Chống dịch Covid-19

Kịch bản cho những tình huống xấu

Đối mặt nhiều thách thức chưa từng có trong phòng, chống Covid-19: đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng vi-rút biến thể, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) vừa yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan chức năng lên phương án, hoàn thiện kịch bản, sẵn sàng ứng phó những tình huống xấu.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đêm 11-5. Ảnh: CDC BẮC NINH
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đêm 11-5. Ảnh: CDC BẮC NINH

Chống dịch từ các "điểm nóng"

Theo Bộ Y tế, hai biến thể B.1.617.2 của chủng SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ, còn biến thể B.1.1.7 của SARS-CoV-2 tìm thấy lần đầu tại Anh được cảnh báo có khả năng lây lan nhanh hơn, và đều ghi nhận ở các "điểm nóng" dịch Covid-19 của nước ta lần này. Đặc biệt, biến thể B.1.617.2 được dự báo có khả năng làm bệnh nặng lên.

Hiện tại, Bắc Ninh huy động toàn bộ lực lượng trong và ngoài ngành y tế chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch. Tỉnh đã lập tổ công tác, gồm các lực lượng công an, y tế, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh… giúp các công ty phòng, chống dịch với mục tiêu cao nhất không để dịch lây lan, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp. UBND tỉnh Bắc Ninh đã kích hoạt Bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm y tế huyện Tiên Du và Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm y tế huyện Gia Bình cùng có sức chứa 300 giường để tiếp nhận điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19.

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong cộng đồng vẫn rất cao, bởi các nguồn lây chính, gồm chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Trung ương, nhất là từ "ổ dịch" huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), và tám địa phương có địa bàn giáp ranh với Hà Nội do đều có số ca bệnh lớn, trong khi lượng người đi lại với Thủ đô rất đông. Theo bà Hà, hiện công suất xét nghiệm của thành phố tăng 10 lần, từ 3.000 mẫu/ngày lên 30.000 mẫu/ngày và sẽ tiếp tục nâng lên, vừa đáp ứng nhu cầu xét nghiệm nhanh để truy vết, vừa mở rộng xét nghiệm sàng lọc cho nhóm đối tượng và khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh. Thành phố cũng chuẩn bị cho kịch bản có 200 - 300 ca bệnh trên địa bàn, tức là năng lực xét nghiệm phải đạt tới 300.000 - 600.000 mẫu.

Với TP Hồ Chí Minh, ứng phó các tình huống dịch lan rộng, theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh, ngành y tế thành phố đã dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm (với 90.000 test PCR và 30.000 test nhanh sẵn có, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh); phối hợp giữa cơ sở y tế của thành phố và trung ương hơn địa bàn (24 cơ sở) bảo đảm công suất xét nghiệm (15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000-40.000 mẫu đơn). Thành phố chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao, triển khai thêm bốn khu cách ly tập trung, nâng tổng quy mô lên hơn 10.000 giường. Mỗi quận, huyện duy trì ít nhất một khu cách ly tập trung quy mô 100 giường. "TP Hồ Chí Minh sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50-100 người bệnh Covid-19, dự trù sẵn kế hoạch bảo đảm điều trị cho 100-200 người bệnh và nhiều hơn. Ngành y tế đang xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường", ông Bỉnh cho biết.

Không chủ quan, lơ là

Nhấn mạnh năng lực xét nghiệm là vô cùng quan trọng trong cao điểm chống dịch hiện nay, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương căn cứ trên kịch bản tình huống 30.000 người nhiễm được Bộ Y tế xây dựng để chuẩn bị nhân lực, vật lực cho mình. Theo yêu cầu, các bệnh viện có hơn 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Cùng với yêu cầu nâng năng lực xét nghiệm lên hàng chục lần, về vấn đề điều trị, lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trung ương bố trí đủ nhân lực phục vụ người bệnh; chăm sóc toàn diện cho người bệnh để kiểm soát nhiễm chéo, phòng dịch. Đặc biệt phải đủ nhân lực trong trường hợp bệnh viện bị cách ly, phong tỏa. Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện cả nước có 38 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đợt dịch này, tỷ lệ cao các ca bệnh đang được điều trị không có triệu chứng (khoảng hơn 80%). Đó cũng là yếu tố cảnh báo nguy cơ tồn tại mầm bệnh trong cộng đồng khiến dịch còn tiếp tục lây lan. PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: "Đã có những ca bệnh nặng nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được. Ngay cả khi ghi nhận ít ca bệnh nặng hơn đợt dịch trước, thì vẫn không thể chủ quan vì có thể ngày mai sẽ có các diễn tiến khác. Thực tế các đợt dịch trước, có bệnh nhân nhập viện chỉ biểu hiện nhẹ, nhưng hai - ba ngày sau nặng rất nhanh". Cũng theo ông Khuê, liên tục trong hai ngày 10 và 11-5, các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn trực tuyến điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Vì thế, không thể đánh giá vi-rút đợt này chỉ lây bệnh nhẹ, vì đây là vi-rút mới, chúng ta chưa thể hiểu hết về mức độ biến đổi nên tuyệt đối không chủ quan.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, những ngày tới Việt Nam vẫn có thể ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng, không chỉ ở Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng mà cả ở địa phương khác. Bên cạnh giải pháp là khoanh vùng diện rộng, lấy mẫu, truy vết, xét nghiệm nhanh, cách ly gọn nhất có thể; thì mỗi địa phương vẫn cần có những ưu tiên, giải pháp riêng cho địa phương mình. Chẳng hạn, khác các tỉnh khác, Bắc Ninh có nhiều cụm - khu công nghiệp. Tương tự tình hình ở Hải Dương vừa qua, Bắc Ninh phải lưu ý các khu vực, như các nhà máy, khu công nghiệp, cộng đồng, bệnh viện. Trong khi đó, tại Hà Nội cần chú ý ca bệnh ở cộng đồng, khu công nghiệp và bệnh viện. Thủ đô là nơi tập trung các bệnh viện tuyến cuối, trong đó có cả bệnh viện điều trị Covid-19, các địa phương đều chuyển bệnh nhân về, nguy cơ vì thế cũng rất cao.

Để phòng, chống dịch tốt, mỗi người dân không được chủ quan lơ là, tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, hạn chế tối đa các hoạt động nơi đông người, giảm bớt các hoạt động không cần thiết, vì lợi ích của chính mình và cộng đồng.