Từ "làng điện ảnh" nghĩ về việc bảo vệ phim trường


Nhiều cảnh đậm hồn quê như cây đa, bến nước, con đò bên dòng sông Cà Lồ thơ mộng, những ngôi nhà cổ, vườn mít, rặng tre xanh... đã được đưa vào phim, làm cho những thước phim trở nên sống động. Tuy nhiên, xu thế phát triển tất yếu đang đặt người dân trong làng trước hai lựa chọn nghiệt ngã: gìn giữ những kiến trúc thuần Việt cổ xưa để tiếp tục được chọn là phim trường hay hiện đại hóa làng quê như bao làng quê khác?

Nét quê lọt vào ống kính

Vượt qua cầu Thăng Long hơn chục phút, qua trạm thu phí cao tốc Thăng Long - Nội Bài vài trăm mét là có thể nhìn thấy làng quê Thụy Hương và Hương Gia với những rặng tre già xanh thẫm, nằm sát bên dòng sông Cà Lồ uốn mình  như dải lụa. Những nét thuần Việt cổ kính với những con dong (ngõ) chạy dài hun hút, tường gạch non bong lở, những cái cổng với những họa tiết đắp vẽ mang đậm nét cổ xưa. Những ngôi nhà mái phủ rêu phong, rơm rạ ẩm mốc... tường gạch lục xói lở nằm xếp nối tạo thành xóm cổ. Đẹp hơn cả là những ngôi nhà cổ còn giữ nguyên được kiến trúc tổng thể từ ngôi nhà chính đến gian bếp, chuồng nuôi gia súc, bể nước, sân giếng...

Vẻ đẹp của làng quê Thụy Hương và Hương Gia còn được thể hiện ở những cảnh sinh hoạt mang đặc trưng làng quê như những bé gái ngồi nhổ tóc sâu cho bà, những bé trai chơi bi, chơi đáo hoặc những cụ già lưng còng áo thâm sàng sảy thóc ngay ngõ gạch; cảnh trẻ nhỏ dắt trâu  ra đồng chăn thả, những cô gái vớt rau bèo nuôi lợn... đầy thơ mộng, là nguồn tư liệu phong phú cho các đạo diễn tha hồ chọn lựa và đưa vào phim.

Người đầu tiên tìm ra hai "làng phim trường" Thụy Hương và Hương Gia là đạo diễn Đặng Nhật Minh để tìm cảnh quay cho bộ phim Thương nhớ đồng quê . Nhiều cảnh đậm chất thôn quê đã được đưa vào phim như: cây si hơn 200 tuổi, cây đa hàng trăm năm tuổi nằm trên con đường vào làng, ngôi đền cổ kính thờ ba ông Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng xưa kia đã từng đục thuyền tuẫn tiết để không sa vào tay giặc... Nhưng nhiều nhất vẫn là cảnh tại gia đình ông Nguyễn Xuân Vĩnh nằm ngay ngõ đình làng Hương Gia, bên dòng sông Cà Lồ. Đây là một ngôi nhà hơn trăm năm tuổi có kiến trúc tổng thể còn giữ nguyên nét thuần Việt.

Sau khi được đạo diễn Đặng Nhật Minh khám phá ra vẻ đẹp bao nhiêu năm bị vùi giấu sau lũy tre làng, Thụy Hương và Hương Gia trở thành  "trường quay" quen thuộc của nhiều đạo diễn phim nhựa lẫn phim truyền hình. Ông Vĩnh cho biết, cứ ba, bốn tháng lại có một đoàn làm phim tìm đến làng để thuê nhà dân, tìm ngoại cảnh quay phim khiến cả làng vui như có hội. Hễ rỗi rãi công việc là người lớn cũng như trẻ nhỏ rồng rắn kéo nhau đi xem đoàn đóng phim. Không chỉ mượn cảnh nhà ông Vĩnh, các đoàn còn mượn cảnh của nhiều gia đình khác như ông Nghị, ông Hợi, ông Tự, ông Tâm...

