Tăng mạnh biện pháp dập dịch Covid-19

Diễn tiến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt sau khi Bắc Giang ghi nhận 375 ca chỉ riêng trong ngày 25-5, đang đặt Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước vào tình thế phải siết chặt hơn nữa kỷ cương, tăng cường các biện pháp mạnh mẽ để phòng, chống nguy cơ dịch bệnh lây lan.

TP Hồ Chí Minh truy vết, xét nghiệm mở rộng những trường hợp liên quan các ca nhiễm Covid-19 mới. Ảnh: ĐỘC LẬP
TP Hồ Chí Minh truy vết, xét nghiệm mở rộng những trường hợp liên quan các ca nhiễm Covid-19 mới. Ảnh: ĐỘC LẬP

Báo động đỏ ở vùng tâm dịch

Ngay khi con số bệnh nhân trong một ngày tăng đến mức báo động đỏ, Bộ Y tế yêu cầu bộ phận công tác đặc biệt của Bộ đang chỉ đạo chống dịch tại Bắc Giang lập tức “đóng băng” tất cả các khu nhà ở của công nhân; bảo đảm cách ly nghiêm ngặt, nhất là các khu nhà cao tầng đông công nhân sinh sống. Đồng thời, áp dụng thiết chế về cách ly tập trung tại các khu vực này, coi như là nơi cách ly tập trung.

Cũng tính đến thời điểm ngày 25-5, toàn tỉnh Bắc Giang đã cách ly y tế hơn 150 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội hơn 30 xã, phường, thị trấn; cách ly xã hội bốn huyện; giãn cách xã hội TP Bắc Giang. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã ra văn bản hỏa tốc đối với TP Bắc Giang và các huyện chưa cách ly xã hội yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi thực hiện công vụ, công nhân đi làm việc, đưa người đi cấp cứu, thành viên tổ Covid cộng đồng đi làm việc.

Song song với những giải pháp cấp bách tại điểm nóng Bắc Giang, các biện pháp dập dịch cũng đồng thời được đẩy mạnh tại các địa phương. Tại Hà Nội, ổ dịch nguy hiểm nhất hiện nay là dịch tại khu đô thị Times City và Công ty T&T do nguồn lây của các chùm ca bệnh vẫn chưa được xác định. Hà Nội đã áp dụng các biện pháp khá mạnh tay, bao gồm cả việc không cho cửa hàng ăn uống hoạt động tại chỗ (chỉ bán mang về) và đã đóng cửa gần hết các dịch vụ không thiết yếu, dừng toàn bộ các hoạt động tụ tập đông người. Các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Hà Nội cũng đã được khuyến cáo cho nhân viên làm việc trực tuyến; hạn chế hội họp trực tiếp và tiếp khách ở công sở. Đặc biệt, thành phố yêu cầu tất cả người dân ở các địa phương trở về Hà Nội kể từ ngày 10-5 đến 24-5 phải khai báo y tế online, thực hiện khai báo xong trong ngày 25-5. Những người trở về Hà Nội từ 25-5 về sau này phải thực hiện khai báo y tế online, trong vòng không quá 24 giờ đồng hồ…

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thành phố đang thực hiện giám sát người đến từ một số khu vực của 24 tỉnh, thành phố và người liên quan đến các địa điểm, chuyến tàu xe có ca bệnh Covid-19. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, HCDC sẽ thực hiện cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Phòng dịch lây nhiễm trực tiếp từ các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP Hồ Chí Minh (HEPZA) yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc, quy trình sản xuất theo hướng giãn cách vào buổi sáng và tan ca buổi chiều để giảm mật độ công nhân lao động tụ tập. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tổ chức giãn cách mật độ mua sắm theo hướng mua theo từng nhóm, hạn chế tập trung đông người. Thực hiện giãn cách trong bệnh viện, hạn chế người thăm nuôi và sẵn sàng có phương án bố trí khu cách ly tạm thời và ứng dụng chương trình đăng ký khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa. Những người hơn 60 tuổi cần hạn chế ra khỏi nhà vì có sức đề kháng yếu...

Là tỉnh lân cận của Bắc Giang, Bắc Ninh đang triển khai phòng, chống dịch cấp độ ba, đồng thời sẵn sàng cho kịch bản “30.000 ca mắc” của Bộ Y tế. Bắc Ninh cũng đã yêu cầu các huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong và TP Bắc Ninh thực hiện cách ly xã hội, người dân không ra đường sau 20 giờ, trừ người thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về… Tuy nhiên, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhiều ngày qua tỉnh đã chỉ đạo một số địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Song, tại một số nơi vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là, thực hiện không nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Điều lo ngại, trên địa bàn huyện Thuận Thành, tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật người đứng đầu, nếu để dịch bệnh xảy ra do không quyết liệt trong chỉ đạo.

