Phim hợp tác: Xu hướng mới của điện ảnh - truyền hình Việt Nam

Năm 2004, Hãng Phim Việt đã bắt đầu kế hoạch ra mắt bằng bộ phim truyền hình “390 yêu”, được đặt hàng từ phía Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh (TFS).

Cuối tháng 3-2005, “Dollar trắng” - bộ phim hợp tác đầu tiên giữa Hãng phim Vaphaco và TFS sẽ bấm máy. “Bẫy tình”, bộ phim truyện vidéo do NSƯT Lê Cung Bắc đạo diễn là đứa con chung của Hãng Việt Phim, Hãng phim Truyền hình Bình Dương và Công ty Phương Nam. Mười tập phim truyền hình “Duyên phận” sắp khởi quay của Việt Phim sẽ tiếp tục được thực hiện theo phương thức hợp tác...

Hợp tác trong nước: Kẻ góp công, người góp của

Ngay từ năm 2000, bộ phim “Đối thủ” do TFS và Hãng phim Giải Phóng bắt tay thực hiện là bước mở đầu cho chủ trương hợp tác để nâng cao số lượng lẫn chất lượng phim của TFS. Kết quả sự hợp tác xuyên lãnh thổ của TFS là các phim: “Chuyện tình biển xa”, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”... (hợp tác cùng Hãng phim Truyền hình Việt Nam- VFC) và sắp tới là hai bộ phim “Ban mai xanh” (25 tập, hợp tác cùng VFC), “Chuyện tình đảo cát” (10 tập, hợp tác với Hãng phim Truyền hình Hải Phòng)...

Việc hợp tác giữa các hãng dù theo bất cứ hình thức nào cũng đều nhằm mục đích hai bên cùng có lợi. Khi đó, về phía các đài, việc bảo đảm 50% thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình sẽ không nằm ngoài khả năng. Bởi lẽ, khi hợp tác với các đối tác (chủ yếu theo phương thức khoán), các đài truyền hình sẽ có thêm thời gian để đầu tư vào những bộ phim khác. Phía các hãng phim tư nhân sẽ không còn vướng mắc về đầu ra cho phim của mình. Đôi khi, phần lợi dành cho các đối tác của đài sẽ nằm sau những sô quảng cáo trong thời gian phim phát sóng. Đài truyền hình chịu trách nhiệm về nội dung, còn chất lượng phim là trách nhiệm của phía thực hiện. Phim “Ban mai xanh”, sản phẩm hợp tác giữa TFS và VFC được thực hiện với 50% vốn đóng góp của mỗi bên. “Chuyện tình đảo cát” được làm với 100% kinh phí của TFS và toàn bộ nhân lực do Đài Truyền hình Hải Phòng cung cấp.

Việc hợp tác như thế không chỉ mang lại nhiều sự lựa chọn cho khán giả truyền hình mà còn tận dụng được nguồn nhân lực của các đơn vị. Mới đây, trên website www.giaiphongfilm.com.vn, Hãng phim Giải Phóng đang mời gọi hợp tác cho bộ phim “Mối tình đầu của Hồ Xuân Hương”. Việc mở rộng hợp tác với các hãng phim tư nhân có thể sẽ là một trong những con đường để phim Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường quốc tế bởi lẽ các công ty tư nhân thường có mạng lưới phát hành rộng khắp thế giới và khá nhạy trong công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm trong khi việc này vẫn còn khá xa lạ đối với các hãng phim Nhà nước.

Tìm chỗ đứng cho phim Việt tại xứ người

Hợp tác làm phim không phải chỉ bó hẹp trong nước mà còn vượt ra khỏi lãnh thổ quốc gia. Đến nay, sau phim “Lẵng hoa tình yêu” - sản phẩm hợp tác đầu tiên với Hàn Quốc, TFS còn mở rộng quan hệ hợp tác với Công ty Lasta (Thái-lan) thực hiện một số bộ phim truyền hình dài tập: “Vòng xoáy tình yêu”, “Khát vọng đô thành”... Bộ phim “Thạch Thảo” của Hãng phim Giải Phóng cũng đang trong giai đoạn thương thuyết với một đối tác Hàn Quốc...

Từ năm 1991 đến nay, sau 14 năm, với trên 10 phim truyện nhựa hợp tác với nước ngoài, Hãng phim Giải Phóng luôn là đơn vị tiên phong trong việc hợp tác làm phim với các nước. Từ những bộ phim mang đậm hồn Việt như trên, bạn bè các nước sẽ có dịp hiểu thêm về cuộc sống, con người Việt Nam. Đó cũng chính là tâm nguyện chung của các nhà làm phim trong nước.

---------------------

Ông Nguyễn Việt Hùng (Giám đốc TFS):

Hợp tác làm phim là xu thế tất yếu

Việc hợp tác sản xuất phim đã được TFS thực hiện từ rất lâu nhưng khoảng một năm nay, xu thế này mới dần trở nên phổ biến. TFS sẽ không đủ sức thực hiện chủ trương “50% thị phần phim truyền hình là phim Việt Nam” nếu chỉ đơn thương độc mã. Trong hoàn cảnh cầu nhiều hơn cung như hiện nay, việc hợp tác làm phim sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra nhiều lựa chọn cho từng thành phần khán giả.

Ông Lê Đức Tiến (Giám đốc Hãng phim Giải Phóng):

Cơ hội học hỏi lớn
cho điện ảnh - truyền hình Việt Nam

Không chỉ có thêm kinh phí để nâng chất lượng phim, việc hợp tác còn giúp chúng tôi giải quyết vấn đề nhân lực. Ngoài ra, hợp tác với nước ngoài còn tạo cơ hội để điện ảnh-truyền hình Việt Nam tiếp cận phong cách làm phim chuyên nghiệp của các nước. Đó sẽ là một trong những phương cách nâng cao nghiệp vụ nhanh chóng và hiệu quả nhất.