"Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" - biên niên sử đặc biệt trên truyền hình

NDO -

Đối với các nhà làm phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, nhìn lại 90 tập phim vẫn ngỡ như ngày hôm qua. Một bộ phim đồ sộ, với khối lượng tư liệu, tài liệu khổng lồ, cùng nhiều ê-kíp làm phim khác nhau, đã đánh dấu một công trình công phu của phim tài liệu truyền hình. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải đặc biệt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 cho nhóm tác giả của Báo Nhân Dân (Ảnh: HẢI NGUYÊN).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao Giải đặc biệt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XV - năm 2020 cho nhóm tác giả của Báo Nhân Dân (Ảnh: HẢI NGUYÊN).

Đạo diễn Nguyễn Lê Anh, Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Điện ảnh Nhân Dân là người trăn trở với ý tưởng xây dựng bộ phim đồ sộ này từ lâu. Anh cho biết, ý tưởng thực hiện bộ phim đã có từ cách đây bảy năm. Chỉ riêng tên phim, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra, và cuối cùng cái tên “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình” được đưa ra và chấp nhận. 

Một “Biên niên sử” chưa từng có trên truyền hình -0
 Các nhà làm phim phỏng vấn chuyên gia nước ngoài. (Ảnh: Hãng phim cung cấp).

Những tư liệu mới công bố

Đây là bộ phim dài hơi về đề tài lịch sử, phản ánh một cách có hệ thống, đầy đủ xuyên suốt về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay.

Nội dung phim tập trung làm rõ ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành lập Đảng 3/2/1930 và truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng ta trong suốt hơn 90 năm qua; khẳng định công lao to lớn của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò, công lao to lớn, tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, các Anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã chiến đấu, anh dũng hy sinh cho sự nghiệp của dân tộc; những thành tựu vĩ đại, truyền thống quý báu của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 90 năm qua, nhất là hơn 30 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước; những bài học kinh nghiệm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với tuyên truyền đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; những vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng…

Một “Biên niên sử” chưa từng có trên truyền hình -0
 Đạo diễn Lê Anh trò chuyện với nhân chứng và tham khảo tư liệu. (Ảnh: Hãng phim cung cấp).

Đây là lần đầu tiên có một bộ phim tài liệu phản ánh xâu chuỗi một quá trình lịch sử dài như vậy, cho nên số lượng tập phim rất đồ sộ, kể cả nội hàm của bộ phim. Ngoài năm tập đầu tiên dẫn vào bộ phim, kể từ mốc năm 1945, phim chia tập theo từng năm. Tư liệu phim theo đó cũng phải tuân thủ theo hằng năm, các sự kiện phim xâu chuỗi với nhau trong quá trình lịch sử.

Phim đã được chuẩn bị  kỹ từ gần 5 năm trước khi bước vào giai đoạn sản xuất thực tế. Dự án phim đã huy động đội ngũ những người làm phim giàu kinh nghiệm và uy tín về nghề nghiệp từ các Hãng phim, Đài truyền hình, các chuyên gia điện ảnh, nhà khoa học, viện nghiên cứu và các đơn vị truyền thông… lên tới gần 100 người. Có gần 10 ê-kíp làm phim (mỗi ê-kíp gồm năm người).

Để thực hiện được bộ phim đồ sộ này, khâu tư liệu, tài liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của bộ phim. Đạo diễn Lê Anh cho biết, ê-kíp làm phim đã xây dựng được hệ thống tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ các tác giả, các tổ chức, cá nhân đang nắm giữ, trong đó có nhiều nguồn tư liệu lần đầu được công bố. “Chúng tôi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tiên cho phép mở kho tư liệu của phía bên kia chiến tuyến trước năm 1975 của Viện Phim Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tìm cách và qua rất nhiều cầu nối để tiếp cận được nguồn tư liệu của Trung tâm chiến tranh Texas, nơi lưu giữ rất nhiều tư liệu, tài liệu, hiện vật cá nhân liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp cận được Trung tâm Điện ảnh Pháp, thành lập từ năm 1905, có nhiều nguồn tư liệu phong phú”, đạo diễn Lê Anh kể. Ngoài ra, đoàn làm phim cũng khai thác được tư liệu, thông tin từ thư viện của Quốc hội…

