ĐÓN NĂM MỚI Ở NGA

Người Nga rất thích các kỳ nghỉ lễ. Năm mới là ngày lễ được chờ đợi nhất và là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Do lãnh thổ rộng lớn và vị trí địa lý trải dài từ châu Âu sang châu Á, ngày lễ đón năm mới ở Nga được tổ chức ở các vùng khác nhau theo những cách khác nhau, và qua thời gian, phong tục đón năm mới ở xứ sở Bạch Dương cũng có nhiều thay đổi. Nhưng năm mới luôn là thời điểm đề mọi người kỳ vọng vào một khởi đầu thuận lợi, nỗi buồn qua đi, và chỉ có niềm vui và những ấn tượng sống động ở phía trước.

Ảnh: donland.ru

Ảnh: donland.ru

Truyền thống đón năm mới ở Nga vào ngày 1/1 như hiện nay mới chỉ duy trì từ năm 1699 theo quyết định của Pyotr Đại đế. Trong sắc lệnh này, Sa hoàng cũng quy định người dân trang trí nhà cửa bằng cây thông, vân sam và bách xù để đón mừng năm mới.

Hằng năm, việc chuẩn bị cho lễ đón năm mới bắt đầu vào giữa tháng 12. Người Nga thường sẽ dọn dẹp nhà cửa, đi mua cây thông và trang trí khắp nơi đón Giáng sinh và năm mới.

Chợ cây thông. Ảnh: Tass.ru

Chợ cây thông. Ảnh: Tass.ru

Người Nga đặc biệt thích những cây thông thật. Các khu chợ bán thông mỗi năm chỉ họp một lần nhưng rất rộn ràng. Họ cũng có thể vào rừng, tự tìm cho mình một cây thông ưng ý. Ở mỗi thành phố, thị trấn hay làng mạc, dù xa xôi hẻo lánh, thì tại quảng trường trung tâm nhất định đều có những cây thông lấp lánh dịp năm mới, được thắp sáng bằng những vòng hoa điện lung linh.

Cây thông Năm mới tại Vladivostok. Ảnh: Hằng My

Cây thông Năm mới tại Vladivostok. Ảnh: Hằng My

My, một cựu du học sinh Nga, chia sẻ, ở thành phố Vladivostok nơi cô học tập trước đây, các hoạt động lớn như hòa nhạc, hội chợ ẩm thực với đa dạng các món ăn, nhiều khu chụp ảnh, cầu trượt băng và bắn pháo thường diễn ra ở quảng trường trung tâm.

"Hòa chung không khí năm mới, chúng mình cũng gác lại bài vở và cùng đón năm mới của nước bạn. Vì vào khoảng thời gian Tết Nguyên đán ở nhà thì bên mình đang là lúc ôn thi cuối kì I, nên dịp này, tranh thủ được nghỉ nhiều bọn mình đón năm mới "2 trong 1" luôn. Chúng mình đặt bánh chưng, giò, tự làm các món ăn khác và thiết kế cành đào từ nhưng tờ giấy màu để đón năm mới. Sáng ngày mồng 1 bọn mình sẽ ra trung tâm thành phố chụp ảnh, cùng với người dân Nga tận hưởng không khí năm mới" - My chia sẻ.

Hằng My cùng bạn bè tận hưởng không khí năm mới tại Nga.

Hằng My cùng bạn bè tận hưởng không khí năm mới tại Nga.

Chuẩn bị đưa cây thông từ rừng về thủ đô. Ảnh: Tass.ru
Cây thông ngoài trời Điện Kremlin năm 2020. Ảnh: ria.ru

Cây thông ở Điện Kremlin

Cây thông Noel chính của cả nước Nga được đặt ở Điện Kremlin và là thông tươi. Cây thông này được lựa chọn rất kỹ theo các tiêu chuẩn như: tuổi thọ phải từ 80-100 năm, chiều cao khoảng 30 mét, có dáng đẹp dạng kim tự tháp cân đối, lá kim dày và cành khỏe để chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Cây thường được đưa đến Thủ đô trên một chuyến tàu chuyên dụng. Sau lễ, cây được tháo dỡ, gỗ của nó được sử dụng làm quà lưu niệm. 

