Vững vàng như núi Pú Nhung

Hướng mắt về những ngọn núi sừng sững phía trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), tôi như lạc về miền ký ức hào hùng của đồng bào các dân tộc ở nơi đây những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám. Bất giác, tôi tự hỏi, có phải những đỉnh núi kia từng in dấu bước chân người con của đồng bào dân tộc H’Mông - chàng thiếu niên Anh hùng Vừ A Dính đã chẳng quản gian nan, hiểm nguy suốt những năm dài đi liên lạc…

Chuẩn bị cây giống cho mùa trồng rừng ở Pú Nhung.
Chuẩn bị cây giống cho mùa trồng rừng ở Pú Nhung.

1 Miên man dòng hồi tưởng, tâm thức tôi như ngược thời gian trở về với trang sử gian khổ, thiếu thốn mà đồng bào dân tộc ở Pú Nhung đã trải qua. Vì ở địa bàn miền núi, xa xôi hẻo lánh, rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn cách biệt với các tỉnh miền xuôi, nên ngay cả khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì Tuần Giáo vẫn chưa có tổ chức đảng cộng sản và phong trào cách mạng. Lợi dụng tình hình đó, tháng 11/1945 hai tiểu đoàn quân Pháp trước đây chạy trốn sang Vân Nam (Trung Quốc) quay lại Lai Châu, được quân đội Tưởng Giới Thạch hỗ trợ, đã lôi kéo, bổ nhiệm Đèo Văn Kệt (anh trai của Đèo Văn Long- lãnh chúa khu tự trị Thái) làm tri châu Tuần Giáo.

Dưới sự cai quản của Đèo Văn Kệt, nhân dân các dân tộc Tuần Giáo lại rơi vào cảnh khổ cực, lầm than. Khi bộ đội Tây Tiến về địa bàn, nhân dân địa phương đã tận tình giúp đỡ. Không chỉ đưa đường, làm liên lạc cho bộ đội, nhân dân địa phương còn góp lương nuôi, giấu bộ đội. Trong số nhiều gia đình đồng bào dân tộc H’Mông, dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú, Phù Lá ở Tuần Giáo góp công giúp bộ đội, có gia đình của chàng thiếu niên Vừ A Dính ở bản Đề Chia, xã Pú Nhung. 

Được hun đúc trong truyền thống cách mạng, nên khi mới 13 tuổi Vừ A Dính đã thoát ly gia đình trở thành đội viên liên lạc của đội vũ trang huyện Tuần Giáo. Đội vũ trang của Vừ A Dính hoạt động trên địa bàn rộng, từ châu Điện Biên ra châu Tuần Giáo rồi ngược lên châu Tủa Chùa để vận động, giúp đỡ bà con các dân tộc ổn định cuộc sống, xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, bí mật tổ chức kháng chiến, đánh thực dân Pháp xâm lược.

Một sáng tháng 6/1949, trời mù sương. Dính vừa bí mật gặp mẹ trở về thì rơi vào ổ phục kích của giặc. Trên lưng Dính nặng trĩu bọc vải đựng trăm viên đạn mà mẹ Dính vừa trao. Bắt được Dính, lính Tây mừng rỡ tra hỏi: “Việt Minh ở đâu?”, nhưng Dính không nói nửa lời. Giải Dính về đồn, giặc Tây thay nhau đánh đập dã man, Dính chỉ nói hai từ “Không biết!”. Bị giặc đánh đến khi mặt tím bầm, môi sưng vù, chân bị gãy, Dính vẫn cắn răng mặc nước mắt giàn giụa vì đớn đau. Đêm ấy, giặc trói Dính dưới gốc đào giữa sương khuya lạnh buốt. Sáng ngày thứ ba kể từ khi bị bắt, tên đội Tây đến trước mặt Vừ A Dính dụ dỗ: “Nói với tao Việt Minh ở đâu, tao sẽ cho băng thuốc, chữa chân gãy, cho mày ăn uống và thưởng nhiều tiền”, Dính vẫn trơ như đá. Những người Thái, người H’Mông, người Khơ Mú cũng bị giam cầm tại đó nhìn cảnh tượng của Dính càng cảm thương, mến phục. Thêm một ngày sau vẫn không khai thác được gì từ Dính, lính Tây điên cuồng xả cả một băng đạn vào ngực Vừ A Dính, rồi sai người treo xác Vừ A Dính lên cây đào cổ thụ ở Khe Trúc. Đó là chiều tối ngày 15/6/1949. Vừ A Dính hy sinh khi chưa tròn tuổi 15…

