Sống thuận thiên theo mùa

Giữa đồng bằng châu thổ Cửu Long tồn tại một vùng đất có sự luân phiên sáu tháng nước ngọt, sáu tháng nước mặn. Đó là Cồn Chim nằm trên sông Cổ Chiên, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Bức tranh đồng quê Nam Bộ với mái nhà tranh vẫn còn hiện diện ở Cồn Chim.
Bức tranh đồng quê Nam Bộ với mái nhà tranh vẫn còn hiện diện ở Cồn Chim.

Lúa chịu mặn

Ngọn gió chướng bắt đầu thổi mạnh, xào xạc cánh đồng lúa đang cong ngọn “trái me”. Ông Út Quời (Nguyễn Văn Quời), Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Cồn Chim pha bình trà nghi ngút khói ngồi ngay chiếc bàn gỗ nhỏ giữa sân nhà, cặp bờ đê để đón từng con gió ập vào, rát mặt. Vậy mà ông nghe trong lòng phơi phới một niềm vui. Bởi nhà nhà ở Cồn Chim sắp có mùa gạo mới - loại gạo hữu cơ từ các giống lúa “Một bụi trắng”, OM5451. Là người sinh ra và lớn lên ở Cồn Chim, đã qua 55 mùa gió chướng, Út Quời hiểu rành rọt về cồn cát nhỏ quê mình, nhớ chi tiết đến từng gốc bần trên bãi cát bùn. Ông bảo, thông lệ hằng năm đến rằm tháng 11 thì bắt đầu mùa nước mặn kéo dài đến tận tháng 5 của năm sau, nửa năm còn lại là mùa nước ngọt. “Vậy mà năm nay, nước mặn về sớm hơn gần cả tháng trời”, ông Quời quả quyết. Hớp ngụm trà, ông chậm rãi nói tiếp, để xua tan bao thắc mắc của khách phương xa: “Giống lúa ở đây có thể chịu được độ mặn lên đến ba phần ngàn và thời gian sinh trưởng từ 88 đến 90 ngày như bao nhiêu vùng khác. Bởi vậy nước mặn có “ngang qua” chốn này sớm thì cũng chẳng hề hớn gì. Bà con ở đây trồng lúa chưa năm nào bị mất mùa hay thiệt hại vì xâm nhập mặn”.

Ông Tư Khoa (Nguyễn Văn Khoa), hàng xóm tiếp lời ông Út Quời: “Lúa ở Cồn Chim toàn bộ là lúa sạch, lúa hữu cơ. Sáu tháng nước ngọt thì bà con trồng lúa, sáu tháng nước mặn thì nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Nói con tôm “ôm” gốc lúa là vậy”. Sau khi thu hoạch lúa, trên đồng chỉ còn gốc rạ, nông dân bắt đầu giở bọng (cống) cho nước mặn từ sông Cồn Chim chảy vô đồng để bắt đầu thả nuôi vụ tôm mới. Thế nhưng, nông dân ở Cồn Chim lại có tư duy vô cùng tiến bộ. Họ không đánh đổi môi trường để chạy theo năng suất, cả cây lúa lẫn con tôm. Ông Út Quời đưa ra minh chứng rằng, mỗi vụ lúa ông thu hoạch độ chừng 20 giạ (1 giạ = 20 kg)/công đất (1.000 m2), thấp hơn nhiều nơi khác trung bình từ năm tới mười giạ/công. Nhưng ở đây người dân trồng lúa hữu cơ, không phân, thuốc hóa học, nên năng suất thấp là hết sức bình thường. Vụ lúa này chỉ là nguồn thu phụ, chủ yếu để nông dân có hạt gạo sạch trong nhà ăn quanh năm, còn cái chính là để nền đất sạch cho vụ luân canh tôm thẻ, tôm sú, cua vào mùa nước mặn. “Nếu tăng thêm 5 đến 10 giạ lúa thì chỉ thêm được từ 600 ngàn đến 1,2 triệu đồng/công, nhưng phải bón phân hóa học, phun xịt thuốc trừ sâu. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền đất, gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến môi trường nước, môi trường đất, môi trường sống và còn có nguy cơ thua lỗ vụ tôm sau đó. Mà lúa sạch thì gốc lúa là nơi lý tưởng để con tôm sinh sống và phát triển tốt hơn so với môi trường ao nuôi trống. Ngược lại, sau vụ tôm, xác bã còn lại trong ao tôm, nền đất lại là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây lúa mọc khỏe mạnh. Trong khi chúng tôi nuôi vụ tôm tám tháng thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng, thì tại sao phải đánh đổi môi trường lấy năng suất lúa”, ông Út Quời phân tích.

