Xây dựng thế trận ứng phó biến chủng mới

Biến thể Omicron-phát hiện lần đầu tại Nam Phi, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo là mối nguy toàn cầu, đã xuất hiện tại năm châu lục với 18 quốc gia. Tại Việt Nam, đến ngày 30/11 chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 với biến thể mới, song trước diễn biến dịch vẫn phức tạp đang yêu cầu các địa phương phải khẩn trương tìm giải pháp ngăn chặn và chuẩn bị các kịch bản ứng phó.

Giới khoa học đang phản ứng rất nhanh chóng với biến chủng Omicron. Ảnh: NYT
Giới khoa học đang phản ứng rất nhanh chóng với biến chủng Omicron. Ảnh: NYT

Omicron làm tăng nguy cơ tái nhiễm

Tại Việt Nam, theo cập nhật mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bằng chứng sơ bộ đến thời điểm này cho thấy biến chủng Omicron có khả năng làm tăng nguy cơ tái nhiễm Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique, tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến và đi về từ các quốc gia trên. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch. Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Liên quan vấn đề này, tại TP Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi vừa giao Sở Y tế thành phố theo dõi sát sao diễn biến của biến chủng mới để kịp thời cảnh báo và có các biện pháp ứng phó, phối hợp Bộ Tư lệnh thành phố và Công an thành phố xây dựng thế trận y tế nhằm ứng phó trong tình huống xuất hiện biến chủng mới. Chủ tịch TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều công việc cần tăng cường quản lý trong thời gian tới. Trong đó, yêu cầu Công an thành phố có trách nhiệm tăng cường quản lý người nhập cảnh vào địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Khổng Minh Tuấn cho biết, với các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh nghĩa là chỉ cần một thời gian tiếp xúc ngắn, không giữ khoảng cách và không phòng hộ thì vẫn có khả năng lây nhiễm. Thời gian ủ bệnh có thể ngắn hơn làm cho chu kỳ lây nhiễm tăng lên dẫn tới số người có nguy cơ lây nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn nếu không có biện pháp khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Chính vì vậy, các địa phương, người dân không được chủ quan, phải chủ động phương án phòng, chống dịch. "Chúng ta phải có chương trình giám sát, phát hiện ca bệnh cũng như giám sát biến đổi gene của các biến chủng nhập cảnh", ông Khổng Minh Tuấn nói.

Lên kịch bản cho các tình huống dịch

Tổ chức WHO và cộng đồng các nhà khoa học toàn cầu cho biết, phải mất nhiều ngày đến vài tuần để xác định mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron, cũng như năng lực đột phá sự bảo vệ do vaccine mang lại. Tuy nhiên, điều được nhất trí trong thời điểm hiện tại là vaccine vẫn giúp ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng.

Đại diện WHO tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại khu vực Đông Nam Á đều nhấn mạnh bốn yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó biến chủng Omicron, bao gồm: tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng Covid-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron; đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.

Về nghiên cứu các biến đổi của virus cũng như phát hiện các biến chủng tại nước ta, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) xác nhận: "Trong nước hoàn toàn làm chủ kỹ thuật xét nghiệm, giải trình tự gene, đủ năng lực để phát hiện biến chủng mới bao gồm với biến chủng Omicron nếu có ca xâm nhập". Theo lãnh đạo NIHE, vừa qua, giải trình tự gene tại viện này đã giúp đánh giá được các biến thể của SARS-CoV-2 gây dịch tại Việt Nam như: chủng SARS-CoV-2 ghi nhận lần đầu tại Vũ Hán, sau đó tại Anh, Nam Phi và Delta hiện là chủng phổ biến. "Đặc điểm của virus là biến đổi, chúng có thể lây lan nhanh hơn, độc lực mạnh hơn nhưng cũng có thể giảm độc lực, do đó cần có các nghiên cứu đánh giá. Nhưng trong mọi tình huống, cùng với tiêm chủng đầy đủ, để phòng, chống dịch, người dân luôn có ý thức tuân thủ khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng, chống dịch", một chuyên gia về dịch tễ chia sẻ.

Để ngăn chặn biến chủng mới, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đưa ra khuyến cáo, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, trong đó cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ hai rồi mới về Việt Nam. Tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, đồng thời làm các xét nghiệm trong nước xét nghiệm xem virus Omicron này đã xâm nhập vào Việt Nam hay chưa.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 8749/VPCP-KGVX ngày 30/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra. Trên cơ sở khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp biến chủng mới của SARS-CoV-2.