“Kích hoạt” ý thức phòng dịch của người dân

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Chủng vi-rút phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan rất nhanh,  độc lực mạnh, nhân lên, phát tán mầm bệnh rất rộng. Hình thái lây nhiễm cũng khác biệt khi lây nhiễm chủ yếu trong khu công nghiệp. “GS, TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, báo cáo với tôi, thông thường, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau ba, bốn ngày vi-rút mới mọc, nhưng lần này ngày thứ hai vi-rút đã mọc rất nhiều, phát tán mầm bệnh rất nhanh. Chủng vi-rút lần này nếu xử lý chậm là gặp rủi ro lớn”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Còn theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện có khoảng 80% số bệnh nhân Covid-19 ít có triệu chứng, như: sốt không cao, không mệt nhiều, không khó thở. Ngoài ra, các đối tượng có thể diễn biến nặng và rất nặng chiếm khoảng 20%, hầu hết có ho, sốt, khó thở, có thể chuyển sang cấp cứu. Còn các ca rất nặng chiếm khoảng 5%. Tỷ lệ ca rất nặng chiếm thấp nhất trong các bệnh nhân Covid-19 nhưng nếu số ca mắc tăng cao thì sẽ lo ngại về gia tăng các ca bệnh nặng. Với những lý do ấy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, biện pháp chủ động chống dịch hiện giờ là tiếp tục khoanh vùng, cách ly các điểm dịch mới và tăng cường năng lực xét nghiệm cho Bắc Giang.

Và trước diễn biến dịch bệnh lây lan rộng, phức tạp, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất cần cấp thiết giãn cách xã hội diện rộng để ngăn chặn mầm bệnh lây lan âm thầm, tạo ra các ổ dịch lớn cùng lúc ở nhiều tỉnh, thành phố. “Điều quan trọng ở thời điểm này là phải thực hiện quyết liệt việc giãn cách xã hội, bản chất là ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại. Những người dương tính với vi-rút sẽ bị lộ diện. Nếu không quyết liệt, toàn bộ công sức của chúng ta sẽ bị vô hiệu hóa”, một chuyên gia bày tỏ lo ngại.

Nhiều ý kiến chuyên gia cùng thống nhất rằng, bản chất của việc giãn cách xã hội, hay cách ly xã hội, phong tỏa nằm ở công tác khoanh vùng. Các địa phương đánh giá nguy cơ dịch ở tất cả các địa bàn quản lý, tùy tình hình có thể mạnh dạn đề xuất giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (thực hiện theo nguyên tắc: gia đình cách ly với gia đình; thôn bản cách ly với thôn bản; xã cách ly với xã; huyện cách ly với huyện; tỉnh cách ly với tỉnh…). Với Thủ đô Hà Nội, theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, trước mắt, thành phố áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo từng điểm và chưa tính tới biện pháp cách ly toàn thành phố. Các điểm phong tỏa sẽ áp dụng mô hình cách ly “ba lớp” để vừa khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, vừa giảm tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh. “Các biện pháp mạnh hơn chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn và phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Lúc này, nhiều chuyên gia đề nghị cần phải “kích hoạt” mạnh ý thức về phòng, chống dịch của mỗi người, bởi thực tế đang có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh ở một bộ phận người dân. Nhất là diễn biến các ca bệnh gần đây có điểm chung là nhiều người cùng một gia đình, do đó, cần sớm phải “hiện thực hóa” khẩu hiệu 5K bằng một hướng dẫn chi tiết hơn về quy trình cách ly trong gia đình. Làm sao để mỗi người dân phải hiểu được cặn kẽ như giảm tụ tập nhiều người trong phòng; giảm sử dụng máy điều hòa, mở cửa thông thoáng; hạn chế tiếp xúc ngoài công cộng hay cách sử dụng thang máy ít tiếp xúc... để có thể tự phòng vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nếu chúng ta giữ nguyên các biện pháp phòng, chống dịch hiện tại như truy vết, cách ly tập trung, cách ly y tế vùng dịch và giãn cách xã hội các khu vực có nguy cơ cao, không giãn cách xã hội kịp thời, mầm bệnh sẽ lây lan âm thầm và tạo ra các ổ dịch lớn đồng thời ở nhiều tỉnh, thành phố.