Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ công lập

Tạo lưới đỡ hiệu quả

Mạng lưới các tổ chức khoa học - công nghệ công lập nước ta đã phát triển, năng động hơn trong những năm gần đây, góp phần thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và mối liên kết viện - trường - doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp khoa học - công nghệ với các sản phẩm đem lại giá trị kinh tế - xã hội cao.

Tổ chức khoa học-công nghệ theo xu hướng “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” ngày càng rõ nét hơn. Trong ảnh: Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh.
Tổ chức khoa học-công nghệ theo xu hướng “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” ngày càng rõ nét hơn. Trong ảnh: Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh.

Nhiều lần quy hoạch, sắp xếp lại

Hiện cả nước có hơn 600 tổ chức khoa học - công nghệ công lập, tuy nhiên, số lượng lại phân bố không đồng đều giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ. Các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ yếu trực thuộc các Sở Khoa học và Công nghệ.

Công tác quy hoạch tổ chức khoa học - công nghệ công lập được Chính phủ quan tâm từ rất sớm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Trong dòng chảy phát triển của các tổ chức này, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ đánh dấu sự chính thức ra đời của cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức khoa học - công nghệ công lập, Nghị định số 80/2007/NĐ-CP đã hình thành lực lượng sản xuất mới đó là doanh nghiệp khoa học - công nghệ.

Đây được coi như “Khoán 10” trong khoa học, đã “cởi trói”, bảo đảm quyền tự chủ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của tổ chức khoa học - công nghệ công lập;… Để phù hợp tình hình thực tiễn, Nghị định 115 được sửa đổi, bổ sung năm 2010 và năm 2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học - công nghệ công lập thay thế Nghị định 115.

Việc trải qua các lần quy hoạch, điều chỉnh và sắp xếp các tổ chức thời gian qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển liên kết viện - trường - doanh nghiệp… đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập các viện và trung tâm nghiên cứu để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tư nhân cũng được hình thành cả ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương.
Mặc dù lớn mạnh về số lượng và việc quy hoạch, sắp xếp lại đã giúp các tổ chức công lập phát triển và năng động hơn, tự chủ hơn nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, mạng lưới tổ chức này cũng còn không ít bất cập.

Cụ thể, có sự trùng lặp về hoạt động, đầu tư dàn trải, dẫn đến hiệu quả chưa đồng đều; số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế và số sáng chế chủ yếu chỉ tập trung ở một số tổ chức lớn; số lượng tổ chức tự bảo đảm được chi thường xuyên chưa cao; việc thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gặp nhiều rào cản về pháp lý, thiếu quy định cụ thể cho các loại tổ chức khoa học - công nghệ công lập có đặc điểm khác nhau trong một số quy định của Nghị định số 115, nhiều tổ chức chưa thoát khỏi thói quen được bao cấp, số đã chuyển đổi thì vẫn gặp khó khăn trong hoạt động tự chủ;…

Hình thành mạng lưới linh hoạt

Để xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 26/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận các vấn đề liên quan.

Theo ông Trần Văn Nghĩa – Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, điểm mới so các quy hoạch trước đây là lần này đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như cần xác định để tích hợp trong các quy hoạch có liên quan (quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); đề xuất “phương án bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ công lập và các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “danh mục dự án cấp quốc gia, cấp tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện”.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều đơn vị băn khoăn và chưa tỏ tường về một số nội dung trong quy hoạch như vấn đề căn cứ để xây dựng phương án quy hoạch; việc duy trì các tổ chức gắn với tự chủ, liệu việc sắp xếp, quy hoạch giảm đầu mối có ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị trong tương lai; làm thế nào để vừa tinh gọn bộ máy, tăng phần trăm tự chủ mà vẫn thực hiện được tốt nhiệm vụ của ngành,…

Trong cả hai cuộc tọa đàm với các địa phương và các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ, bản chất của quy hoạch là tạo điều kiện cho các tổ chức hoạt động tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của ngành, của xã hội hiệu quả hơn bằng các giải pháp khoa học - công nghệ; kết nối các ngành, các vùng có liên quan theo quy hoạch tổng thể quốc gia; hình thành mạng lưới tổ chức khoa học - công nghệ công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổ chức khoa học - công nghệ có nhiều nét đặc thù, không những về chức năng hoạt động, mà còn có những đặc thù về đầu tư, đối tượng đặt hàng và sử dụng kết quả hoạt động, mô hình tổ chức, nhân lực. Mạng lưới tổ chức này bên cạnh những thành tựu, cũng còn những bất cập.

Tuy nhiên, nó vẫn đang được đổi mới một cách căn cơ dưới tác động của những chính sách và cơ chế quản lý. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nếu quyết tâm và mạnh dạn tháo gỡ những rào cản trong quản lý, từng bước trao quyền tự chủ cho các viện, trường, doanh nghiệp có tổ chức nghiên cứu, thì mạng lưới các tổ chức khoa học - công nghệ sẽ tự hợp lý hóa để thích ứng với nền kinh tế đang trên đường đổi mới.

Để làm được điều đó, cần có thời gian cũng như sự đồng thuận của các ngành, các cấp, trong đó vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là bà đỡ vô cùng quan trọng.

Bài và ảnh: LINH CHI

“Các bộ, ngành cần căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương đến các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; văn bản hướng dẫn về tiêu chí sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học - công nghệ để nghiên cứu, xác định những nội dung nào để phát triển ngành, từ đó, có phương án quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực; bảo đảm các tổ chức khoa học - công nghệ có đủ nguồn lực để hoạt động. Việc giải thể hay giữ lại tổ chức khoa học - công nghệ công lập phải dựa trên định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Các tổ chức tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu của ngành, tổ chức của mình, giữ vai trò không thể thay thế trong phát triển. Mức độ tự chủ không phải là căn cứ để xét tồn tại hay không đối với một tổ chức khoa học - công nghệ công lập”.