Chương trình giáo dục phổ thông

Xu hướng và những điều chỉnh cần thiết

Dư luận đang rất quan tâm đến Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng đồng loạt với ba khối lớp 3, 7 và 10 từ năm học 2022-2023. Trong đó, việc môn Lịch sử thuộc danh sách các môn tự chọn từ lớp 10 tới đây đang tạo nên những băn khoăn…

Một tiết học lịch sử của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHƯƠNG NAM
Một tiết học lịch sử của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ðịnh hướng là rõ ràng

Trước nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi đưa Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến rất ít học sinh lựa chọn, dẫn đến nguy cơ "vắng bóng" môn học này ở nhiều trường THPT, nhằm giải đáp những băn khoăn này, ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi chính thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, các nội dung được chuẩn bị để triển khai trong năm học mới bảo đảm Chương trình Giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, từ lớp 10, học sinh chỉ học bảy môn và hoạt động bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Có thể thấy, ngoài các môn học bắt buộc, các môn còn lại bình đẳng như nhau trong sự tự lựa chọn của học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giải thích rõ rằng, môn Lịch sử được học xuyên suốt trong chương trình mới, và được bố trí dạy như sau: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Ở cấp THPT, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học năm môn học lựa chọn trong ba nhóm môn học: nhóm khoa học xã hội gồm ba môn (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm khoa học tự nhiên gồm ba môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm bốn môn (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất một môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.

Thực thi cần đồng bộ

Nhằm hiện thực hóa chủ trương "đổi mới căn bản và toàn diện", thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần khẳng định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, đặc biệt chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tuy thế, từ chủ trương đến quá trình thực hiện vẫn luôn có những khoảng cách. Trẻ em ngày nay phát triển sớm hơn, sự hình thành các năng lực phẩm chất cũng sớm hơn. Việc học tập của học sinh được tiến hành trong điều kiện học liệu nhiều, phong phú, thông tin đa dạng và dễ tìm kiếm, cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc. Chính bối cảnh ấy đòi hỏi các giáo viên, trong đó có giáo viên Lịch sử, cần nhiều hơn đam mê, kiến thức sâu rộng, tư duy logic, hệ thống, phản biện để tìm đến sự thật... "Nếu chỉ chăm chăm vào sách giáo khoa thì coi như dạy sử đã chết một phần hai rồi... Họ sẽ dạy để thi mà không phải dạy để phát triển tư duy và nhân cách" - TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021, chia sẻ thêm: "Nội dung và cách dạy của thầy cô cần có sự thay đổi... nhưng vì triết lý của việc dạy và học sử chưa xác định chuẩn xác thì nội dung và phương pháp cùng đo lường đánh giá dễ rơi vào thế nhồi nhét, áp đặt quan điểm, học sinh bị hạn chế không gian tư duy, tìm tòi sử liệu, chứng cứ và phản biện". Đồng tình quan điểm này, nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy Lịch sử trong trường phổ thông cũng bày tỏ lo ngại, việc ra đề thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử cũng chưa thật phù hợp với tư duy bậc cao đòi hỏi tính suy luận, phân tích của học sinh.

Bày tỏ lo ngại những hệ lụy sẽ đến từ việc để học sinh tự chọn môn Lịch sử, ThS Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: "Từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy, tôi nghĩ đã đến lúc phải chấm dứt hẳn tình trạng thầy đọc trò chép. Giáo viên cần mở rộng tiết học ra ngoài phạm vi trường lớp, tổ chức đưa các em học sinh đi thực tế, đến các điểm di tích lịch sử, thiết kế các tiết học ngoại khóa linh hoạt, sinh động. Tất nhiên là phải có kinh phí và được sự đồng thuận từ nhiều phía, trong đó có các bậc phụ huynh".

Mở rộng vấn đề ngoài môn Lịch sử là công cuộc đổi mới dạy và học phía trước, GS,TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích, nhìn tổng thể quá trình phát triển của nền giáo dục, chúng ta sẽ thấy đây là xu hướng tất yếu. Hiện nay, cấp học THPT đã có xu hướng phổ cập khi chương trình bao gồm nhiều môn học hơn với sự lựa chọn linh hoạt và có mối quan hệ chặt chẽ với định hướng nghề nghiệp. Một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với phần lớn học sinh trong một trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo cá nhân các em học sinh. Cũng theo GS Lê Anh Vinh, trong quá trình thực hiện đổi mới, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, nhất là các cơ quan trong hệ thống ngành giáo dục và đào tạo. Với các trường sư phạm cần sớm nghiên cứu, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cũng như nội dung đào tạo các môn học sao cho thật sự phù hợp, khoa học.