Ảnh: infoelka.ru

Ảnh: infoelka.ru

Chương trình nghệ thuật đón năm mới ở điện Kremlin

Chương trình nghệ thuật đón năm mới với không khí cổ tích cùng Ông già tuyết và Công chúa tuyết được các tổ chức công đoàn ở Moksva tổ chức lần đầu tại Cung điện Kremlin năm 1953. Giờ đây, chương trình đã trở thành một truyền thống không thể thiếu mỗi dịp năm mới và là một món quà đáng nhớ đối với nhiều trẻ em. Theo TASS, hằng năm có tới hơn 5 nghìn lượt trẻ em từ mọi miền đất nước tới dự chương trình này. Trong số đó, có những học sinh chiến thắng trong các cuộc thi và kỳ thi olympic, học sinh các trại trẻ mồ côi và trường nội trú, trẻ em có cha mẹ qua đời ở các điểm nóng, v.v.

Năm 2021 và 2022, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chương trình này được ghi hình và phát sóng trên truyền hình và trên mạng internet để mang niềm vui đón năm mới tới trẻ em toàn nước Nga và khắp thế giới.

Ảnh: tass.ru

Ảnh: ria.ru

Ảnh: tass.ru

Ảnh: ria.ru

Ông già Tuyết và Công chúa tuyết - những nhân vật gắn với ký ức tuổi thơ

Nhân vật không thể thiếu trong lễ đón năm mới ở Nga chính là Ông già tuyết và Công chúa tuyết.

Năm 1935, chính sách của chính phủ có sự thay đổi và truyền thống Giáng sinh đã được tiếp nhận như một phần của ngày lễ năm mới 1/1. Kể từ đó, "cây thông Noel" ở nước Nga hiện đại được coi là "cây thông năm mới". Quà tặng, những chuyến ghé thăm của Ông già Noel cũng đã trở thành một phần của truyền thống năm mới chứ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo.

Năm 1937, tại buổi gặp mặt giao thừa, Công chúa tuyết lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là bạn đồng hành và là cháu gái của Ông già tuyết. Công chúa tuyết là một nhân vật trong truyện cổ tích Nga và việc cô đồng hành cùng Ông già Tuyết là một nét đặc biệt trong văn hóa Nga mà không có ở nước nào khác.

Hằng năm, từ những ngày đầu tháng 12, Ông già tuyết và Công chúa tuyết sẽ đến tham dự các hoạt động đón chào năm mới tại các trường mẫu giáo, trường học, nhà văn hóa. Trẻ em theo truyền thống sẽ nhảy múa quanh cây thông được trang trí rực rỡ và nhận những món quà tuyệt vời từ Ông già tuyết. Tất cả tạo nên kỷ niệm không bao giờ quên đối với mỗi đứa trẻ.

Ảnh: dom-dm.ru

Ảnh: dom-dm.ru

Ông già tuyết có dinh thự riêng ở Veliky Ustyug. Kể từ năm 1998, Veliki Ustyug chính thức được coi là quê hương của Ông già tuyết. Veliky Ustyug là một trong những thành phố lâu đời nhất ở miền bắc nước Nga, thuộc vùng Vologda. Đây là một thành phố bảo tồn thiên nhiên với không khí trong lành. Mùa đông tuyết trắng phủ đầy những cánh rừng taiga. Nơi ở của Ông già tuyết là một thế giới cổ tích thực sự, tới đây, tất cả mọi du khách đều bước vào thế giới cổ tích với những phép màu của tuổi thơ tươi đẹp.

Nơi ở của Ông già tuyết có cửa hàng lưu niệm và bưu điện để tiếp nhận hàng vạn lá thư của các em nhỏ từ mọi miền nước Nga và tất cả các lá thư này đều được trả lời.

Ông già Tuyết trên chuyến tàu đi vòng quanh đất nước. Ảnh: rzd.ru

Ông già Tuyết trên chuyến tàu đi vòng quanh đất nước. Ảnh: rzd.ru

Năm 2021-2022, chuyến tàu chở quà của Ông già tuyết bắt đầu hành trình đi vòng quanh đất nước vào ngày 5/12 từ Veliky Ustyug và đã đến hơn 30 thành phố.

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Item 1 of 3

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Trên chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Chuyến tàu của Ông già tuyết. Ảnh: Đường sắt Nga (rzd.ru)

Bàn tiệc - nơi người Nga quây quần đón năm mới

Người Nga có tục lệ bày bàn tiệc thịnh soạn vào dịp năm mới, bàn tiệc sẽ là nơi tụ họp của bạn bè và người thân vào đêm giao thừa. Người Nga cho rằng các món ăn càng đa dạng và phong phú thì năm sau sẽ càng thành công và hài lòng.

