Trong gian khổ, ấm nghĩa đồng bào

Mưa lũ lớn chưa từng có hoành hành nhiều ngày tại khu vực Trung Trung Bộ gây nên những thiệt hại chưa thể đong đếm hết. Ngay cả khi mưa đã giảm, nhiều khu vực vẫn bị cô lập, có nơi vẫn phải sơ tán khẩn cấp người dân… Hơn lúc nào hết, khắc phục hậu quả sau thiên tai trở thành cuộc chạy đua với thời gian, với những diễn biến khó lường của thời tiết. Cả nước đồng lòng cùng khúc ruột miền trung vượt khó.

Lực lượng cứu hộ tỉnh Quảng Trị tập trung đưa người dân ra khỏi vùng ngập. Nguồn: Báo Quảng Trị
Lực lượng cứu hộ tỉnh Quảng Trị tập trung đưa người dân ra khỏi vùng ngập. Nguồn: Báo Quảng Trị

Sức mạnh của “4 tại chỗ”

Người dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy (Quảng Bình) có lẽ không bao giờ quên được nghĩa cử cao đẹp của người dân xã Hải Ninh, một xã biển bãi ngang thuộc huyện Quảng Ninh. Sáng 19-10, biết tin nhiều người vẫn đang mắc kẹt trong lũ cần cứu giúp mà lực lượng cứu hộ của chính quyền thì quá mỏng, người dân xã Hải Ninh đã huy động 15 thuyền bơ nan (một loại thuyền dùng đánh bắt cá gần bờ của người dân miền biển), đi cứu dân ở các xã ngập sâu của huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Ông Chương, một ngư dân lão luyện không nhớ rõ được, cả ngày trời đã vật lộn cứu được bao nhiêu người trong cơn lũ dữ. Hết chuyến này đến chuyến khác, chân vịt của thuyền gặp vật cản gãy liên tục, ông Chương phải thả neo, lặn xuống, ngâm mình trong nước lũ để thay, rồi lại tiếp tục đi tìm kiếm những người đang mắc kẹt để giải cứu. Ðược ông Chương cứu lên thuyền, chị Bùi Thị Huyền òa khóc: “Ðêm qua gọi cứu hộ không được, nước lên sầm sập, lúc đầu tiếc lúa gặt về mất trắng, sau lo đến mạng người không giữ nổi”.

Trong bão lũ, chính việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” đã huy động được tổng lực ngay tại địa phương trong ứng phó nhằm bảo đảm mục tiêu không để người dân bị lâm vào cảnh thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở… Tình “quân dân như cá với nước” càng trở nên sắt son hơn. Ở Quảng Bình, hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ được huy động cùng với hàng trăm lượt phương tiện xe PTR 152, ca-nô, xuồng, ô-tô chuyên dụng được tăng cường về các địa phương để di dời hơn chục nghìn người dân, cùng với tài sản ở các vùng ngập trũng đến nơi tránh trú an toàn. Người dân đi rồi, lại chính lực lượng bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ bám địa bàn để chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản cho người dân, thành lập các tổ chốt chặn ở vùng nguy hiểm. Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thị, thành phố đã cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tiếp nhận và đưa hàng cứu trợ về các địa phương kịp thời cứu trợ nhân dân đang chìm trong biển nước bởi lũ chồng lũ.

Với phương châm “Nước rút đến đâu làm vệ sinh tới đó”, ngay trong lũ, tỉnh Quảng Trị đã quan tâm chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện vệ sinh môi trường sau khi nước lũ rút. Các trận lũ kéo dài nhiều ngày, vùng trũng của huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh… ngập đầy bùn, rác, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân rất cao. “Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sở, ngành, lực lượng vũ trang, địa phương, sự chủ động của người dân, đến nay vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh đang được triển khai tích cực, từng bước giúp nhân dân ổn định cuộc sống”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết.

Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT), Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh... đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tích cực giúp địa phương dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi nước rút. Các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến những nơi nước đã rút để giúp địa phương dọn dẹp các trục đường liên thôn, liên xã, khơi thông dòng chảy, tránh gây ra ngập lụt do bị tắc tại các con sông, cửa lạch; tập trung giúp đỡ các trường mầm non, tiểu học để các trường nhanh chóng đón học sinh trở lại học tập nhanh nhất. Các cơ quan, LLVT địa phương đã triển khai cho các đơn vị nắm chắc tình hình của người dân sau lũ để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn và người già để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.

Trong gian khổ, ấm nghĩa đồng bào -0
Thuyền đánh cá của ngư dân hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Hữu Khoa 

Chung tay tiếp sức của cộng đồng

Thương người dân miền trung chất phác hiền lành, bao nhiêu năm vẫn chịu cảnh khốn khó vô cùng, từ khắp nơi trên bản đồ hình chữ S thân yêu đang hướng về nơi rốn lũ. Rất nhiều sáng kiến nghĩa tình đã được thực hiện. Nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra vận động để kịp thời vận chuyển lương thực, vật dụng, đồ tiếp tế đến với bà con. Nhiều hãng vận chuyển đường bộ, đường hàng không đã miễn phí vận chuyển hàng cứu trợ kể từ ngày 18-10.

