Sức lan tỏa của những chính sách an sinh

Năm 2021 khép lại với rất nhiều lo lắng về diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Muốn thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, chúng ta cần tập trung vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo tốt cho đời sống người lao động, để họ yên tâm quay trở lại làm việc.

Tặng quà cho người khó khăn tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Thế Thuận
Tặng quà cho người khó khăn tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Thế Thuận

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Dịch bệnh đã làm đời sống, công việc của hàng chục triệu người dân, người lao động bị ảnh hưởng. Đặc biệt những người nghèo, người dễ bị tổn thương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng đã rốt ráo nhập cuộc, chia sẻ, xây dựng chính sách an sinh xã hội. Hàng chục cuộc phát động ủng hộ, chia sẻ với người gặp khó được tổ chức. Các tổ chức chính trị, xã hội, mạng lưới cộng đồng cũng hưởng ứng và chủ động đưa ra những hoạt động nhân lên tinh thần "Nghĩa đồng bào"… Ngay chính những người dân dù còn khó khăn, đã giúp đỡ người khó khăn hơn mình, dệt nên "tấm thảm an sinh" trong toàn xã hội.

Nhìn nhận vấn đề an sinh, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, thời gian vừa qua, chúng ta luôn kiên định một nguyên tắc là phát triển kinh tế đi đôi bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần. Do đó, hệ thống an sinh xã hội của chúng ta thời gian qua cơ bản đáp ứng được các yêu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngay từ năm ngoái, việc hỗ trợ người khó khăn đã được thực hiện qua nhiều đợt. Đặc biệt là gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 (còn gọi là gói 62.000 tỷ đồng năm 2020), đây là gói hỗ trợ triển khai trong thời điểm chưa có tiền lệ. Việc triển khai tuy chưa được như mong muốn, nhưng đã có hơn 14,4 triệu người thụ hưởng. Riêng đợt dịch lần thứ tư, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền và Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Với gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã rà soát, hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho hơn tám triệu người lao động, với số lượng hiện nay 85% là lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng, đạt 20,644 nghìn tỷ đồng.

Ða dạng các gói an sinh

Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Thêm nữa, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường lao động chưa được liên thông, đồng bộ. Do vậy, muốn thực hiện tốt các mục tiêu hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, cần tập trung theo các hướng: Chủ động cập nhật, triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung-cầu lao động hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp tham gia thị trường lao động.

Cũng theo ông Thanh, chúng ta cần phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để phản ánh những thông tin nhanh chóng, kịp thời, nhất là có sự biến động lớn, đột biến về quan hệ cung-cầu lao động (vấn đề sa thải lao động hàng loạt, thiếu lao động trình độ cao…) để được theo dõi, giám sát và phát hiện, báo cáo kịp thời nhằm đáp ứng được yêu cầu của quản lý, nhất là việc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp can thiệp, điều chỉnh kịp thời; ưu tiên xây dựng các gói chính sách an sinh nhằm hỗ trợ về đời sống sinh hoạt, nhà ở cho người lao động, đặc biệt là lao động ngoại tỉnh tại các khu công nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, chúng ta cũng cần tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhằm bảo đảm đời sống và duy trì sản xuất. Đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội cung cấp cho người lao động về hình thức, phương thức, mức đóng góp và mức được hưởng; đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ chế cung cấp các hỗ trợ hành chính và pháp lý cần thiết cho người lao động tham gia các chương trình an sinh tự nguyện.

Còn theo Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Vũ Minh Tiến, về chiến lược lâu dài, cần quyết tâm ban hành chính sách để đẩy mạnh và triển khai ngay các biện pháp hiệu quả giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân lao động đã được đặt ra từ lâu. Đó là, vấn đề việc làm, nhà ở, cơ sở y tế tại các khu công nghiệp, khu đô thị; tiền lương và thu nhập, sinh kế và tích lũy, phúc lợi và an sinh xã hội của công nhân lao động; nơi sinh hoạt văn hóa và cơ sở nuôi dạy trẻ, học tập cho gia đình, con em công nhân lao động… Đặc biệt, trong bối cảnh một bộ phận lớn công nhân lao động vẫn luôn ở tình trạng bấp bênh về việc làm, thiếu ổn định về thu nhập, sẽ bị rơi vào khó khăn, thậm chí là túng quẫn ngay khi có những cú sốc nhỏ, thì lưới an sinh xã hội cần được thiết kế đa dạng hơn, nhiều tầng hơn và mở rộng độ bao phủ để chia sẻ khó khăn, giúp đỡ các nhóm yếu thế được đầy đủ, hiệu quả hơn.