Người Nga tin rằng, bàn ăn đầy thức ăn sẽ tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy vào năm mới. Ảnh: rostov.aif.ru

Người Nga tin rằng, bàn ăn đầy thức ăn sẽ tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy vào năm mới. Ảnh: rostov.aif.ru

Bàn ăn đón năm mới phải đặc biệt và sang trọng! Người Nga chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới rất cẩn thận: họ lên danh sách các sản phẩm từ trước, suy nghĩ kỹ thực đơn đến từng chi tiết nhỏ nhất, cố gắng nấu nhiều món ăn khác nhau nhất có thể và khiến thực khách của bữa tiệc năm mới phải ngạc nhiên vì điều này!

Tại sao bàn tiệc năm mới lại được chú ý nhiều đến vậy?

Người Nga cho rằng chìa khóa thành công trong năm mới chính là bàn ăn được trang trí đẹp mắt, không chỉ ngon mà còn phải đẹp! Do đó, các bà nội trợ chuẩn bị các món ăn ngày lễ, lấy ra những bộ dao kéo đẹp đẽ, khăn trải bàn, thắp nến, v.v.

Salad Nga - món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc Năm mới. Ảnh: kubantv.ru

Salad Nga - món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc Năm mới. Ảnh: kubantv.ru

Khi lựa chọn món ăn, những món ăn nhẹ truyền thống thường được ưu tiên, chẳng hạn như salad Olivier (mà các bà nội trợ Việt Nam khá quen thuộc với tên gọi salad Nga). Thịt gia cầm, cá, lợn sữa nướng là những món thường có trên bàn tiệc năm mới. Đồ uống thường có thể là champagne hoặc rượu vang, và tráng miệng sẽ là bánh chocolate nâu và không thể thiếu quýt hay trà cam quýt truyền thống. Truyền thống ăn quýt bên bàn tiệc năm mới xuất hiện từ thời vị Sa hoàng cuối cùng của Nga, Nicholas đệ nhị, và vẫn duy trì cho tới nay.

Làm pelmeni và giấu tiền xu bên trong. Ảnh: Tú Anh

Làm pelmeni và giấu tiền xu bên trong. Ảnh: Tú Anh

Tú Anh, sinh viên năm thứ hai ngành Quản Lý tại Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan, chia sẻ một phong tục thú vị: Người Nga đến năm mới có truyền thống tự làm pelmenhi (môt loại bánh có nhân thịt lớp vỏ làm bằng bột mì rất quen thuộc với người dân Nga) rồi giấu tiền xu bên trong. Ai ăn phải miếng penmenhi đầu tiên có đồng xu thì chắc chắn sang năm sẽ tiền xủng xẻng đầy túi.

Đối với nhiều người Nga, năm mới là ngày lễ của gia đình. Trang tin Izvestia năm 2018 dẫn khảo sát của của Trung tâm Nghiên cứu dư luận toàn Nga (VTsIOM) đối với 1,8 nghìn người Nga từ 18 tuổi trở lên cho thấy, 78% người được khảo sát có kế hoạch tổ chức kỳ nghỉ lễ ở nhà cùng gia đình.

Bữa tiệc giao thừa thường bắt đầu vào khoảng 23 giờ đêm, khi đó mọi gia đình đều sum họp quanh bàn tiệc, bật champagne đúng lúc giao thừa, và tất cả cùng nâng cốc chúc mừng năm cũ qua đi và chào đón năm mới đến. Lúc này, người dân Nga cũng thường đón đợi thông điệp mừng năm mới của nguyên thủ quốc gia. Điều thú vị là nước Nga trải dài trên 11 múi giờ nên bài phát biểu sẽ được phát sóng 11 lần qua các kênh phát thanh và truyền hình. Truyền thống chúc mừng năm mới của các nguyên thủ tại Nga bắt đầu từ năm 1936, khi tục lệ đón năm mới được khôi phục trở lại sau một thời gian bị gián đoạn.

Pháo hoa rực sáng bầu trời trên điện Kremlin trong lễ đón năm mới ở Moskva, Nga. (Ảnh: ria.ru)

Pháo hoa rực sáng bầu trời trên điện Kremlin trong lễ đón năm mới ở Moskva, Nga. (Ảnh: ria.ru)

Sau bữa tiệc năm mới, người Nga thường đổ ra đường, đến các địa điểm ngoài trời, chờ đón những màn pháo hoa rực rỡ lung linh nhất, mừng một năm mới và những niềm vui, niềm hy vọng mới bắt đầu.

Ảnh: iz.ru

Ảnh: iz.ru

Truyền thống đón năm mới tại Nga

Truyền thống đón năm mới ở Nga vào ngày 1/1 như hiện nay mới chỉ duy trì từ năm 1699 theo quyết định của Pyotr Đại đế.

