Yếu tố tâm lý xã hội trong kịch bản ứng phó mới

Hai kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 cho giai đoạn tới được xây dựng dựa trên nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước mà Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, sự "biến hình" khó lường của SARS-CoV-2 tại một số nước chính là lời cảnh báo trong việc lựa chọn kịch bản ứng phó mới.

Du khách nước ngoài trải nghiệm phố cổ Hội An sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN
Du khách nước ngoài trải nghiệm phố cổ Hội An sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Hai kịch bản trong thời gian tới

GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. "Với kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền...", ông Lân nói.

Kịch bản thứ hai, theo ông Lân, đến nay hiểu biết về SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện như tiêm vaccine, thuốc điều trị và những biện pháp phòng dịch…

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 tăng cường thứ tư và tiêm cho trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đang triển khai thu thập dữ liệu đối tượng đã tiêm chủng, đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine, tỷ lệ nhiễm, tái nhiễm, số ca mắc nặng thuộc địa bàn được phân công quản lý để phân tích và đề xuất việc sử dụng vaccine Covid-19 trong thời gian tới.

Cân nhắc coi Covid-19 là bệnh lưu hành

Trước đó, tại Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023 theo Nghị quyết 38/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (mức đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Song, với sự xuất hiện của Deltacron-biến thể lai giữa Delta và Omicron, hay biến thể tái tổ hợp XE giữa dòng phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron tại nhiều nước, nhiều ý kiến đặt ra liệu Việt Nam đã đến lúc xem Covid-19 như một bệnh lưu hành (còn gọi bệnh đặc hữu, là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch…)? Theo quan điểm của PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo những biến chủng mới của SARS-CoV-2 và khuyến nghị các nước cần thận trọng trong đáp ứng với Covid-19. Cùng với đó, một bệnh được coi là bình thường mới thì số mắc phải ổn định, phải dự báo được. Nhưng hiện nay dịch bệnh trên toàn thế giới chưa ổn định, nhất là trong bối cảnh WHO đang cẩn trọng khi đánh giá tình hình dịch tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hiện nay biện pháp phòng dịch không còn là kiểm soát cứng nhắc mà vừa đánh giá nguy cơ, vừa linh hoạt các biện pháp phòng dịch đan xen giữa nhóm A và B nhưng vẫn bảo đảm và đáp ứng được phòng bệnh. "Theo tôi, thời điểm này chưa nên coi Covid-19 là bệnh thông thường. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải quan tâm đến những người dễ tổn thương như người nghèo vì nếu chuyển Covid-19 sang nhóm B thì người dân phải trả tiền điều trị. Cùng với đó, nguy cơ bỏ lỏng đầu tư phòng dịch, nếu không may virus biến chủng thì không có bốn tại chỗ để ứng phó kịp thời sẽ rất nguy hiểm", ông Phu phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia y tế, PGS, TS Nguyễn Huy Nga cũng lưu ý, còn có nhiều yếu tố về mặt hành chính cũng như tâm lý xã hội để quyết định có thể xem Covid-19 là bệnh lưu hành hay chưa. Ông cho rằng, hiện WHO vẫn cảnh báo về tình hình Covid-19, một số nơi đang có số ca mắc cao như Hồng Công (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục… Do đó, Covid-19 chưa thể được xem là bệnh dịch lưu hành trên thế giới. "Nếu chuyển sang bệnh thông thường, tức nhóm B liệu ngành y tế đã chuẩn bị đủ điều kiện để đáp ứng chưa, các bệnh viện có sẵn sàng nhận bệnh nhân không và Quỹ Bảo hiểm y tế có đồng ý chi trả cho bệnh nhân Covid-19 không?", ông Nga đặt câu hỏi. Theo ông với chính sách hiện nay, người dân đang được hỗ trợ khi mắc Covid-19 nên khi thay đổi cách ứng phó, cũng cần phải tính tới cả yếu tố về mặt tâm lý xã hội.

Cùng quan điểm, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, ở thời điểm hiện tại vẫn cần thận trọng khi xem xét Covid-19 là bệnh lưu hành. "Về nguyên tắc, Covid-19 có đỉnh dịch nhưng có thể đỉnh dịch đó không bền vững, đồng nghĩa có thể quay trở lại. Chúng ta vẫn có thể xem là bệnh thông thường nếu tỷ lệ tử vong không cao. Tuy nhiên, chưa thể tự tin 100% về vấn đề này. Theo tôi, nên đợi khoảng 4-5 tháng tới, chắc chắn khi có đợt dịch tiếp theo, chúng ta sẽ đánh giá lại xem tỷ lệ tử vong có thật sự giảm không. Bên cạnh đó, ngoài tiêm phủ vaccine cho các lứa tuổi, tỷ lệ mắc cao sẽ sinh ra miễn dịch tự nhiên, thì có thể coi đây là dịch bệnh bình thường", ông Dũng khuyến nghị.

Thực tế thời gian qua, có rất nhiều người đã nhiễm rồi vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức ngừa bệnh, nhất là trong các dịp nghỉ lễ kéo dài sắp tới.