Chọn cách sống theo mùa

Cồn Chim có diện tích chỉ 62 ha, tổng số 70 hộ thì có 18 hộ tạm cư, còn lại là dân bản địa, định cư ở nơi đây từ những ngày đầu lập ấp. Vào thời điểm sắp giao mùa giữa hai con nước mặn - ngọt, ông Út Quời thường tà tà tản bộ dọc bên bờ sông Cồn Chim dài gần ba cây số để kiểm tra nguồn nước trên sông theo thủy triều lớn - ròng mỗi ngày hai bận (lần). Bằng kinh nghiệm của mình, ông Út Quời nhìn dòng nước trên sông là có thể biết rõ ràng mặn - ngọt ra sao. Ông quả quyết, bằng cách nếm thử nước trên sông, ông có thể biết chính xác độ mặn đang ở ngưỡng mấy phần ngàn. Bởi từ xa xưa, người dân Cồn Chim chỉ dựa vào kinh nghiệm và “phân tích” độ mặn của dòng nước trên sông bằng… miệng, chứ làm gì có thiết bị, máy móc như bây giờ. Cứ như vậy, tới mùa nước mặn thì những cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, nông dân lại bắt đầu một mùa vụ nuôi tôm, cua mới và tăng thêm thu nhập từ đánh bắt khai thác thủy sản trên sông.

Điều gây ấn tượng mạnh mẽ với bất cứ ai đến với Cồn Chim là môi trường sống tuyệt vời, xanh, sạch, đẹp, còn người dân thân thiện và hiếu khách. Cánh đồng lúa hữu cơ mơn mởn xanh cặp theo trục đường chính của xứ cồn. Những hàng dừa trĩu quả hai bên đường với những mái nhà tranh đặc trưng của vùng đất Nam Bộ xưa kia vẫn còn hiện diện nơi này… Tất cả như hòa quyện vào nhau làm nên một bức tranh đồng quê Nam Bộ vô cùng đặc trưng và đặc sắc. Nếu như ngoài con đường đal (đan) duy nhất trải dài từ đầu đến cuối Cồn Chim thì nơi đây không có giải pháp công trình nào khác nữa, kể cả chống sạt lở, xói mòn. Còn việc giữ cho bãi cát bùn ở phía đuôi cồn không bị xói lở là chuyện của những rặng bần. Và con người có nhiệm vụ bảo vệ những tán bần xanh, không cho khai thác bừa bãi theo những quy ước đã được lập ra từ trước.

Năm 2014, tổ chức Oxfam đã chọn 100 hộ dân sinh sống hai bên bờ sông Cồn Chim để thực hiện quy ước đồng quản lý sông Cồn Chim, bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và môi trường nước. Trong đó quy định rõ: Không được khai thác rừng, không tỉa thưa rừng ở hai bên sông Cồn Chim khi chưa được sự cho phép của cơ quan chuyên môn quản lý rừng; Không dùng lưới có kích thước mắt nhỏ hơn 1,8 cm, không khai thác thủy sản tự nhiên vào mùa sinh sản hoặc trong khu vực đất liền đến mép ngoài rễ bần; Không dùng kích điện, hóa chất độc hại, chất nổ khai thác thủy sản tự nhiên trên sông Cồn Chim; Không đăng mé, không đóng đáy mùng; Không sử dụng lưới ba màng và các hình thức cào để khai thác thủy sản… Những quy ước này được người dân Cồn Chim ủng hộ nhiệt tình và cam kết thực hiện và trở thành một trong những cộng đồng tiêu biểu ở tỉnh Trà Vinh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nhà nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL cho rằng, Cồn Chim là vùng đất có hệ sinh thái rất tuyệt vời và đa dạng theo mùa. Điều kiện tự nhiên kết hợp với nền tảng ý thức sống thuận thiên theo mùa của người dân đã khiến Cồn Chim trở thành vùng đất “miễn nhiễm” với biến đổi khí hậu.

Dẫn chứng cho điều trên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, vào mùa khô năm 2016 khi cả vựa lúa miền tây khốn đốn vì khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt khắp vùng thì người dân Cồn Chim vẫn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bình thường. “Không có bất cứ thiệt hại gì, mà ngược lại năm đó người dân Cồn Chim còn trúng lớn vụ tôm sú, tôm thẻ và cua. Bởi ở đây chúng tôi sống thuận thiên theo mùa, mùa nước ngọt thì trồng lúa, mùa nước mặn thì nuôi trồng thủy sản nước mặn, không đi ngược lại với thiên nhiên, không can thiệp thô bạo vào thiên nhiên”, Bí thư Chi bộ ấp Cồn Chim nói. “Biết cách sống thuận tự nhiên nên người dân Cồn Chim đâu có sợ nước mặn”. Đây chính là tư duy tiến bộ, hợp với thời đại và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vào mùa khô Cồn Chim vẫn bị xâm nhập mặn, đây là vùng nước lợ đặc trưng trong hệ sinh thái ĐBSCL, nhưng người dân vẫn sống… phơi phới bởi đã tìm được cách thích ứng thuận thiên.