Thái Bình khơi thông nguồn lực phát triển

Cùng với nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống người dân, tỉnh Thái Bình đang triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển kinh tế-xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Dây chuyền sản xuất vô lăng ô-tô của Công ty Toyoda (Nhật Bản) tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) thu hút hơn một nghìn lao động.
Dây chuyền sản xuất vô lăng ô-tô của Công ty Toyoda (Nhật Bản) tại huyện Tiền Hải (Thái Bình) thu hút hơn một nghìn lao động.

Theo ông Vũ Kim Cứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, mặc dù chịu tác động khá nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng trong chín tháng năm nay, địa phương này vẫn được mùa thu hút vốn đầu tư. Tỉnh đã phê duyệt, điều chỉnh chủ trương hoặc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư 59 dự án (30 mới và 29 điều chỉnh) với tổng vốn đăng ký 16.723 tỷ đồng (gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2020); đồng thời cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 611 doanh nghiệp và 60 chi nhánh, văn phòng đại diện, đưa toàn tỉnh có 7.733 doanh nghiệp, 921 chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký 97.529 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho năm dự án với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD, trong đó có ba dự án FDI có quy mô lớn với tổng vốn đăng ký 395 triệu USD.

Để thực hiện thành công mục tiêu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong Vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã chỉ ra bảy "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội gồm: Giải phóng mặt bằng nhiều dự án chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và thu hút đầu tư; hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay; chính sách, pháp luật của Nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch còn bất cập; hiệu quả xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu và nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ: Trong bảy "điểm nghẽn" trên, tỉnh xác định công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án chậm là vấn đề nổi cộm, cần nhanh chóng tháo gỡ. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 5/7/2021 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 18/8/2021 thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU ngày 5/7/2021 và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 18/8/2021 tổ chức phong trào thi đua "Đẩy mạnh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh"; đồng thời yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tổ chức triển khai. Bằng sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị nên đến nay, công tác này có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án trọng điểm đã, đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai, kịp tiến độ.

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" về kết cấu hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy nhanh công tác tham mưu, thực hiện hiệu quả các đề án, dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như: Tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn, đường ĐT.462 (đường 221A), đường ĐT.454 (đường 223), hệ thống đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình và một số tuyến giao thông quan trọng khác... Ngoài ra tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách quản lý, khuyến khích, thu hút đầu tư…

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường hàng hoá, dịch vụ, cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho các sở, ngành xây dựng một số chính sách như: "Đề án đẩy mạnh xuất khẩu tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025"; "Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025"; "Đề án phát triển ngành Công thương giai đoạn 2021-2025"...

Những biện pháp đồng bộ nói trên đóng góp quan trọng vào việc khơi thông nguồn lực, tạo đà vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả của tỉnh Thái Bình trong giai đoạn tới.