Nỗ lực với mục tiêu kép

Trả lời Nhân Dân cuối tuần, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, kinh tế của người dân.

Nỗ lực với mục tiêu kép -0
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Giang

- Thưa ông, trong hơn một năm qua ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Chương trình xây dựng nông thôn mới Bắc Giang đã có phương pháp gì để vượt qua khó khăn?

- Năm 2021, năm đầu tiên triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu có thêm huyện Yên Dũng, TP Bắc Giang đạt huyện nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Khi triển khai thực hiện chương trình, tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn khi nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương chưa được hỗ trợ, nhất là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và thực hiện nội dung xây dựng nông thôn mới. Trước những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của dịch bệnh, để hoàn thành mục tiêu, tỉnh Bắc Giang đã linh hoạt triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp.

Một là, ngay từ đầu năm tỉnh đã giao kế hoạch xây dựng nông thôn mới cho các địa phương để các địa phương chủ động thực hiện.

Hai là, trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn đúng vào vụ thu hoạch vải thiều và các nông sản chủ lực, tỉnh Bắc Giang đã linh hoạt trong lãnh đạo chỉ đạo phòng, chống dịch, luôn kiên định, kiên trì thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; trong sản xuất nông nghiệp tỉnh làm tốt công tác kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng sản xuất an toàn, với vụ vải thiều thành công cả về chất lượng và giá bán.

Ba là, ngay sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã triển khai đồng bộ giải pháp để khôi phục sản xuất như: phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, kiểm soát tốt dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; các địa phương tổ chức các đợt cao điểm về xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ khôi phục sản xuất cho các doanh nghiệp với phương châm "sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất". Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương (nòng cốt là Văn phòng điều phối tỉnh) thực hiện tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ nông thôn mới.

Bốn là, các địa phương đã có nhiều cách sáng tạo trong tổ chức thực hiện tại cơ sở, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh vừa linh hoạt trong huy động sự tham gia của người dân thực hiện chương trình.

- Thưa ông, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2022 là gì? Cách thức nào để bảo đảm tính khả thi, nâng cao đời sống người dân?

- Phát huy thành quả trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua, năm 2022, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu đưa xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tạo đột phá mới trong chương trình. Tất cả các xã rà soát, nâng cao chất lượng tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; có thêm chín xã nông thôn mới; 21 xã nông thôn mới nâng cao; hai xã nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy mạnh thực hiện thôn nông thôn mới kiểu mẫu, hình thành Làng quê đáng sống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang xác định dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát cao, để hoàn thành mục tiêu trên tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo chương trình thời gian qua, đồng thời tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Giao kế hoạch thực hiện chương trình cho các địa phương ngay từ đầu năm; các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình đạt chuẩn theo từng kịch bản bảo đảm phù hợp với tình hình dịch, bệnh.

Chúng tôi hoàn thiện khung chính sách thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 (Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp, chính sách hỗ trợ nông thôn mới) ngay sau khi Trung ương phê duyệt, để tạo sự chủ động cho các địa phương; ưu tiên và thực hiện phân bổ sớm nguồn vốn ngân sách.

Địa phương cũng triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2025; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích tụ ruộng đất hình thành vùng sản xuất tập trung; thực hiện hiệu quả các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh, phấn đấu có tối thiểu một sản phẩm đăng ký tham gia năm sao.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục kiên trì thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, khôi phục hoạt động du lịch, phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho người dân khu vực nông thôn, là nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!