Đội tuyển Anh đã làm gì để kết thúc nửa thế kỷ đau khổ?

NDO -

Tuyển Anh đã trải qua một hành trình dài để đứng trước cơ hội trở thành nhà vô địch. Không chỉ 6 trận đấu, họ phải mất 55 năm với quá ít niềm vui và đầy rẫy đau khổ.  

Các tuyển thủ Anh ăn mừng chiến tích lọt vào chung kết Euro 2020. (Ảnh: Getty Images)
Các tuyển thủ Anh ăn mừng chiến tích lọt vào chung kết Euro 2020. (Ảnh: Getty Images)

Khi đội tuyển Anh vô địch World Cup 1966 và nhận chiếc Cúp Jules Rimet, Nữ hoàng Anh Elizabeth II chỉ mới bước sang tuổi 40. Đó là sự kiện lớn, nhưng không có màn ăn mừng phô trương nào diễn ra. Khoản tiền thưởng 22.000 bảng được chia đều 1.000 bảng mỗi người. Các cầu thủ nhận nó rồi đến khách sạn Royal Garden ở phía tây London ăn tối.

Không có diễu hành trên xe bus hoặc mừng công trên Quảng trường Trafalgar. Người Anh đã không ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của chiến tích lẫy lừng ấy. Nếu như xứ sương mù biết rằng, phải đợi 55 năm Tam sư mới vào chung kết lần nữa ở một giải đấu lớn, có lẽ họ đã tận hưởng chức vô địch một cách đầy đủ hơn.

55 năm với 10 kỳ World Cup và 9 kỳ Euro tham dự, Anh không bao giờ đặt chân đến chung kết. Thậm chí vào bán kết cũng là cái gì đó hiếm hoi. Vì vậy nó cũng đáng để ăn mừng. Trở về từ World Cup 1990 mà Tam sư là một trong bốn đội mạnh nhất, 300.000 người hâm mộ chào đón họ ở sân bay Luton. Khi họ lặp lại điều đó tại World Cup 2018, huấn luyện viên Gareth Southgate đã phải từ chối đề nghị cả đội thực hiện màn diễu hành trên xe bus.

Southgate muốn nuôi dưỡng động lực cho các học trò, tránh cảm giác tự mãn chỉ vì vào bán kết. Đã từng là một phần trong quãng thời gian 55 năm đau thương, ông muốn thay đổi lịch sử.

25 năm trước chính tại Wembley, Southgate lãnh trách nhiệm sút quả thứ 6 trong loạt luân lưu quyết định trận bán kết Euro 1996. Ông nói rằng trên đường tiến đến chấm đá phạt, đêm đen sâu thẳm hơn bao giờ hết. Trong đầu ông chỉ toàn những ý nghĩ tiêu cực. Và ông sút hỏng. Tam sư dừng bước và trong nỗi thất vọng tột cùng, cả xứ sương mù coi Southgate là tội đồ thiên cổ.

Với một đất nước đã quá lâu không vào chung kết, trong khi tự hào là quê hương bóng đá và sở hữu giải đấu cấp câu lạc bộ hấp dẫn nhất hành tinh, mức độ kỳ vọng đôi khi vượt quá thực tế. Đến khi nó biến thành nỗi thất vọng, họ cần vật tế thần. Southgate là một trong những nạn nhân gồm Chris Waddle 1990, David Beckham 1998, David Seaman 2002 và Roy Hodgson, Raheem Sterling 2016. 

Theo thời gian, việc khoác áo tuyển Anh đồng nghĩa với áp lực. Từ các huấn luyện viên đến cầu thủ đều sợ thất bại, để rồi đánh mất mình và sẽ hài lòng nếu đi tới tứ kết hoặc bán kết. 

“Chúng tôi đã quá thận trọng và chơi một hệ thống cứng nhắc. Trận gặp Italy, nếu mạo hiểm hơn, phát huy sức mạnh và tốc độ của những cầu thủ tấn công đang có, chúng tôi đã có thể chiến thắng”, tiền đạo Rickie Lambert nói về chiến dịch World Cup 2014 đầy tủi hổ khi Anh bị loại ngay sau vòng bảng. 

Theo hậu vệ Matthew Upson, chứng nhân của thất bại ở World Cup 2010, thì “vấn đề lớn của tuyển Anh là không thể xử lý được sự kỳ vọng cũng như áp lực để chơi với dũng khí, sự tự do, tận dụng triệt để tiềm năng của các cầu thủ”.

Southgate đương nhiên cũng biết điều gì cản trở tuyển Anh tới thành công. Trong gần 5 năm dẫn dắt Tam sư, ông cố gắng tạo ra một môi trường mà tất cả mọi người hiểu rõ về nhau, sẵn sàng mở lòng chia sẻ các câu chuyện cá nhân. Bản thân ông cũng nói với các học trò về nỗi đau khi đá hỏng cú penalty ở Euro 1996. Những cầu thủ bắt đầu cảm thấy việc khoác áo tuyển Anh thực sự thú vị, thay vì đó là trải nghiệm đau đớn và gây sợ hãi. 

Cho tới khi Anh đi tới bán kết World Cup 2018, tất cả biết rằng với thực lực, sự đoàn kết cùng tinh thần chiến đấu, họ có thể làm được cái gì đó lớn lao. Từ chối lễ diễu hành bằng xe bus, các cầu thủ Tam sư đặt ra mục tiêu phải tiến thêm một bước nữa. 

“Thay vì hài lòng rồi chìm tiếp vào cơn mê như trong quá khứ, chúng tôi phải cố gắng tốt hơn và chinh phục mục tiêu cao hơn”, Southgate nói. Và bây giờ tuyển Anh đã đến vùng đất mơ ước: một trận chung kết. Nhưng hành trình chưa kết thúc. Họ cần hoàn tất bước cuối cùng: trở thành nhà vô địch tại Wembley. Và Nữ hoàng Elizabeth, giờ đã 95 tuổi, sẽ rất hạnh phúc dù phải chờ đợi hơi lâu.