Không ai trong số các ông nhớ được tên bộ phim nào đã mượn cảnh quay ở nhà mình, chỉ còn mang máng là Đất và người, Những ngọn nến trong đêm, Những năm tháng đẹp, Làng Thanh mở phố, Cảnh sát hình sự, Sân tranh, Tết độc lập... Riêng ông Vĩnh cho biết, từ năm 1995 đến nay đã có hơn hai chục phim mượn bối cảnh nhà ông.

Làm gì để giữ được làng phim trường?

Có thực tế là người Thụy Hương và Hương Gia rất nhiệt tình với các đoàn làm phim và cả chuyện... đóng phim (đóng diễn viên quần chúng). Họ vào vai cũng rất thật và tự nhiên, không thua kém gì diễn viên chuyên nghiệp, từ các cụ già cho đến những người trung niên, nhất là cánh thanh niên và các em nhỏ ngày ngày vẫn long tong khắp các ngõ xóm trong làng chơi bi, chơi đáo. Các cụ bà thường được mời vào vai têm trầu trong đám cưới hoặc cầm cờ, quạt, phướn trong đám ma. Các cụ ông đóng vai các cụ ngồi khề khà thuốc trên chiếu đình làng. Trẻ con vừa chơi đáo, chơi cò cò vừa nghêu ngao hát vài câu đồng dao... Có khi cả nửa làng được mời đóng diễn viên quần chúng cho các cảnh chạy Tây, chiến tranh du kích, cướp thóc... Những vai diễn tuy nhỏ nhưng cũng khiến người làng hết sức tự hào.

Ông Đỗ Duy Quýt, 70 tuổi, nhà ở sau đình xóm Miếu (Thụy Hương) đã nhiều lần đóng vai quần chúng cho biết, tiền cát-xê cả ngày đi theo đoàn diễn được từ 20 - 30 nghìn đồng/người, không đáng bao nhiêu nhưng cái chính là lòng nhiệt tình của bà con. Có đoàn làm phim về là từ trẻ nhỏ đến người già chúng tôi đều thấy vui.

Riêng về tiền thuê nhà để đóng phim, ông Nguyễn Xuân Vĩnh, cho biết: "Những  người có nhà cho đoàn làm phim thuê hoặc mượn đều không đặt vấn đề tiền nong, mà họ trả cho bao nhiêu là quý bấy nhiêu". Theo ông, thông thường sau mỗi ngày quay, các đoàn thường trả cho gia đình khoảng 50.000 đồng, còn nếu quay vào buổi tối thì ngoài tiền điện còn trả thêm 20.000 đồng. Tuy nhiên cũng có nhiều lần ông cho mượn nhà suốt mà không nỡ nhận đồng nào. Niềm vui của ông là "đón" được đoàn làm phim về quay thì làng có một dịp vui và nhiều người lại được mời đóng vai quần chúng.

Thụy Hương và Hương Gia đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều đạo diễn, đoàn làm phim. Tuy nhiên, đến hai làng vào những  ngày này thấy cảnh trí nhiều nơi đã đổi khác đi nhiều. Làn gió hiện đại hóa dường như đã thổi tới vùng quê rất đỗi thanh bình này. Nhờ làm ăn phát đạt, nhiều gia đình phá những ngôi nhà cũ xây nhà, bếp mới, lát lại sân... Nhưng buồn nhất là những ngôi nhà cổ cứ ít dần đi. Cách đây không lâu, ông Trần Văn Tám, chủ nhân của một ngôi nhà cổ đã từng xuất hiện trong hàng chục phim, đã phá đi chiếc cổng cổ, sắp tới sẽ phá nốt ngôi nhà cổ để xây một căn nhà mới, dù ông rất buồn rầu, nuối tiếc nhưng hiện nay cột, kèo, xà gồ đã bị mối xông hết rồi. Tiền trùng tu nhà cổ gấp hai, ba lần tiền xây nhà mới.

Nhiều người e rằng nếu Nhà nước và các cơ quan chức năng không có chiến lược xây dựng riêng một trường quay hoặc tìm giải pháp bảo tồn những nơi có thể làm phim trường ở nông thôn thì sau này khó mà tìm được chúng nữa.