Trong vòng xoáy thiếu - thừa

Sự đổ bộ đột biến của điện mặt trời vào bản đồ quy hoạch hệ thống điện đã nhanh chóng bộc lộ những thách thức lớn trong vận hành, nhất là vào giai đoạn dịch bệnh bùng phát khiến tiêu thụ điện nói chung giảm sút. Nhưng, nỗi lo không chỉ có vậy!

Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, một lượng lớn các nhà máy điện, kể cả điện mặt trời được huy động phát điện. Ảnh: NGỌC HÀ
Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, một lượng lớn các nhà máy điện, kể cả điện mặt trời được huy động phát điện. Ảnh: NGỌC HÀ

Vỡ kế hoạch điện mặt trời

Việc công suất lắp đặt điện mặt trời các loại vào đầu năm 2021 được ghi nhận đạt khoảng 17.000 MW, bỏ xa so với mục tiêu 800 MW ghi trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh ban hành hồi tháng 3-2016 cho thấy rõ nhất sự bùng nổ của loại hình này tại Việt Nam. 

Còn so với công suất 5 MW điện mặt trời, trong đó chỉ có 1 MW điện mặt trời nối lưới điện quốc gia ở thời điểm tháng 4-2017 (ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg), càng thấy rõ Việt Nam đã làm nên kỳ tích về phát triển điện mặt trời trên thế giới. Đó là chỉ trong 2,5 năm đã có mức tăng trưởng về công suất điện mặt trời các loại nối lưới tới… 16.000 lần.

Nhưng ngày vui ngắn chả tày gang! Thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, vào các ngày làm việc trong tuần, tiêu thụ điện cả nước ở cao điểm sáng (9 giờ - 11 giờ) lẫn ở thời gian năng lượng mặt trời có bức xạ tốt nhất (10 giờ - 13 giờ hằng ngày), chỉ quanh mức công suất 30.000 MW. Như vậy, so với tổng công suất đặt của hệ thống đã lên tới gần 70.000 MW, thì thấy rõ, một lượng lớn các nhà máy điện, kể cả điện mặt trời lẫn nhiều nguồn điện khác không được huy động phát điện. 

Ấy thế nhưng, vào cao điểm tối (sau 17 giờ) nhu cầu tiêu thụ điện lại tăng cao như cao điểm sáng, trong khi khả năng đáp ứng của gần 20.000 MW điện mặt trời lại không còn do đã tắt nắng và không có bộ lưu trữ. Đã vậy, lúc này việc khởi động lại các tổ máy của nhiệt điện than, khí hay thủy điện không thể thần tốc trong vòng vài phút, thậm chí những tổ máy chạy than cần 8 giờ mới ổn định nên để bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, hệ thống điện vẫn phải duy trì sẵn sàng một số tổ máy phát điện truyền thống liên tục. Điều này khiến điện mặt trời cũng không thể phát huy hết công suất ngay cả khi có bức xạ. 

Bởi vậy, có những thời gian trong khoảng từ 9 giờ-14 giờ, công suất cực đại năng lượng tái tạo phải tiết giảm lên tới 3.000 MW, với sản lượng điện bị cắt giảm khoảng 7 triệu kWh/ngày. Thậm chí, có ngày Tết phải tiết giảm khoảng 8.000 MW điện mặt trời vì không có người dùng điện. 

Nhu cầu tiêu thụ điện thấp, việc cắt giảm điện mặt trời vào thời gian buổi trưa để bảo đảm an ninh hệ thống dù là cần thiết, nhưng cũng khiến các nhà đầu tư điện mặt trời đau đầu bởi bức tranh tài chính không được như kỳ vọng.

“Các nhà đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin cho tôi để phàn nàn. Cứ vận hành như thế thì làm sao họ có đủ tiền để trả ngân hàng?”, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay. 

