Nóng hổi, hướng nghiệp trước giờ G

Điểm nổi bật trong quy chế tuyển sinh thí sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay, đó là mở rộng cơ hội cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu không được hướng nghiệp đúng, rất có thể con số sinh viên phải học hành dở dang sẽ còn gia tăng bởi thực tế không như kỳ vọng.

Nhiều thí sinh vẫn muốn nghe tư vấn trực tiếp thay vì trực tuyến để được các chuyên gia giúp hiểu rõ ngành nghề phù hợp.
Nhiều thí sinh vẫn muốn nghe tư vấn trực tiếp thay vì trực tuyến để được các chuyên gia giúp hiểu rõ ngành nghề phù hợp.

Trái đắng “trend” 

Học ngành nào, trường gì để ra trường dễ xin việc, lại phù hợp đam mê, sở thích là câu hỏi khiến biết bao thế hệ sĩ tử và cả các bậc phụ huynh trăn trở. Bởi, nếu không chọn được đúng ngành, nghề phù hợp mà chỉ chọn ngành, nghề theo “trend” (xu hướng) đám đông, thậm chí theo cảm tính thì nguy cơ bị bỏ học nửa chừng là rất dễ xảy ra.

Năm 2020, trường hợp sinh viên các trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh bị buộc thôi học giữa chừng lên tới con số hàng nghìn. Chẳng hạn, ngay từ học kỳ I năm học 2020 - 2021, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) ra thông báo về 358 trường hợp bị cảnh báo và dự kiến bị buộc thôi học. Trong số này có 91 sinh viên từ năm thứ hai đến năm thứ tư bị cảnh báo học vụ do có điểm trung bình học kỳ dưới 2,5; điểm trung bình tích lũy dưới 4. Ngoài ra, 267 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học.

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ngay sau học kỳ II năm học 2019 - 2020, trường dự kiến buộc thôi học 257 sinh viên bậc ĐH, 181 sinh viên bậc CĐ do kết quả học tập kém, bị đình chỉ học tập nhiều lần. Chưa kể, trường cũng có danh sách hơn 1.100 sinh viên khác thuộc diện “dự kiến” bị thôi học do hết thời gian đào tạo tại trường (gồm 251 sinh viên CĐ và 852 sinh viên ĐH). 

Con số sinh viên bị cảnh báo và buộc thôi học ở Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng rất lớn. Sau học kỳ I năm học 2019 - 2020, trường này có tới 975 sinh viên bị cảnh báo học vụ và 458 sinh viên khác bị buộc thôi học. Nguyên nhân khiến sinh viên bị buộc thôi học nhiều, phần lớn đều xoay quanh vấn đề do “không chọn đúng ngành nghề” dẫn đến tâm lý chán nản, hụt hẫng. 

Là người nhiều năm gắn bó với công tác tuyển sinh, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, phân tích: “Nhiều thí sinh chọn ngành không đúng với sở trường, chọn ngành theo cảm tính, theo “trend”, thậm chí chỉ chú trọng chọn trường để… đậu mà không quan tâm đến chọn ngành, chọn nghề. Đến khi vào học, các em bị sốc, phải bỏ giữa chừng. Điều đó gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức cho chính các em và gia đình mình”.

TS Đặng Văn Sáng, chuyên gia giáo dục, cũng nhấn mạnh: Ai dám nói chọn ngành, chọn nghề là dễ? Từ trước tới nay, thí sinh nhiều khi vì xu hướng đám đông, chọn nghề “hot”, thậm chí vì nguyện vọng của… bố mẹ nên mới chọn ngành, nghề và hệ quả là phải bỏ ngang.

Bộ ba nguyên tắc ưu tiên

Gắn bó lâu năm với công tác tư vấn tuyển sinh, TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, đã đưa ra gợi ý về ba bước chọn ngành, hướng nghề. Theo ông Lý, bước đầu tiên là thí sinh phải hiểu rõ chính mình bởi mỗi một ngành, nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công, mình có sở thích và khả năng gì để theo đuổi ngành? Bước thứ hai là chọn ngành, chọn lĩnh vực phù hợp. Ở bước thứ hai này, trước khi chọn ngành, học sinh cần phân biệt được giữa ngành chính (ngành được ghi trên văn bằng tốt nghiệp) và ngành nhỏ, ngành phụ. Thông thường, ngành chính thường tổng quát, phạm vi kiến thức rộng, cơ hội việc làm cũng sẽ rộng mở hơn, còn ngành nhỏ, ngành phụ sẽ chuyên sâu hơn nhưng cơ hội việc làm lại bị bó hẹp hơn. Và bước thứ ba mới đến chọn trường.

Ngoài những thông tin chính thống từ trường, thí sinh còn có thể tham khảo rất nhiều nguồn khác nhau từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, chuyên gia, cán bộ công nhân viên cũng như các tổ chức kiểm định độc lập,... để hiểu rõ về các ngành, các trường mà mình lựa chọn. 

Theo TS Đặng Văn Sáng, thí sinh khi lựa chọn ngành nghề nên áp dụng theo nguyên tắc: nghề - ngành - trường. Tức là, chọn nghề, chọn ngành trước rồi mới chọn trường sau. Trong đó, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn và nhu cầu thị trường lao động sau bốn, năm năm tới. “Phụ huynh định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng nên lắng nghe ý kiến các con, khuyến khích các con đăng ký xét tuyển dựa trên sở trường, đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình… Thí sinh cũng nên tự quyết định lựa chọn cho mình, tránh thụ động và không nên đăng ký theo phong trào”, ông Sáng chia sẻ.

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần (thay vì chỉ một lần như trước) bằng hình thức trực tuyến, sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thời gian điều chỉnh dự kiến diễn ra trong 10 ngày (từ ngày 7 đến 17 giờ ngày 17-8).