Ðòi hỏi mới trong phòng, chống dịch

Trước diễn biến số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trên diện rộng, TP Hồ Chí Minh quyết định gia tăng các biện pháp mạnh trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của thủ tướng chính phủ, triển khai thí điểm F1 cách ly tại nhà và đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý cách ly được trông đợi mang lại hiệu quả cao hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cách ly y tế các trường hợp F1 tại nhà để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Ảnh: PHẠM NGÔN
Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cách ly y tế các trường hợp F1 tại nhà để giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung. Ảnh: PHẠM NGÔN

Hiển hiện nguy cơ lây nhiễm chéo

Kể từ đợt dịch Covid-19 thứ tư đến ngày 6/7, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 7.385 ca nhiễm trong cộng đồng, được Bộ Y tế công bố. Cũng trong đợt dịch này, tới trưa 7/7, TP Hồ Chí Minh có 45 bệnh nhân Covid-19 tử vong. Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, dịch bệnh ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp, chợ truyền thống đang rất phức tạp, xu hướng ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng tăng là các trường hợp đi khám bệnh khi có triệu chứng. Từ các ca chỉ điểm, lực lượng y tế phát hiện thêm các bệnh nhân khác ở nhà trọ, khu công nhân, khu buôn bán, các chợ đầu mối và chợ truyền thống.

Nhằm chặn đứng nguồn lây nhiễm từ các khu chợ, theo ông Bỉnh, TP Hồ Chí Minh đã tạm dừng khoảng 100 khu chợ truyền thống và các chợ đầu mối là Bình Ðiền, Hóc Môn và Thủ Ðức. Ðối với khu nhà trọ và khu lưu trú công nhân, thành phố tập trung truy vết, sử dụng test nhanh kết hợp RT-PCR, với quy mô 200.000 test nhanh/ngày; xét nghiệm sàng lọc hai, ba ngày/lần ở khu phong tỏa và năm đến bảy ngày/lần ở khu vực có nguy cơ cao.

Liên quan dịch bệnh ở khu công nghiệp, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HEPZA) cho biết, tới ngày 6/7 đã ghi nhận tổng số 796 ca nhiễm tại 38 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất. Ðối với các doanh nghiệp có số lượng ca nhiễm lớn, ông Hưng phân tích thực tế số ca phát hiện ban đầu không lớn nhưng các trường hợp nghi nhiễm, F1 chưa được di chuyển kịp thời nên có khả năng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tạm thời. Chuẩn bị cho phương án vừa cách ly vừa sản xuất tại chỗ, hiện có 38 doanh nghiệp nộp hồ sơ nhưng khi thẩm định lại cơ sở vật chất thì các doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện về vị trí, nhà vệ sinh, khuôn viên nhà máy… HEPZA đang tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, công an, chính quyền địa phương thẩm định từng hồ sơ để cấp phép cho doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí.

Khoanh vùng trọng điểm, đồng bộ dập dịch

TP Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND của UBND thành phố, với một số quy định được cho là nghiêm ngặt. Và từ 0 giờ ngày 9/7 TP Hồ Chí Minh giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg trong thời gian 15 ngày. Các chuyên gia đánh giá, dịch bệnh tại thành phố đang rất phức tạp, còn có nguy cơ lây lan ra các địa phương khác nên cần áp dụng các giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.

Ðể làm được điều đó, thì TP Hồ Chí Minh cần thiết hạn chế người đi lại, tụ tập trong thành phố, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết. Ðồng thời, thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh ở địa phương này nhưng làm việc ở địa phương kia. Bên cạnh, tuyệt đối không để tái diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách như một số nơi xảy ra vừa qua.

Cùng đó, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về tổ chức cách ly đối với F1 tại các khu tập trung, tránh lây nhiễm chéo khiến công tác phòng, chống dịch khó khăn hơn, hạn chế lây nhiễm ra cộng đồng, ngày 6/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi văn bản đến UBND thành phố Thủ Ðức, Trung tâm Y tế TP Thủ Ðức và các quận, huyện, thông tin về việc thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với F1. Theo Sở Y tế thành phố, ban đầu áp dụng thí điểm cách ly F1 tại nhà tại tám địa phương thuộc nhóm có nguy cơ (quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ) kể từ ngày 5/7.

Các đơn vị phải căn cứ tình hình thực tế và diễn biến dịch bệnh, chủ động triển khai việc tổ chức cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 trên địa bàn để bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, thí điểm cách ly F1 tại nhà, mục tiêu cuối cùng của biện pháp này là sự an toàn cho cộng đồng chứ không chỉ là chuyện giải quyết chỗ cách ly. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng cách ly F1 tại nhà, trong trường hợp các khu cách ly tập trung ở các địa phương quá tải cần xem xét cách ly tại nhà các trường hợp F0 khi đủ điều kiện, tiêu chí. Trước mắt, với cách ly F1 tại nhà, có ba vấn đề quan trọng trong quản lý cần phải giải quyết, đó là việc ứng dụng, quản lý cách ly bằng công nghệ thông tin; các địa phương phải chủ động thành lập các đội nhóm kiểm tra các điều kiện tại nơi cư trú bảo đảm quy định của Bộ Y tế; và theo dõi y tế hằng ngày.

Giải quyết các bất cập trong quản lý F1 tại nhà, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh ba giải pháp: Giải pháp thứ nhất là bằng hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cung cấp. Ðây là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh. Hệ thống này chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh, có ưu điểm là quản lý tổng thể, tích hợp nhiều chức năng khác như khai báo y tế, quản lý nhập cảnh, phản ánh y tế… STAYHOME do Hội Tin học TP Hồ Chí Minh đề xuất. Giải pháp thứ hai sử dụng điện thoại di động và vòng đeo tay. Vòng đeo tay sẽ có chức năng tăng cường giám sát và đo nhiệt độ. Với giải pháp này, Hội Tin học thành phố cũng đề nghị hỗ trợ miễn phí 1.000 vòng đeo tay. Giải pháp thứ ba là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Công nghệ thông tin thuộc Ðại học Quốc gia Hồ Chí Minh) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.

Các chuyên gia nhận định, dịch bệnh trên toàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn phức tạp, số ca F0 phát hiện mới ngoài cộng đồng còn quá lớn là yếu tố nguy cơ và gây khó khăn cho quá trình khống chế dịch bệnh. Ðể sớm kiểm soát dịch bệnh trên toàn thành phố, ngành y tế tăng cường công tác tầm soát xét nghiệm, tập trung cho việc lấy mẫu đồng bộ với năng lực xét nghiệm, đáp ứng yêu cầu truy vết nhanh, thần tốc. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi trọng điểm như chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà trọ… xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19.