Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Tăng biện pháp bảo vệ

Dự thảo quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng. Theo đó, việc bảo vệ quyền lợi, bảo đảm an toàn cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được chú trọng ở mức cao hơn, với nhiều quy định và phương thức hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người lao động, nhất là khi có tranh chấp.

Đào tạo nghề điện công nghiệp cho học viên tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Anh Sơn
Đào tạo nghề điện công nghiệp cho học viên tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Anh Sơn

Cạm bẫy chực chờ

Những năm qua, không ít gia đình đã đổi đời nhờ xuất khẩu lao động, song cũng nhiều hộ phải ôm nợ nần. Hộ ông Trần Văn Mẹo và Nguyễn Nhân Khóa ở xã Tân Hưng, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) là hai thí dụ. Hai ông đều có con trai xuất khẩu lao động, nhưng do chi phí trước khi xuất ngoại quá cao, trong khi tiền lương không được như thỏa thuận ban đầu, nên tiền tích lũy không đủ bù lại. Ông Trần Văn Mẹo chia sẻ: "Ba năm trước, con tôi đã phải về nước và gia đình phải rất cố gắng mới trả được khoản vay ngân hàng".

Qua tìm hiểu, cũng có rủi ro xảy ra với ngay cả lao động đi theo con đường chính ngạch. Ngoài chuyện tiền lương, mức hỗ trợ ăn uống chưa bảo đảm như hợp đồng, người lao động phải đối mặt các rủi ro bất khả kháng như những biến động của nước sở tại, dịch bệnh. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những lao động có tay nghề thấp, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người nghèo đi theo hợp đồng gặp nhiều rủi ro lớn do thiếu thông tin khi tiếp cận dịch vụ. Không ít trường hợp vừa thiếu kiến thức, vừa thiếu kỹ năng, thấy tiền lương không như kỳ vọng nên đã bỏ ra ngoài làm việc khác, như tại Hàn Quốc, Nhật Bản… nhiều lao động "nhảy việc" ra ngoài bất hợp pháp.

Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá: Người lao động của Việt Nam phải trả các chi phí nhiều hơn các nước trong khu vực để được đi làm việc ở nước ngoài. Phần lớn số tiền đó họ phải đi vay nên tạo áp lực cho người đi làm, khiến người lao động khó kiểm soát tâm lý, kiểm soát tiền tích trữ. Điều đó làm tăng nguy cơ họ trở thành lao động bị mua bán và cưỡng bức làm việc.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay: Lao động nghỉ việc từ ba ngày không có lý do thì bị coi là lao động bỏ trốn. Từ đó sẽ không có thỏa thuận nào trước đó được coi là có tính pháp lý. Các doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ không trả bất cứ khoản tiền bảo hiểm, hỗ trợ nào. "Vừa rồi, có người vừa bỏ ra ngoài được ba ngày thì bị ốm, phải đi viện và đã không được doanh nghiệp hỗ trợ", bà Vân Hà nhấn mạnh.

Trang bị kỹ năng cần thiết

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động. Luật cũng bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người lao động, như: Thêm các hành vi bị cấm khi đưa người đi làm việc ở nước ngoài; thêm danh mục các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài; doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động phải có vốn từ năm tỷ đồng; người lao động chỉ phải trả một phần phí dịch vụ; người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bị ngược đãi, quấy rối tình dục…

Người lao động cần tìm hiểu kỹ hơn các quy định trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài để bảo đảm quyền lợi của mình. Ngoài ra, để giảm rủi ro, bà Trần Thị Vân Hà khuyến cáo: Bên cạnh việc lựa chọn con đường đi hợp pháp, người lao động cũng cần học tốt ngoại ngữ, tự tìm hiểu về luật pháp quốc gia mình tới làm việc và trang bị kỹ năng làm việc. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài nếu phát sinh một số rủi ro, hoặc bị ngược đãi, thì người lao động cần khiếu nại với lực lượng cảnh sát, chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp đưa đi. Những rủi ro theo hợp đồng thì sẽ được hỗ trợ. Ngược lại, nếu đi lao động bất hợp pháp thì khó được bảo vệ, thậm chí nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo quy định về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Theo đó sẽ đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người lao động, thân nhân của người lao động nếu chẳng may người lao động chết trong thời gian làm việc.

Dự thảo cũng đề xuất hỗ trợ cho người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc. Hay, hỗ trợ giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến người lao động gồm: Hỗ trợ cho người lao động chi phí ăn, ở trong thời gian người lao động chờ giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động, chuyển chủ sử dụng theo quy định hoặc phải về nước trước thời hạn mà không phải lỗi của người lao động, mức 500.000 đồng/người/ngày.
Hỗ trợ bằng 50% chi phí thuê luật sư, tư vấn pháp lý trong trường hợp tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động hoặc nhóm lao động với người sử dụng lao động, tối đa bằng 25 triệu đồng cho một vụ việc. 

Mâu thuẫn, bất đồng phần lớn xảy ra giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi đó, việc xử lý các mâu thuẫn phải dựa vào hợp đồng giữa người lao động ký với các doanh nghiệp được cấp phép đưa người đi lao động ở nước ngoài, đồng thời phải soi chiếu vào quy định của Việt Nam và quy định của nước sở tại. Hiện nay ở nước ngoài, lao động Việt Nam không có tổ chức công đoàn để tham gia. Họ được bảo vệ bởi các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, trên thị trường lao động thế giới, Việt Nam mới chỉ đặt được tám Ban Quản lý lao động Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.