2 Đứng lặng sau tôi hồi lâu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pú Nhung - Vừ A Kỷ  mới chỉ tay về dãy núi sừng sững trước mặt và nói: Men theo chân núi đi thêm gần ba cây số nữa là đến Khe Trúc - nơi Anh hùng Vừ A Dính hy sinh. Ở đó, dấu tích duy nhất còn sót lại hiện là hàng kè đá kiểu như bờ kè lô cốt địch ngày xưa. Cách đây không lâu, đích thân ông Vừ A Kỷ cùng cán bộ văn hóa xã đã theo đường rừng đến Khe Trúc, rồi ông Kỷ cẩn thận chụp kỹ dấu tích cũ với mong muốn thu thập thêm tư liệu, nhân chứng để sau này đề xuất phục dựng điểm di tích nơi Anh hùng Vừ A Dính hy sinh. 

Đưa chúng tôi đi một vòng qua các bản Đề Chia A, B, Chua Lú, Phiêng Pi… ông Vừ A Kỷ vui vẻ nói về cuộc sống mới của bà con dân tộc H’Mông, Phù Lá ở Pú Nhung hôm nay. Như bao người dân ở các vùng quê khác, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, đời sống người dân Pú Nhung sang trang mới. Từ một địa phương chỉ vài người biết tiếng phổ thông thì nay tại trung tâm xã Pú Nhung đã có ba trường học từ mầm non, đến tiểu học và trung học cơ sở, với tổng số 908 học sinh; 100%  số học sinh trong độ tuổi đều đến trường; tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hằng năm đều đạt từ 98 - 100%. Con em đồng bào dân tộc H’Mông ở Pú Nhung luôn tự hào và làm theo tấm gương Anh hùng Vừ A Dính, tiếp bước cha anh ra sức học tập, lao động và phấn đấu. Nhiều người trở thành cán bộ cốt cán của huyện, của tỉnh; được tín nhiệm bầu đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội mấy khóa liền. 

Trong phát triển kinh tế, dù còn nhiều khó khăn vì địa hình, địa chất, nhưng bằng ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, người dân các bản trong xã Pú Nhung đã cất công đi nhiều nơi tìm hiểu, học tập để đưa thêm nhiều loại cây ăn quả, cây lấy gỗ về trồng. Theo thời gian, đã dần hình thành nên nhiều sản vật nông nghiệp mang thương hiệu Pú Nhung, như cây mía “xương đen”, cây dứa...
 
Ông Sùng Dũng Chía, người có uy tín ở Pú Nhung và cũng là người chứng kiến đổi thay mỗi ngày ở Pú Nhung chia sẻ: Chủ động tìm hiểu, chủ động đưa nhiều loại cây về trồng, người nông dân Pú Nhung còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng. Cứ như thế, mùa nối mùa, năm tiếp năm, người Pú Nhung tìm thấy hạnh phúc, ấm no ngay trên đồng đất quê hương. 

Ngày nay, người Pú Nhung không chỉ kiêu hãnh về truyền thống cách mạng hào hùng, mà còn tự hào vì có thêm nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên vừa giỏi việc xã, việc bản, vừa năng động phát triển kinh tế bằng những mô hình vườn - ao - chuồng - ruộng, như gia đình các ông Sùng Vả Hồ (bản Phiêng Pi), Sùng Dũng Thào (bản Khó Pua), Ly A Sùng (bản Tinh Lá). 

3 Ngoài sản xuất nông nghiệp, 5 năm trở lại đây, người dân Pú Nhung đã chú trọng đến phát triển kinh tế lâm nghiệp, cụ thể là trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; trở thành một trong những xã tiêu biểu toàn huyện tiên phong bảo vệ, trồng rừng. Ngoài diện tích khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2.100 ha để hưởng dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm người dân xã Pú Nhung còn trồng mới hàng chục héc-ta rừng sản xuất nhờ sự tự nguyện, chủ động của người dân chứ không trông chờ vốn đầu tư. 

Về Pú Nhung hôm nay, không còn thấy cảnh nương ngô bạc màu hay bìa rừng bỏ không đầy cỏ bụi. Thay vào đó là những cánh rừng thông xanh mướt mải. Đưa chúng tôi đi thăm những triền núi phủ kín một mầu xanh của rừng thông ba năm tuổi ở Pú Nhung, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuần Giáo vui mừng cho biết: “Chỗ nào trống bà con đều trồng cây; cây nào chết bà con lại trồng thế, từng khoảnh từng khoảnh một, chẳng bao lâu nữa Pú Nhung sẽ ngút ngàn rừng. Cây rừng ở Pú Nhung cũng vững vàng như dãy núi Pú Nhung…”.