Dẫu vậy, cũng cần nói thêm, điện mặt trời đã rất được ưu ái khi tỷ trọng thâm nhập của loại năng lượng này trên hệ thống bình quân là khoảng 30-35% công suất phụ tải và có những thời gian thấp điểm như dịp Tết Nguyên đán 2021, tỷ trọng này đã tăng lên tới hơn 50% so mức khuyến cáo của các chuyên gia ở điều kiện thực tế của Việt Nam chỉ nên quanh mức 20%. 

Bình luận về thực tế bùng nổ của các dự án điện mặt trời và điện gió với số lượng dự án đã được chấp thuận bổ sung vượt hàng chục lần so với mục tiêu được đặt ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh ban hành năm 2016, một chuyên gia hệ thống cho hay, hiện tại, hệ thống điện Việt Nam đang được vận hành không theo nguyên tắc “phối hợp hiệu quả nhất” giữa các nguồn năng lượng với “chi phí thấp nhất” khi có sự tham gia mạnh mẽ của các dự án năng lượng tái tạo như hiện nay.

Thừa điện ai dám đầu tư? 

Trong Quyết định 3598/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021, tổng sản lượng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu của toàn quốc, bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, trong năm nay sẽ là 262,410 tỷ kWh.

So với sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 được EVN công bố là 247,08 tỷ kWh, có thể thấy, mức tăng trưởng dự kiến của năm 2021 khá thấp, khoảng 5,8%.

Thực tế tăng trưởng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của cả nước theo chiều hướng giảm dần từ năm 2016 trở lại đây, chỉ tăng 2,9% trong năm 2020 do tác động đáng kể từ Covid-19, hay mức tăng dự kiến chỉ là 5,8% trong năm 2021. 

Với thực tế thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo tại Việt Nam chưa đi tới các bước cuối theo lộ trình đặt ra, khiến chi phí sản xuất điện không được truyền thẳng sang người mua cuối cùng và giá bán lẻ điện đầu ra vẫn được quy định bởi Nhà nước, thay vì thả nổi theo thị trường, dự báo các dự án điện mới sẽ không dễ triển khai trong hoàn cảnh “thừa điện” như hiện nay.

Dễ nhận thấy nhất là các dự án điện mặt trời vẫn chưa có phương hướng nào để triển khai sau năm 2020, dù giờ đã gần hết nửa năm 2021. Các dự án điện gió từng được Thủ tướng nhiệm kỳ trước yêu cầu dừng bổ sung các dự án mới vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì nay cũng vẫn sẽ chờ chính sách và Quy hoạch điện VIII mà chưa biết lúc nào có. 

Đối với sự đổ bộ ồ ạt vào lĩnh vực điện khí gần đây, cơ hội cũng không dễ dàng. Tại các dự án điện khí LNG, vướng nhất vẫn là giá bán điện, truyền tải, giải tỏa công suất, tính pháp lý không bảo đảm của hợp đồng mua bán điện để đi thu xếp tài chính. Chưa kể giá điện khí theo cảnh báo của các chuyên gia cũng là không rẻ nếu so với giá bán lẻ điện bình quân đang được Chính phủ quy định hiện nay. Với thực tế nhiều vấn đề mà nhà đầu tư dự án điện khí đặt ra hiện không có trong quy định của Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công thương ban hành, câu chuyện cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm thảo luận với các bên Việt Nam để hoàn tất đàm phán là điều mà nhà đầu tư cũng cần xác định rõ.

Với thực trạng thủy điện hết các dự án lớn để làm, dự án nhỏ cũng gây hậu họa về môi trường khi chủ đầu tư chỉ chăm chăm giảm chi phí, điện than được cho là ô nhiễm môi trường, điện hạt nhân đã được dừng do lo ngại về phóng xạ và thực trạng các dự án điện mặt trời, điện gió hay điện khí như kể trên, câu chuyện cung cấp và vận hành hệ thống điện cũng sẽ sớm trở thành vấn đề nan giải nếu như dịch bệnh lắng lại và kinh tế hồi phục lại mức tăng trưởng tốt trước đây.

18_1-1624069738533.jpg
Dự án điện gió và mặt trời của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận.