Tiêu chí của sự bền vững

Việc phát triển các cụm công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa tất yếu sẽ làm tăng rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp… Nếu không có các biện pháp xử lý hữu hiệu, vấn đề này có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng những thành quả xây dựng nông thôn mới đã đạt được.

Đoàn viên thanh niên thu gom rác tại huyện Yên Dũng. Ảnh tư liệu
Đoàn viên thanh niên thu gom rác tại huyện Yên Dũng. Ảnh tư liệu

Tổng khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) bình quân khoảng 100,68 tấn/ngày, trong đó, có lượng đáng kể chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chất thải y tế, bao bì thuốc bảo vệ thực vật… được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt và chế biến phân vi sinh. Song, theo lãnh đạo huyện Yên Dũng, các doanh nghiệp, nhà máy xử lý rác thải, chất thải đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng Bùi Quang Huy làm rõ: "Chất thải công nghiệp thông thường phát sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh như may mặc, điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng… có khối lượng khoảng 13.062 tấn/năm được các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tận dụng để san lấp mặt bằng. Còn các chất thải khác được thu gom, lưu giữ và ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý theo đúng cam kết".

Huyện Yên Dũng hiện có 224 cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ (bao gồm 185 cơ sở ở 16 xã và 39 cơ sở ở hai thị trấn) đã thực hiện các thủ tục về môi trường, đạt 100%. Trong đó, có năm doanh nghiệp được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, 64 doanh nghiệp được UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết, 155 doanh nghiệp được UBND huyện phê duyệt kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Đây là thành quả của những biện pháp thu gom, xử lý chất thải phát sinh, thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường của mỗi doanh nghiệp.

Không chỉ huyện Yên Dũng, thành phố Bắc Giang cũng như toàn tỉnh Bắc Giang đang gấp gáp hướng đến các mục tiêu cải thiện môi trường. Đầu tháng 10/2021, Đoàn công tác Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã thẩm định kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố Bắc Giang. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá: Thành phố Bắc Giang cơ bản đủ điều kiện để công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; công tác chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới của thành phố chu đáo, chất lượng. Qua đó thành phố cần tiếp tục rà soát, bổ sung một số số liệu để tạo sự thống nhất và có điểm nhấn về kết quả đạt được. Đồng thời thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí, nâng tỷ lệ cây xanh, thực hiện tính đa chức năng của khu vực nông thôn; xây dựng nông thôn, đô thị gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch tâm linh, sinh thái.

Hiện nay, thành phố Bắc Giang quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp; thực hiện các bước đầu tư nhà máy xử lý nước thải khu vực phía tây thành phố. Theo lãnh đạo thành phố Bắc Giang, địa phương sẽ khởi công xây dựng nhà máy điện năng lượng tái tạo trong quý II/2022, hoàn thành đưa vào vận hành trong năm 2024; tiếp tục đầu tư xây dựng các ga trung chuyển rác áp dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng các trạm quan trắc môi trường không khí tự động.

Ông Ðặng Ðình Hoan, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang cho hay: "Chúng tôi cũng đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị tại trạm xử lý nước thải Cụm công nghiệp Tân Mỹ - Song Khê; tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Dĩnh Trì đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng trạm xử lý nước thải trong quý II/2022. Ngoài ra, thành phố tiếp tục phát động phong trào trồng cây xanh, trồng hoa dọc tuyến đường, kênh mương, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp để tạo nên hành lang cây xanh cho đô thị".

Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Dũng cũng như thành phố Bắc Giang và cả tỉnh Bắc Giang tiếp tục phấn đấu có nhiều thôn, xã nông thôn mới nâng cao. Trên hành trình đó, môi trường vẫn luôn được xác định là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.