Ðạo diễn - NSƯT Văn Lượng đoạt kỷ lục châu Á làm phim về biển, đảo

NDO - Sinh năm 1957, tuổi Ðinh Dậu, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Văn Lượng (trong ảnh), Giám đốc Xưởng phim truyền hình Hải Phòng, vừa được Trung tâm Kỷ lục châu Á (trụ sở tại Ấn Ðộ) xác nhận là Kỷ lục gia châu Á với danh hiệu Ðạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước- con người miền biển, đảo nhiều nhất châu Á.

Lễ trao nhận Kỷ lục châu Á sẽ diễn ra vào ngày 31-5 tại TP Hồ Chí Minh.

Gặp lại chúng tôi trong một chiều phố cảng Hải Phòng, "Gã ngư dân cửa biển" - như cách bạn bè vẫn gọi Văn Lượng, say sưa kể chuyện luồn rừng đảo Dấu, lội đầm lầy dựng bối cảnh phim Con mắt bão tại miền cửa biển Tiên Lãng, Hải Phòng. Khi được hỏi về những thành công của mình, anh tâm sự: "Cuộc đời tràn đầy những điều kỳ diệu, nếu không tin vào những điều đó, chắc khó lý giải được những cơ duyên đã đến với mình. Tuy nhiên, nếu anh không chủ động đi tìm kiếm cơ hội thì chẳng có duyên may nào hết!".

Trưởng thành từ phim tài liệu, giai đoạn đầu truyền hình mới phát triển, có những kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc, Văn Lượng đoạt liền một lúc mấy giải nhất và Huy chương vàng, bạc. Thế nên khi Trung tâm Kỷ lục Việt Nam có thư đề nghị xác lập kỷ lục "Ðạo diễn có nhiều phim về đất nước, con người miền biển, đảo nhất Việt Nam" cho đạo diễn Văn Lượng và gửi tới các Ðài truyền hình trong nước, anh đã nhận được những dòng nhận xét đầy trìu mến và khâm phục của đồng nghiệp.

Từ những bộ phim truyện đầu tiên làm chung với nhà văn Ðoàn Lê như Con Vá, Chim bìm bịp, Nước mắt của biển và tiếp theo là những phim mang dấu ấn cá tính Văn Lượng như Mụ Lẫm, Cái Vừng, Chuyện tình đảo Cát... mới đây là bộ phim nhiều tập Con mắt bão, anh chưa dứt ra khỏi đam mê về biển. Hầu hết các ca khúc cho phim truyện hay phim tài liệu của mình, Văn Lượng đều trực tiếp viết ca khúc, ở đó anh trải lòng với biển, với đời và những thân phận đầy trắc trở của kiếp người "lao động biển cả".

Các số phận nhân vật trong phim của Văn Lượng (cả phim truyện và phim tài liệu) thường rất buồn, chịu nhiều oan trái, bởi họ đều là những người tài hoa, nhiều khát vọng đi trước thời cuộc. Anh kể, một người bạn của Văn Lượng đã gọi ngay cho anh khi những hình ảnh cuối cùng của tập thứ 20 phim Con mắt bão vừa kết thúc: "Buồn quá, đau quá Lượng ơi! Nỗi đau chiến tranh để lại trên thịt da rồi có thể nguôi ngoai nhưng chiến tranh cộng thêm sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự nghèo khó của đất đai miền đầu sóng ngọn gió xô đẩy con người ta đến mức méo mó, lệch lạc thì dữ dội quá, buồn quá!". Bộ phim do thành phố Hải Phòng đầu tư chính, đã vượt qua hàng chục phim truyền hình trong nước sản xuất năm 2012 để xứng đáng nhận Giải Cánh diều bạc 2013 của Hội Ðiện ảnh Việt Nam. Trước đó, Văn Lượng đã nhận được nhiều giải thưởng cao ở trong nước và ngoài nước có thể kể ra ở đây như: Chim bìm bịp (phim truyện truyền hình) Huy chương bạc (HCB) Liên hoan truyền hình toàn quốc 2002; Huyền thoại mùa thu (phim tài liệu), giải khuyến khích ASEAN 2010; Lời khẩn cầu từ hai lòng hồ  (phim phóng sự điều tra), Giải Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc 1998, Giải C Báo chí quốc gia 1998; Trạng Trình-Người tiên tri họ Nguyễn (phim tài liệu) Huy chương vàng (HCV) Liên hoan truyền hình toàn quốc 2004; Dương Kinh một thuở (phim tài liệu) HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc 2005; Khát vọng mùa trăng (phim tài liệu) Cánh diều bạc Hội Ðiện ảnh Việt Nam, HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc; Hạt nắng bên dòng Câu Hạ (phim tài liệu), HCV Liên hoan truyền hình toàn quốc 2008 và khoảng 40 phim được HCB... 

Thế nên cũng dễ hiểu, cái "tạng" của Văn Lượng đã "tụ thiền" nơi miền đất Phật khi anh tiếp tục bắt tay chuẩn bị cho bộ phim được anh coi là quan trọng nhất đời mình - 45 tập của bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ðầu tháng tư năm nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo tỉnh đã giúp tháo gỡ một trong những rào cản khó khăn nhất với phim khi quyết định cho Công ty Cổ phần Việt Nam Tinh Hoa (đơn vị sản xuất phim) xây dựng Công viên văn hóa nhà Trần kết hợp trường quay phim cổ trang tại vùng đất Phật, nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là non thiêng Yên Tử. Văn Lượng chia sẻ: "Chỉ khi có trường quay, phim cổ trang, lịch sử của chúng ta mới đi đúng con đường chuyên nghiệp như các nước tiên tiến đã đi. Trong quá trình chuẩn bị suốt ba năm qua, đoàn làm phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông luôn luôn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nhà lãnh đạo, nhiều học giả đáng kính, của giới văn nghệ sĩ trong nước và ngoài nước. Chúng tôi xác định, kịch bản phim là yếu tố đầu tiên quyết định đến chất lượng một bộ phim, nhất là một bộ phim không lấy thế mạnh là phô diễn kỹ nghệ, kỹ xảo điện ảnh. Ðạt được đến độ đẹp giản dị trong văn hóa là đã đạt được đến độ sang quý và tinh tế. Ðó là đích đến cho một bộ phim về đức Phật của Việt Nam".

"Có phúc thì có phần" - một đạo diễn nổi danh trong ngành truyền hình trong nước đã chúc mừng Văn Lượng như vậy, bởi người bạn ấy hiểu sâu sắc cái giá phải trả của một nghệ sĩ cả đời chỉ lao vào nghề, "gia tài" đã có tới hơn 600 bộ phim, trong đó có 300 phim về biển, đảo như Văn Lượng đã nếm trải. Yêu biển, yêu người miền biển bởi chính con người và cá tính của Văn Lượng là do "vị mặn của biển tạo tác nên". Không làm phim để hòng đạt kỷ lục, chỉ đến khi được trao tặng Kỷ lục gia châu Á cũng là lúc "Gã ngư dân" Văn Lượng thầm lặng rẽ sang một khúc mới của một "đời tằm" suốt đời yêu say cuộc sống. Người nghệ sĩ ấy đang "lao vào" bộ phim Phật Hoàng Trần Nhân Tông tự nguyện và tràn đầy nhiệt huyết.