Đổi thay ở vùng đất khó

Bằng nỗ lực và quyết tâm cao, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của toàn Ðảng bộ, huyện miền núi Nho Quan (Ninh Bình) mới đây đã được Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so mục tiêu của Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 27, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Thu nhập bình quân năm 2021 đạt 51 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 1%.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và nhân dân xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) trao đổi kinh nghiệm phát triển cây ăn quả.
Cán bộ và nhân dân xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) trao đổi kinh nghiệm phát triển cây ăn quả.

Đồng chí Ðinh Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nho Quan cho biết, ngay sau Ðại hội Ðảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, các cấp ủy, địa phương của huyện đã khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết bằng các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó trọng tâm là tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Là địa bàn khó khăn của huyện Nho Quan, xã Kỳ Phú có đông đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, sản xuất phụ thuộc điều kiện tự nhiên. Xác định bên cạnh sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, thì việc phát huy được nội lực vẫn là căn bản, lâu dài, Ðảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề, trong đó nêu rõ tính cấp bách việc đổi mới tư duy, tác phong công tác trong toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Kỳ Phú Vũ Ðình Lâm, tinh thần đổi mới được Ðảng ủy nêu rõ bằng việc khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cấp ủy viên đã được chỉ ra qua mỗi lần sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Ðảng ủy thực hiện phương châm này gắn với trách nhiệm cá nhân, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, phát huy ưu điểm mỗi người. Chuyển biến dễ thấy là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Trước kia người dân nuôi hươu tự phát, chăn thả tự do, hiệu quả không cao, dễ sinh dịch bệnh nhưng nay nhà nào cũng có chuồng trại, bảo đảm vệ sinh, khoa học, quy trình kỹ thuật.

Trên cơ sở lợi thế từng vùng, từ những mô hình điểm của gia đình cán bộ, đảng viên, đến nay, Kỳ Phú đã nhân rộng được nhiều diện tích trồng na trái vụ, nuôi trâu, bò, dê, kết hợp thả cá với trồng lúa, cấy lúa chất lượng cao,... Xã hiện có 17 trang trại gia đình, ước đạt 200 triệu đồng/trang trại/năm. Trong năm qua, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 50 triệu đồng/người, tăng gần 6 triệu so với hai năm trước đó.

Chuyển mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng các loại hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu mà Ðảng bộ xã Phú Long xác định là khâu đột phá của nhiệm kỳ này. Theo Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Vũ Thị Ninh, từ nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, Ðảng ủy tập trung chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã và các chi bộ thực hiện.

Trong quá trình mở rộng mô hình sản xuất, các chi bộ, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có giải pháp khuyến khích các hộ dân tìm ra cách làm hay, hướng đi phù hợp, hiệu quả, tạo thuận lợi giúp người dân tiếp cận nhanh các nguồn vốn để sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Ðảng ủy phân công cấp ủy chỉ đạo các chi bộ và đảng viên tại các thôn, bản theo dõi, giúp các hộ nghèo, cận nghèo.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động giúp hộ nghèo vươn lên. Thí dụ, để tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, lãnh đạo xã thường xuyên nhắc nhở cán bộ tại bộ phận một cửa phải lưu ý xây dựng hình ảnh về một chính quyền thân thiện, vì dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân; gắn việc rèn luyện đạo đức của người cán bộ, công chức với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, lãnh đạo xã còn khảo sát tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của từng cán bộ thông qua ý kiến các ban, ngành, đoàn thể, cử tri và nhân dân định kỳ hằng quý. Qua đó, đưa công tác cải cách hành chính của xã đi vào nền nếp, chất lượng và hiệu quả.

Với sự vào cuộc sát sao của đội ngũ cán bộ chủ chốt và cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay xã Phú Long có thêm nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, như mô hình trồng thanh long ruột đỏ, ổi, bưởi Diễn, chăn nuôi lợn rừng... Nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn trồng na trái vụ, mỗi năm thu hoạch bán với giá trị hàng tỷ đồng.

Các mô hình cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn, nuôi lợn rừng, ong, hươu, dê,... được nhân rộng, mỗi năm ước đạt giá trị vài chục tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển thúc đẩy người dân phát triển nhều cơ sở dịch vụ hàng tiêu dùng, ăn uống, kinh doanh phương tiện vận tải bằng ô-tô. Người dân các thôn, bản còn hiến đất, góp tiền và ngày công tham gia làm gần 20km đường giao thông nông thôn, cứng hóa 600m kênh mương góp phần đáp ứng khả năng tưới toàn vùng sản xuất.

Ðến các xã Phú Long, Kỳ Phú thăm các vùng chuyên canh cây công nghiệp sắn, mía, dứa hay như mô hình trồng lúa đặc sản (nếp hạt cau) ở các xã Văn Phú, Sơn Thành với diện tích hàng trăm héc-ta, vùng chuyên canh cây dược liệu ở xã Cúc Phương, chúng tôi càng thấy rõ hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn của người dân và các doanh nghiệp.

Ở xã Ðồng Phong, diện tích đất canh tác kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang năm nào, nay đã trở nên trù phú với những vườn ổi, vườn bưởi, vườn cam được quy hoạch thành các khu, vùng sản xuất do xã định hướng tổng thể. Nhiều cán bộ của xã, tiên phong với các mô hình trồng cây ăn quả, nuôi cá đã “đánh thức” khát vọng làm giàu của người nông dân.

Xã hiện có 9 hợp tác xã với hàng nghìn thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: Dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi (gà, cá), trồng cây ăn quả an toàn, sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ cao trên cánh đồng mẫu lớn,... ước thu về vài chục tỷ đồng/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 52 triệu đồng, hộ nghèo giảm mạnh, còn hơn 1%.

Thực tế phát triển nông nghiệp hàng hóa của huyện Nho Quan cho thấy, cấp ủy, chính quyền luôn xác định nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất là chủ thể, chính quyền định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thì đều đạt kết quả rõ rệt, bứt phá.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan Hoàng Khắc Tiệp, để thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với công tác đào tạo, nâng tầm đội ngũ cán bộ, huyện coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,... trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng, nghĩa vụ và địa bàn phụ trách.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuyên bám nắm tình hình cơ sở, chủ động đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của nông dân và doanh nghiệp.