Người góp tiền, người góp sức, nhiều người dân ở Nghệ An đã thức trắng đêm để nấu bánh chưng, gói đòn bánh tét; những người ở Hà Nội, Quảng Ninh... gom cái áo cái quần, người gom ủng cao-su, thuốc chữa bệnh, mì ăn liền, chăn mền… nhu yếu phẩm hằng ngày chuyển tới tay người dân vùng lũ. Còn ở Quảng Bình, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ bà con vùng lũ được người dân ở các vùng ít bị ảnh hưởng tổ chức thành nhóm, tổ với phương châm “ai có gì giúp nấy và bao nhiêu cũng quý”. Các cô giáo ở TP Ðồng Hới hay ở Ðông Hà đã có sáng kiến dùng chính bếp ăn nhà trường nấu hàng nghìn suất cơm ủng hộ người dân đang ngâm mình trong lũ. Rồi rất nhiều bạn trẻ chủ động tìm cách huy động phương tiện để tình nguyện huy động và vận chuyển hàng hóa đến tận tay bà con nơi ngập lụt.

Theo Bí thư Huyện đoàn Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) Ngô Lê Duy, hiện các nguồn hỗ trợ về Quảng Ninh được tập kết tại ba điểm gồm quốc lộ 1A khu vực gần trạm thu phí Quán Hàu, khu vực ngã ba Dinh Mười và trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Xuân Ninh. Từ các điểm này, hàng hóa cứu trợ được đưa xuống thuyền, ca-nô để phân phát tận tay cho hàng chục nghìn người đang mắc kẹt giữa nước lũ. Huyện đoàn Quảng Ninh đã kêu gọi nguồn hỗ trợ, đồng thời huy động các đoàn viên, thanh niên tập trung phân bổ, điều tiết hàng cứu trợ và dẫn đường cho các đoàn thiện nguyện đến với bà con vùng lũ.

Những ngày này, nhiều đoàn cứu trợ xuôi ngược về với vùng rốn lũ Quảng Ðiền (Thừa Thiên Huế) để cứu trợ cho bà con. Chị Nguyễn Ngọc Anh, chủ một nhà hàng nhỏ ở TP Huế xúc động cho biết: “Chúng tôi đã kêu gọi trên các diễn đàn huy động những tấm lòng hảo tâm về với bà con vùng lũ lụt như ở các huyện Phong Ðiền, Quảng Ðiền… Nhiều người ở rất sâu trong các ngõ ngách, mấy ngày rồi mì ăn liền cũng không có mà ăn khi nước bao vây tứ phía. Áo quần không có mà mặc cho đủ ấm. Chúng tôi không cầm lòng được khi thấy cảnh người dân sau khi nhận thùng mì ăn liền đã chia nhỏ ra nhiều phần cho bà con quanh xóm”.

Tính đến ngày 20-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn suất quà của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm… đưa đến tay người dân vùng lũ. Mới đây, nhằm kịp thời chia sẻ với 13 gia đình thân nhân cán bộ, chiến sĩ của đoàn công tác Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế gặp nạn khi đi cứu hộ những công nhân mất tích ở Rào Trăng 3, ông Trương Quốc Chính, chủ Resort Hoa Lan Chính Trương và đại diện Hiệp hội Hoa Lan Việt Nam, cùng lãnh đạo địa phương thăm hỏi, hỗ trợ với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng (mỗi trường hợp 100 triệu đồng). Ngoài ra, được sự thống nhất của lãnh đạo ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Tổng đài 19001075 của Trung tâm điều hành dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế sẽ là nơi tiếp nhận và chuyển tải thêm các đề nghị hỗ trợ ứng phó bão lũ của nhân dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.

Trước tình cảnh nhiều nơi ở Quảng Trị đang thiếu trầm trọng ghe thuyền để cứu hộ và vận chuyển hàng cứu trợ đến với người dân, Hội những người yêu môn thể thao ván đứng (SUP) ở TP Ðà Nẵng đã lên kế hoạch chuyển ca-nô từ Ðà Nẵng ra chi viện. Ròng rã gần một tuần qua, hàng nghìn chuyến ca-nô chở người ra khỏi vùng lụt cùng với hàng nghìn suất quà bao gồm thức ăn, nhu yếu phẩm, nước sạch… đã được hội SUP Ðà Nẵng phối hợp với chính quyền địa phương trao tận tay người dân vùng rốn lũ Hải Lăng, giúp họ có thêm niềm tin và động lực để đương đầu với lũ lụt…

Nơi nào gặp khó, nơi ấy có những tấm lòng nghĩa tình tìm đến. Tinh thần dân tộc, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam từng được khẳng định suốt chiều dài lịch sử, đang được phát huy cao độ. Ðó là nền tảng tinh thần vô giá, nguồn sức mạnh to lớn giúp nhân dân ta luôn vượt qua mọi thử thách, nguy nan, hướng đến sự bình an, hạnh phúc, phát triển…

Trong gian khổ, ấm nghĩa đồng bào -0
Công an Thạch Hà sơ tán người dân đến vùng an toàn. Ảnh: Ngô Tuấn 

Ðể kịp thời triển khai công tác xuất cấp gạo hỗ trợ đồng bào miền trung theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp không thu tiền 5.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh (mỗi tỉnh 1.000 tấn) để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. 

Nhằm kịp thời hỗ trợ đồng bào miền trung khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất khẩn cấp các trang thiết bị gồm: 20 bộ xuồng cao tốc; nhà bạt cứu sinh các loại, phao cứu sinh, máy phát điện... thuộc nguồn dự trữ Quốc gia cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh theo Quyết định số 1629/QÐ-TTg về việc xuất trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền trung của Thủ tướng Chính phủ.