Ngăn chặn bùng phát dịch bệnh mới

Trong bối cảnh thế giới đang phải tiếp tục đối mặt với đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều loại virus mới tiềm ẩn khả năng xuất hiện, như bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, đặc biệt là bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Ngăn chặn mầm bệnh mới, đòi hỏi các cấp chức năng cần giám sát tốt hơn để đón đầu và đối phó hiệu quả.

Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ, ngành y tế yêu cầu giám sát chặt người về từ vùng dịch. Ảnh: REUTERS
Việt Nam chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ, ngành y tế yêu cầu giám sát chặt người về từ vùng dịch. Ảnh: REUTERS

Virus gây đậu mùa khỉ ít lây lan hơn so SARS-CoV-2

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5, tính đến ngày 5/6, đã có 780 trường hợp mắc bệnh được xác nhận tại 30 quốc gia. Đáng chú ý, các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. WHO dự báo, dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Theo GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Đáng lưu ý, bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Các chuyên gia nhận định, rất ít khả năng virus gây bệnh đậu mùa khỉ gây ra đại dịch trên toàn thế giới như SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, song khuyến nghị giới chức y tế các nước cần theo dõi virus này. Một chuyên gia lĩnh vực truyền nhiễm tại TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác vài vùng ngoài châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều. Do đó, tính lây lan không thể như các loại virus hô hấp, người dân không cần quá lo lắng về loại bệnh này.

Giám sát chặt người về từ vùng có dịch

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ nhằm ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; đồng thời phối hợp chặt chẽ với WHO cập nhật kịp thời các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh này, như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan, khi phát hiện, báo cáo ngay sở y tế để phối hợp các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chẩn đoán xác định ca bệnh.

Tại Hà Nội, hiện các cơ sở y tế, các đơn vị chuyên môn đã nâng cao tinh thần cảnh giác, giám sát để sớm phát hiện ca bệnh (nếu có). Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương đã sẵn sàng công tác chuẩn bị cho việc giám sát, điều trị, phát hiện bệnh đậu mùa khỉ nếu bệnh xuất hiện. Bệnh viện bố trí trung tâm phòng, chống dịch, khoa khám bệnh theo yêu cầu là nơi tiếp nhận thông tin, liên hệ của người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của thành phố để phát hiện sớm người mắc bệnh, như giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh, nhất là người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch. Cùng đó có kịch bản xử lý khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, yêu cầu sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, báo ngay về HCDC để xử lý kịp thời.

Đề xuất về biện pháp ứng phó dịch, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế nhận định, có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Do vậy, Việt Nam cần chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC), và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán. Trong trường hợp Việt Nam xuất hiện ca bệnh, không được để lây lan, có can thiệp sớm, cách ly người mắc kịp thời. Theo ông Phu, tuy đậu mùa đã được thanh toán từ nhiều thập niên trước, chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ, song nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, Rona virus, bệnh phát ban có mọng nước… Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ sớm.

Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, hiện virus đậu mùa khỉ vẫn chưa thuần với con người nên tốc độ lây lan còn chậm, chưa thành dịch ngay. Nhưng nếu các nhà chính sách, quản lý y tế không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khi virus đậu mùa khỉ thuần với con người, tốc độ lây lan nhanh thì sẽ trở thành dịch bệnh nguy hiểm. BS Khanh nhấn mạnh, hiện chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, nhưng các dữ liệu y tế cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả, phát huy tác dụng phòng bệnh đậu mùa khỉ. WHO cũng công bố dữ liệu cho thấy, vaccine phòng bệnh đậu mùa hiện nay có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%.

Ứng phó tốt hơn với bệnh đậu mùa khỉ, các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai, các chuyên gia khuyến cáo, cơ quan chức năng cần giám sát tốt hơn, tăng cường hợp tác toàn cầu và nâng cao năng lực y tế. Đồng thời, phản ứng toàn cầu cần công bằng và đến sớm trước khi dịch bùng phát lớn, lan rộng ra các khu vực khác nhau trên thế giới.