Một kỳ thi chưa từng có

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 vẫn diễn ra (đợt 1, ngày 7 và 8/7) bởi "tính chất quan trọng" của nó. Trong phấp phỏng âu lo của chính các thí sinh, phụ huynh và những người trực tiếp tham gia tổ chức, bảo đảm an toàn cho kỳ thi - là những đòi hỏi mới của thực tế: Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không thể chậm trễ, ngành giáo dục và đào tạo cần phải có những "phản ứng" nhanh nhạy, kịp thời.

Cán bộ y tế đo thân nhiệt thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Cán bộ y tế đo thân nhiệt thí sinh tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ

Ngay ngày đầu kỳ thi (7/7), đã có khá nhiều tình huống phát sinh thử thách "phản xạ" của một số địa phương. Tại Phú Yên, theo yêu cầu của Sở Y tế tỉnh, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã quyết định dừng tổ chức thi ở hai điểm thi là Trường THPT Trần Hưng Ðạo (TP Tuy Hòa) và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Tây Hòa), hơn 700 sĩ tử đành ra về trước giờ thi môn Văn. Trước đó, sát thời điểm thi, tại một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Giang, An Giang, Bình Ðịnh, Hải Phòng, Ðồng Tháp,… cũng phải dừng lại để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, thêm hàng nghìn thí sinh phải đợi thi đợt 2 mà chưa rõ thời điểm.

Không chỉ có thế, tại rất nhiều điểm thi trên cả nước, các cán bộ, tình nguyện viên làm nhiệm vụ bảo đảm kỳ thi hầu như không được nghỉ ngơi. Tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi giữa hai môn thi, cán bộ tại các điểm thi lập tức rà soát, kiểm tra thông tin, lịch sử dịch tễ của các thí sinh để phân loại, kịp thời báo cáo trưởng điểm thi, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, có phương án tức thời bảo đảm cho môn thi tiếp theo. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông, thanh niên tình nguyện ra sức hỗ trợ thí sinh.

Nhiều tình huống phát sinh trong thực tế là chưa có tiền lệ. Trước giờ thi buổi sáng 7-7, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế căn cứ theo quy định đã quyết định đặc cách tốt nghiệp với trường hợp một thí sinh không may bị tai nạn và phải điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Ðại học Y dược Huế. Tại TP Hồ Chí Minh, một thí sinh đang dự thi tốt nghiệp THPT bị ngất xỉu đã được cấp cứu, có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19. Ngay tại Hà Nội, một điểm thi cũng đã phải thay thế toàn bộ cán bộ tham gia do lãnh đạo điểm thi trở thành F1 trước khi diễn ra buổi thi đầu tiên…

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhiều tình huống, sự cố bất ngờ đã kịp thời được xử lý tại mỗi điểm thi, giúp các thí sinh sau những lo lắng ban đầu, nhất là sau khi hoàn thành bài thi môn Văn đã ổn định tâm lý, tự tin bước vào các môn thi tiếp theo.

Tuy thế, xét tổng thể một kỳ thi quan trọng như kỳ thi tốt nghiệp THPT lần này, không chỉ là việc tổ chức coi thi mà còn phải bảo đảm chất lượng khâu ra đề, đề thi phải đạt yêu cầu, có tính phân loại cao, cũng như khâu chấm thi tới đây phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Theo một số chuyên gia, xu hướng ra đề thi vài năm trở lại đây được cho là đổi mới, có tính linh hoạt, theo hướng mở, vừa bám sát chương trình học vừa có khả năng phát huy tính sáng tạo của từng thí sinh, phù hợp với chương trình học mới. Tất nhiên, đề mở thì chấm cũng phải mở. Vậy việc tổ chức lựa chọn giám khảo chấm thi thế nào, hình thành ba-rem điểm, quy định ra sao để vừa bảo đảm tính công bằng vừa lựa chọn được những thí sinh xuất sắc, góp phần "lọc" đầu vào cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp - là vấn đề quan trọng mà Bộ Giáo dục và Ðào tạo phải tính đến, kịp thời rút kinh nghiệm.

Từ những lo lắng, căng thẳng, tốn kém trong chi phí, cả sức người lẫn sức của, ảnh hưởng toàn xã hội, để chuẩn bị, rồi tổ chức một kỳ thi mang tính "điều kiện" này, nhiều chuyên gia giáo dục khi được hỏi ý kiến đã cho rằng, ngành giáo dục cần sớm đổi mới về thi cử. Cụ thể, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay, thực tế trải nghiệm trạng thái "bình thường mới" đã sang năm thứ hai, song những "đối sách" của ngành giáo dục xem ra còn chưa theo kịp thực tế. Thiết nghĩ, khi dịch bệnh xảy ra tuy có nhiều khó khăn nảy sinh, chưa có tiền lệ, song cũng là "phép thử" cho thấy khoa học - công nghệ cần sớm tạo đột phá, trước hết là về phương thức thi cử.

Nhìn ra thế giới, ở nhiều nước phát triển, hơn một năm qua phải ứng phó với dịch Covid-19, không ít nền giáo dục tiên tiến đã chuyển hướng sang học và thi online (trực tuyến) với hệ thống phần mềm được lập trình khoa học, chặt chẽ, thậm chí nhiều tính năng ưu việt vượt trội so với phương pháp thi truyền thống.

Xa hơn, khi nhiều nhà khoa học và chính phủ đã cảnh báo nhân loại chưa thể khống chế hoàn toàn SARS-CoV-2 trong tương lai gần thì toàn xã hội nói chung và "con tàu" giáo dục cần phải học cách "chung sống lâu dài" với hiểm họa này. Khoa học - công nghệ, internet và các phương tiện online cần được coi như "cơ sở hạ tầng" quan trọng của giáo dục và đào tạo tương lai. Từ đổi mới phương thức thi cử tạo tiền đề đổi mới phương pháp dạy và học, tiến tới một nền giáo dục mở và xây dựng một xã hội học tập đúng nghĩa, hẳn không phải là điều gì đó xa vời.

Ðợt 1, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm ngoái khoảng 100 nghìn thí sinh. Số thí sinh đăng ký lấy kết quả thi vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học gần 759 nghìn. Chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm 55%, xét tuyển bằng hình thức khác chiếm 45%.