Tăng lương, đừng trễ hẹn!

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng (tăng bình quân 6%) từ ngày 1/7/2022 để đề xuất lên Thủ tướng xem xét. Đón nhận tin này, nhiều công nhân ở các khu công nghiệp bày tỏ: Được tăng một là đỡ một!

Công nhân phải thắt chặt chi tiêu khi giá cả nhiều mặt hàng tăng. Ảnh: TRẦN KIỀU
Công nhân phải thắt chặt chi tiêu khi giá cả nhiều mặt hàng tăng. Ảnh: TRẦN KIỀU

Người lao động ngóng tin vui

Làm việc trong điều kiện luôn phải "thắt lưng buộc bụng", chắt chiu từng đồng, anh Hà Văn Hiếu, công nhân đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Giá xăng vừa tăng thêm khiến cho giá lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác tăng theo. Đời sống của bọn em hết sức khó khăn, không trông mong có thể tích lũy được chút gì".

Thuê trọ cùng anh Hiếu là anh Trần Văn Hải (quê ở Thanh Hóa) tâm sự, lương mỗi người chỉ 4,5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền tăng ca thì được khoảng 6,5 triệu đồng. Dù được tăng chỉ 200 đến 300 nghìn đồng mỗi tháng, nhưng cũng giúp người lao động giảm bớt áp lực trước vòng xoáy giá cả leo thang.

Tại các tỉnh, thành phố phía nam như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, công nhân, người lao động cũng đang ngóng chờ thông tin tăng lương. Đời sống công nhân chịu nhiều tác động bởi dịch Covid-19, nên họ đang trông đợi được hỗ trợ giúp vượt qua khó khăn, ổn định tinh thần để tích cực lao động sản xuất. Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Chúng tôi đã khảo sát tình hình đời sống, việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp. Không ít lao động đã phải làm tăng ca để có thêm thu nhập do mức lương tối thiểu làm cơ sở doanh nghiệp áp dụng xây dựng thang bảng lương còn thấp. Bà Như Ý nhìn nhận, đề xuất được tăng thêm 6% là hợp lý trong điều kiện hiện nay.

Ngăn chặn nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động

Mốc tăng lương cơ bản từ ngày 1/7 đang khiến giới sử dụng lao động có không ít tâm tư, nhất là những đơn vị sử dụng nhiều lao động. Đã có những hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị lùi thời điểm tăng lương đến ngày 1/1/2023. Ông Mai Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam chia sẻ, thực tế, nhiều doanh nghiệp vốn trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại. Khi lương tối thiểu vùng tăng, đồng nghĩa các doanh nghiệp phải tiếp tục điều chỉnh tăng thêm, như vậy sức ép lên khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp càng lớn hơn.

Tuy nhiên, không đồng tình các kiến nghị lùi thời gian tăng lương tối thiểu vùng, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và công đoàn, Ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá: Nếu theo đề xuất mới của doanh nghiệp, kéo dài thời điểm tăng lương đến ngày 1/1/2023 sẽ "trễ hẹn" với người lao động tới 24 tháng. Điều này dễ dẫn đến bất ổn trong quan hệ lao động.

Trước vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp có quyền kiến nghị, song phương án đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên. Ông Lợi cũng cho biết thêm, việc tăng lương ban đầu sẽ có những tác động đến doanh nghiệp, nhưng về lâu dài chỉ như vậy mới giữ chân và khích lệ người lao động trong bối cảnh thiếu hụt lao động.

Đứng trên góc độ những người bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chính thức có văn bản gửi Chính phủ, trong đó đề xuất việc xây dựng Nghị định theo trình tự rút gọn để bảo đảm thời gian nhanh nhất. Chúng tôi thiết tha và tin tưởng với thực tế đời sống của người lao động và khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như những lập luận rất thuyết phục từ các bên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định sớm, theo hướng đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, là tăng lương từ ngày 1/7/2022.

Từ góc nhìn của chuyên gia, trong 5 năm qua tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%, nếu dồn hai năm chưa tăng, thì mức tăng sắp tới sẽ cao và doanh nghiệp khó mà chịu được. Việc đề xuất tăng lương sớm từ ngày 1/7 cũng nhằm tránh tình trạng dồn nhiều năm, tránh tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp. "Trong việc tham gia xây dựng các chính sách, chúng tôi luôn chú trọng việc gửi gắm những mong muốn, tâm tư của người lao động để giúp họ thật sự vừa là chủ thể tạo ra của cải vật chất, nhưng cũng là đối tượng thụ hưởng xứng đáng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để bảo đảm quyền lợi của người lao động; đồng thời tiếp tục phối hợp người sử dụng lao động để tăng cường đối thoại, thương lượng nhằm đạt được thỏa thuận: Khi kinh tế phát triển, doanh nghiệp càng cần có sự sẻ chia với người lao động, bảo đảm sự công bằng trong quan hệ lao động", ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Theo phương án tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia, từ ngày 1/7/2022 tiền lương tối thiểu của vùng 1 tăng thêm 260 nghìn đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng; vùng 2 tăng thêm 240 nghìn đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng; vùng 3 tăng thêm 210 nghìn đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng; vùng 4 tăng thêm 180 nghìn đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.