Trông đợi kỳ thi công bằng, minh bạch!

Vào hai ngày 7 và 8/7 tới đây, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2022 chính thức diễn ra. Trước thềm kỳ thi quan trọng này, nhiều học sinh, phụ huynh và cả thầy cô giáo còn vẹn nguyên nỗi âu lo vì những gì đã xảy ra ở các kỳ thi trước.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2022.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm 2022.

SAU hơn bốn tháng kể từ khi báo Nhân Dân cuối tuần số 3, 4 (2022) đăng vệt bài "Không thể chìm xuồng" và "Cần sớm đem lại sự minh bạch" phản ánh nghi vấn lộ, lọt đề thi THPT năm 2021; tối 10/6, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quyết định khởi tố vụ án được Cơ quan an ninh điều tra đưa ra dựa trên kết quả điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cùng với việc khởi tố vụ án, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với hai cựu giáo viên một trường thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc lộ đề thi.

Chắc chắn rồi đây vụ án sẽ được làm sáng tỏ, cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Vấn đề đặt ra là, phải gần một năm sau, cho đến "quyết định khởi tố" lần này thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 mới được tạm coi là "kết thúc". Tuy nhiên, còn đó biết bao hệ lụy sẽ chưa biết bao giờ thật sự khắc phục được hậu quả, bởi một số kỳ thi "có vấn đề", xâm phạm nghiêm trọng tới tính liêm chính, công bằng, minh bạch cho các thí sinh.

Phía trước, rất gần, là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với hai ngày thi chính thức (ngày 7 và 8/7). Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bài thi vẫn được giữ nguyên như những năm trước, gồm ba bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đó, môn Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, các môn khác sẽ thi dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức lớp 12.
Trước đó, Bộ cũng đã công bố đề thi minh họa để thí sinh tham khảo, ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi.

ĐẾN thời điểm này, rút kinh nghiệm từ những sự cố đáng tiếc đã xảy ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết hiện đã ban hành đầy đủ các văn bản, hướng dẫn về thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Cụ thể, Bộ vừa ban hành Quyết định số 1392/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học; trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Văn bản nêu rõ: Các hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thực hiện kịp thời nhằm nắm tình hình tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện những nội dung chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách liên quan.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ, thời gian tới đây, hoạt động thanh tra, kiểm tra phải linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế; bảo đảm tính độc lập, không bỏ sót, không tạo kẽ hở, khoảng trống, không bị động. Việc tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi hạn chế tối đa việc chồng chéo; điều động cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, hạn chế tối đa việc bố trí cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương. Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thành lập năm đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi, tổ chức các khâu trong kỳ thi của ban chỉ đạo cấp tỉnh, sở giáo dục và đào tạo, hội đồng thi. Trưởng đoàn kiểm tra là Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét tốt nghiệp THPT tại địa phương.

Nhằm khắc phục những "lỗ hổng", những sai phạm đã diễn ra, trong khi vẫn bảo đảm chức năng "hai trong một" của kỳ thi lần này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cùng với công tác tổ chức, quan trọng nhất vẫn là khâu ra đề, làm sao để bảo đảm tính bí mật và độ phân hóa cao. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 87% số thí sinh đăng ký dự thi năm nay có sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh, cho thấy phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn rất được coi trọng và để các cơ sở đào tạo tiết kiệm chi phí.

Liên quan đề thi, một số lãnh đạo trường đại học kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cần tăng độ khó, tăng tính phân hóa của đề thi để tạo điều kiện tốt hơn cho tuyển sinh, tránh tình trạng mưa điểm 10 hay đạt điểm tối đa vẫn có thể trượt đại học. Lãnh đạo ngành giáo dục cũng cho biết đã rà soát ma trận đề thi của 15 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm đề thi được xây dựng đúng với ma trận đã quy định. Trong đó, sẽ có tỷ lệ nhất định các câu hỏi mang tính phân hóa để có thể sử dụng kết quả thi vào công tác tuyển sinh thời gian tới.

Đối với công tác chuẩn bị thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở Giáo dục và Đào tạo (không tính các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia) ở cả ba miền bắc, trung, nam.