, quán cà phê, nhà hàng, điểm du lịch… đóng cửa đã khiến cho nhu cầu mua sách về nhà đọc tăng cao.

Bán sách online và sách điện tử lên ngôi mùa Covid-19 ảnh 1

Sách điện tử và sách bán online "đắt hàng" mùa dịch.

Do yêu cầu hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, nhiều bạn đọc lựa chọn hình thức mua sách qua mạng giúp kênh phát hành sách online tăng mạnh. Ghi nhận của Tiki, đơn vị lớn nhất trong lĩnh vực bán sách online hiện nay cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, năm mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, hai loại sách có mức độ tăng trưởng cao trong hai tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2,7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần). Một số đơn vị khác như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Cùng với thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt hơn 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống (với sự phối hợp với các nhà xuất bản, nhà sách) sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn. Việc thí điểm bán lưu niệm và các vật phẩm văn hóa khác qua fan club cũng có nhiều thuận lợi, mở ra nguồn doanh thu mới ngoài sách.

Như vậy, có thể thấy khoảng thời gian giãn cách xã hội và tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí lại là một cơ hội cho các đơn vị xuất bản trong việc tái cơ cấu lại các loại hình sách, thăm dò nhu cầu thị trường và tập trung vào những loại sách mà hiện tại bạn đọc đang có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, cùng với các kênh bán online chung (còn chưa nhiều) như Tiki, Shoppee, Fahasa…, các đơn vị phát hành cũng cần đầu tư thêm vào chính các kênh bán online của mình, tăng cường quảng bá, giới thiệu và cập nhật liên tục thông tin về các đầu sách mới, kết hợp với các biện pháp kích cầu… để vượt qua thời điểm khó khăn này.