Lại sẽ cải cách thi cử?

Chậm hơn so mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đợt cao điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng đang diễn ra lại cho thấy những bất cập mới nảy sinh, đòi hỏi ngành giáo dục cần sớm có đối sách hợp lý. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến việc, một lần nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, theo hướng tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. Dự kiến, năm 2022 có khả năng là một năm có tính chất giao thời chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau.

Giờ thực hành của sinh viên Trường đại học Trà Vinh. Ảnh: TVU
Giờ thực hành của sinh viên Trường đại học Trà Vinh. Ảnh: TVU

Chậm hơn so mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đợt cao điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng đang diễn ra lại cho thấy những bất cập mới nảy sinh, đòi hỏi ngành giáo dục cần sớm có đối sách hợp lý.

Theo quy luật cung - cầu

Mấy ngày gần đây, khi các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc đồng loạt công bố điểm chuẩn, đã có không ít thí sinh “sốc” khi đạt từ 27 điểm trở lên, thậm chí 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1. Dư luận cũng rộ lên những nghi ngại, “sao điểm chuẩn cao thế”, “lạm phát điểm số rồi chăng”, “cần xem xét lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, “do đề dễ?”,…

Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, GS, TSKH Đặng Ứng Vận, một trong những chuyên gia ngay từ nhiều năm trước đã tỏ ra băn khoăn trước “mục tiêu kép” của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nay là kỳ thi tốt nghiệp, cho biết: “Mặc dù, một hai kỳ thi gần đây chỉ mang tính chất xét tốt nghiệp là chính, song đa số các trường đại học, cao đẳng vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến của giới chuyên môn cho rằng đề thi của kỳ thi năm nay dễ thở. Cùng với đó, lứa học sinh càng về sau càng có điều kiện học tập tốt hơn, rõ nhất là phổ điểm thi môn tiếng Anh năm nay cao hơn. Vậy điểm chuẩn đầu vào của nhiều trường vọt lên cũng là dễ hiểu. Song nếu đề thi thiếu tính phân hóa cho việc tuyển sinh, thì việc căn cứ vào kết quả kỳ thi chưa chắc đã là lựa chọn chính xác”.

Đồng quan điểm và đi vào phân tích số liệu, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có mấy nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn cao. Cụ thể, năm nay, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến. Cùng đó, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác, ngoài kết quả thi trung học phổ thông còn kết hợp xét học bạ, đánh giá năng lực.

Điều này khiến tỷ lệ chọi theo phương thức dựa trên kết quả thi tốt nghiệp ngày một lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao. GS Đức cũng đồng tình thêm với yếu tố “đề dễ” do tình hình dịch bệnh. Cá biệt, có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn tiếng Anh, Ngữ văn; hoặc Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân,…

Nhìn ở góc độ cung - cầu, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo lưu ý, do tác động bởi dịch Covid-19, xu hướng một số ngành nghề đã dịch chuyển, nên với những ngành hứa hẹn khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp cao đã tăng mạnh điểm chuẩn. “Hơn nữa, công tác phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cũng ngày càng được coi trọng, khoa học hơn, là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều phối cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm. Tức là, chỉ tiêu tuyển sinh đã được tính toán trên cơ sở khoa học, hợp lý, do đó trên cơ sở chỉ tiêu, các trường sẽ lấy điểm từ cao xuống và nguyên tắc “nước lên thì thuyền lên” đương nhiên xảy ra. Như vậy, câu chuyện điểm số cao hay thấp cơ bản do yếu tố cung - cầu điều chỉnh, khá dễ hiểu”, PGS Nhĩ phân tích.

Đã đến lúc đổi mới “khâu đột phá”

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2021 là năm thứ hai công tác tuyển sinh đại học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cho tới thời điểm này, hoạt động xét tuyển đã được các cơ sở giáo dục đại học nỗ lực triển khai để bảo đảm vừa hoàn thành kế hoạch, vừa bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh. Nhiều trường đại học dù đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thi khác từ năm 2020 nhưng vì quyền lợi của thí sinh, vì sự an toàn của cả xã hội đã phải hoãn lại; nhiều trường tuyển sinh năng khiếu phải tổ chức theo hình thức online.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đã cho thấy các cơ sở đào tạo đang ngày càng chủ động thực thi quyền tự chủ, nhất là trong tuyển sinh “đầu vào”. Tự chủ đương nhiên đi kèm tự chịu trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm giải trình với xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn kỳ thi năm nay, có ý kiến đã bày tỏ lo ngại, “nếu giờ quay lại việc thi như thời 3 chung, thậm chí như trước khi có 3 chung thì sẽ lại nảy sinh nhiều hệ lụy”.

Khi mỗi trường một kiểu đề, một cách tuyển sinh khác nhau sẽ lại làm khó thí sinh, tạo áp lực hơn cho mỗi gia đình và xã hội - vấn đề mà trước đây ngành giáo dục đã nhận ra và giải pháp chính là “đổi mới thi cử” như đã diễn ra.

Chia sẻ với băn khoăn của nhiều chuyên gia, vừa qua, tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2021 theo hình thức trực tuyến với gần 500 điểm cầu tại các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề cập đến việc một lần nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh, theo hướng tăng cường phân cấp để các địa phương chủ động hơn. “Năm 2022 là một bước đi đầu, có khả năng là một năm có tính chất giao thời chuẩn bị để thực hiện đổi mới toàn diện hơn vào năm sau”, người đứng đầu ngành giáo dục cho biết.

Đề cập phương án cụ thể để một lần nữa đổi mới “khâu đột phá” mang tên thi cử, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sẽ lấy ý kiến các đơn vị và sẽ trao đổi để hoàn thiện trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, “có một việc có thể làm ngay là hai đại học quốc gia, các đại học vùng cần bắt tay ngay vào củng cố, xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí. Đặc biệt, các đại học vùng sẽ đóng vai trò là hạt nhân cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian tới”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo gợi mở.

Thực học luôn quan trọng hơn điểm số. Xét cho cùng mọi giải pháp, đều cần phải hướng đến mục tiêu thực học - thực nghiệp, và vẫn bắt đầu từ việc học thật và thi cử thật.