Một “Biên niên sử” chưa từng có trên truyền hình -0
 Đạo diễn Lê Anh tìm hiểu về kỷ vật chiến tranh. (Ảnh: Hãng phim cung cấp)

Trong phim, có rất nhiều hình ảnh, tư liệu lần đầu được công bố. Chẳng hạn hình ảnh chiếc mũ của phi công lái chiếc B52 ném bom rải thảm miền bắc, hình ảnh rải chất độc da cam xuống Việt Nam quay từ góc nhìn của phi công, hay những hình ảnh màu lần đầu phát sóng về năm 1954, những hình ảnh phong trào phản chiến ở Mỹ hay những hình ảnh về cuộc đổ bộ lặng lẽ của lính Mỹ vào Đà Nẵng…

“Những hình ảnh này chúng tôi được lấy từ Trung tâm Chiến tranh Texas hay từ các nhà sưu tầm tư nhân. Cũng có những hình ảnh đã lấy về nhưng chưa sử dụng được. Nguồn tư liệu, tài liệu của phim phong phú đến mức, có những ngã rẽ của phim cũng có thể làm được những bộ phim tài liệu khác. Nhưng cũng có những hình ảnh chỉ được phép sử dụng ở bộ phim này…” - đạo diễn Lê Anh chia sẻ.

Những phản hồi từ người xem

Đạo diễn Lê Anh: 

Quan điểm của chúng tôi là không né tránh sự kiện, chưa bao giờ trong phim chỉ có hình ảnh một chiều. Ngay cả số liệu thương vong cũng có của cả hai bên.

Ê-kíp làm phim cho biết, ngay từ khi những tập đầu mới phát sóng, đoàn làm phim đã nhận được những phản hồi khác nhau từ phía người xem. Có những giáo viên dạy các trường Đảng, các tuyên truyền viên, cán bộ tuyên giáo… đi giảng bài cho các trường chính trị cũng lấy phim này trích dẫn rất nhiều trong bài giảng. Nhiều cháu học sinh cũng tham khảo phim để bổ sung kiến thức cho bài học lịch sử. Nhiều phóng viên, đồng nghiệp đã theo dõi không bỏ sót tập nào và cổ vũ, động viên, chia sẻ với nhóm làm phim. Đặc biệt, nhiều người về hưu, những cựu chiến binh từng tham gia các cuộc chiến là những khán giả quen thuộc của bộ phim.

Đạo diễn Lê Anh chia sẻ, do phim có đặc thù sản xuất theo hình thức cuốn chiếu, cho nên các tập khi phát sóng đều có khán giả phản hồi. Nhiều người mong muốn được xem trước bộ phim vì mỗi tập chỉ có thời lượng khoảng 25-30 phút, họ cảm thấy quá ngắn. Có những kênh YouTube không phải kênh chính thống của Hãng, nhưng đưa phim lên và thu hút hàng triệu lượt xem.

“Có những người rất xúc động, vừa nói vừa khóc trong điện thoại. Có những người lính đã trải qua cuộc chiến, xem đi xem lại các tập phim và khóc. Cũng có những khán giả gọi điện trao đổi thẳng thắn về các tập phim, họ giúp chúng tôi bổ sung, hoàn chỉnh một số chi tiết cho hoàn hảo hơn” - đạo diễn nói. 

“Làm phim tài liệu lịch sử có nhiều sức ép, sức ép từ khối tài liệu khổng lồ, sức ép từ thời hạn phát sóng mỗi tập phim, sức ép về thống nhất và hòa hợp “giọng” của từng ê-kíp làm phim, nhưng những phản hồi của người xem đã là nguồn động lực rất lớn khích lệ chúng tôi trên chặng đường xây dựng lịch sử bằng hình ảnh này, và cũng là nguồn nguyên liệu để chúng tôi làm phim” - đạo diễn Lê Anh nói.

Giải đặc biệt Giải Báo chí quốc gia tối 24/10 đã được trao cho tác phẩm phim tài liệu truyền hình: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình của nhóm tác giả Nguyễn Lê Anh, Lê Thi, Nguyễn Thành Trung, Ngô Đình Khoát, Nguyễn Thanh Tùng. Đây là lần đầu tiên Giải Báo chí quốc gia có giải đặc biệt.