Truyền thống đón "năm mới cũ" xuất hiện sau khi Nga áp dụng lịch Gregorian (dương lịch tại Việt Nam) năm 1918, theo đó, ngày bắt đầu năm mới theo lịch cũ của Nga (lịch Julian) sẽ rơi vào ngày 14/1. Từ năm 1919, Giáng sinh (25/12) theo lịch cũ được ấn định là vào ngày 7/1 theo lịch mới.

Theo TASS, sau Cách mạng tháng Mười, tục lệ tổ chức Giáng sinh và đón năm mới có thời gian bị gián đoạn do bị coi là "tàn dư của tôn giáo và chủ nghĩa tư bản".

Cuối năm 1935 tờ "Sự thật" đăng bài kêu gọi "xóa bỏ những định kiến đối với cây thông năm mới" và kêu gọi tổ chức lại các hoạt động mừng năm mới cho thanh thiếu nhi. Tới ngày 23/12/1947 theo lệnh của Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô, ngày 1/1 là ngày lễ chính thức và được nghỉ. Từ năm 2013, theo quy định của Luật lao động Nga, người dân được nghỉ lễ từ 1/1 đến hết ngày 8/1.

Trước đó, người Nga đón năm mới khi thì vào tháng 3, khi thì vào tháng 9.

Người Nga cổ đại coi năm mới là ngày bắt đầu hồi sinh của thiên nhiên sau mùa đông dài giá lạnh, nên họ mừng năm mới vào tháng 3. Vào cuối thế kỷ 15, hoặc, theo một phiên bản khác, vào năm 1348, Nhà thờ Chính thống giáo dời ngày đầu năm sang 1/9 theo hệ thống niên đại Vizantine.

Tục đón năm mới vào tháng 3 trùng với thời gian diễn ra Lễ hội Maslenitsa - lễ hội tống tiễn mùa đông, đón mùa xuân và năm mới. Lễ hội Maslenitsa là lễ hội lâu đời nhất vẫn được tổ chức linh đình ngày nay. Lễ hội kéo dài một tuần và những ngày này, người dân Nga trên khắp cả nước vui mừng tổ chức các hoạt động vui chơi, nhóm những đống lửa, đốt bánh xe lửa và hình nộm rơm. Âm thanh và ánh sáng của lửa tượng trưng cho ánh sáng mặt trời sẽ ngự trị, xoa tan giá lạnh, băng tuyết của mùa đông.

Bánh blin. Ảnh: tass.ru

Bánh blin. Ảnh: tass.ru

Bánh blin, món ăn đặc trưng của người Nga và được xem là “linh hồn” trong nghi lễ tiễn đưa mùa đông. Món bánh có hình tròn và mầu sắc ấm áp, tượng trưng cho mặt trời. Không chỉ dùng làm lễ vật để dâng lên thần linh và cầu nguyện cho mùa màng no đủ, sức khỏe và hạnh phúc, bánh blin còn là món ăn phổ biến nhất suốt một tuần của lễ hội.

Đốt hình nộm rơm để tống tiễn mùa đông tại Lễ hội Maslenitsa. Ảnh: tass.ru

Đốt hình nộm rơm để tống tiễn mùa đông tại Lễ hội Maslenitsa. Ảnh: tass.ru

Âm thanh và ánh sáng của lửa tượng trưng cho ánh sáng mặt trời sẽ ngự trị, xoa tan giá lạnh, băng tuyết của mùa đông. Ảnh: tass.ru

Âm thanh và ánh sáng của lửa tượng trưng cho ánh sáng mặt trời sẽ ngự trị, xoa tan giá lạnh, băng tuyết của mùa đông. Ảnh: tass.ru

Người Nga tổ chức nhiều trò chơi nhân lễ hội Maclenitsa. Ảnh: tass.ru

Người Nga tổ chức nhiều trò chơi nhân lễ hội Maclenitsa. Ảnh: tass.ru

Ảnh: tass.ru

Ảnh: tass.ru

Item 1 of 4

Ảnh: tass.ru

Ảnh: tass.ru

Năm mới luôn là thời điểm người ta gửi gắm hy vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, một khởi đầu mới thật tốt đẹp. Trải qua thời gian, phong tục đón năm mới của người Nga đã có nhiều thay đổi. Vừa lưu giữ truyền thống cũ, vừa tiếp nhận những nét mới. Nhưng dù cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, những giá trị văn hóa truyền thống luôn có sức sống mãnh liệt trong lòng mỗi người dân Nga.

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: DIỆU THU - NGÔ HƯƠNG
Ảnh: HẰNG MY, TÚ ANH, Ria Novosti, Tass