Góp phần tạo “hệ miễn dịch” cho thế hệ công dân số mới

Không gian mạng được xem như một “vùng đỏ” nguy hiểm đối với trẻ em. Thế nhưng, nếu trẻ em được trang bị những kỹ năng cần thiết thì đây lại là môi trường có thể tạo nên nhiều cơ hội. Vì vậy, nhiều nhóm bạn trẻ đang nỗ lực, sáng tạo để hỗ trợ hướng dẫn các em nhỏ tương tác an toàn trong “vùng đỏ”.

Một buổi học về an toàn trên không gian mạng.
Một buổi học về an toàn trên không gian mạng.

1. Vụ việc nhóm trẻ em bị tấn công nhằm chiếm đoạt group Facebook được nhắc đến trong bài Nhận diện “vùng đỏ” (Nhân Dân cuối tuần số 38, ra ngày 19/9), khi nhóm tìm đến với sự giúp đỡ thì group đã mất. Theo lời kể của bạn nhóm trưởng, các bạn trong nhóm liên tục nhận được tin nhắn đe dọa, uy hiếp. Và cuối cùng, do sợ rằng thành viên nhóm sẽ bị ghép mặt vào ảnh nhạy cảm, link độc nên nhóm trưởng đành phải trao quyền quản trị nhóm cho kẻ xấu.

Tuy nhiên, nhóm các em nhỏ này không phải là trường hợp duy nhất bị tấn công vì kẻ xấu vẫn tiếp tục dùng nick giả mạo để chiếm đoạt các group khác. Do đó, để “bật chế độ cảnh báo” và nâng cao nhận thức cộng đồng về nạn đe dọa, bạo lực mạng, CyberHotline đã cùng nạn nhân đưa câu chuyện này ra ánh sáng thông qua chiến dịch truyền thông “Speak To Stop”. Ngay khi câu chuyện trên được đưa lên, nhiều nhóm Facebook do các bạn trẻ cùng nhau xây dựng cũng thể hiện sự đồng cảm, bởi đều đã trải qua. Vậy nhưng, điều đáng chú ý là có đến 60% số trẻ em được hỏi không sẵn sàng chia sẻ vấn đề mà mình gặp phải trên mạng với bố mẹ hay người giám hộ, 5% trẻ không biết mình có thể chia sẻ với ai. 

Trong chiến dịch này, CyberHotline cũng hướng dẫn cho nạn nhân và các bạn trẻ một số cách để tự bảo vệ mình trước những kẻ tấn công như: thu thập bằng chứng bị đe dọa (hình ảnh giao dịch, trang web giả mạo mà đối tượng tạo ra, thông tin tài khoản lừa đảo), sau đó báo cáo (report) ngay đến Facebook, đồng thời thông báo cho cơ quan chức năng ngay khi phát hiện ra các hành vi trên. 

2. CyberKid Vietnam được thành lập vào tháng 9/2020. Ban sáng lập gồm năm thành viên cùng nhau xây dựng những ý tưởng ban đầu và đặt nền móng cho bốn giải pháp chính: CyberSchool (tuyên truyền tại trường học), CyberClass (khóa học online miễn phí), CyberHotline (đường dây nóng tư vấn) và CyberHome (giải pháp dành cho phụ huynh). 

Mọi hoạt động được cập nhật trên trang Facebook CyberKid Vietnam với hơn 11.000 người theo dõi, và trang web https://cyberkid.vn/. Sau hơn một năm hoạt động, hiện nay CyberKid là tổ chức xã hội với hơn 100 thành viên nhiệt huyết và tài năng. Phần lớn các bạn đều là sinh viên, du học sinh đến từ các trường đại học danh tiếng trong nước và quốc tế. 

Về câu chuyện ra đời của tổ chức, bạn Phạm Hà Linh - Trưởng phòng Giải pháp CyberSchool, chia sẻ: “Chúng mình trực tiếp thấy các em, các cháu chung quanh sử dụng internet thường xuyên nhưng thiếu đi sự định hướng của gia đình và nhà trường, dẫn tới việc các em phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ trên không gian mạng. Tuy nhiên các em chưa đủ nhận thức và khả năng để nhận biết và tự bảo vệ bản thân. Từ thực tế đó, chúng mình muốn tạo ra các giải pháp để bảo vệ chính người thân của mình nói riêng và trẻ em Việt Nam nói chung”. 

Đội ngũ thành viên, tình nguyện viên đã tổ chức hàng nghìn buổi học miễn phí, từ các trường học tại Hà Nội, tới các khu vực miền núi phía bắc. “Giáo án để đưa vào giảng dạy là do CyberKid tự xây dựng và gửi tới các chuyên gia tại Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam. Sau đấy, khi triển khai giáo án trực tiếp đến nhà trường, chúng tôi tiếp tục nhận lời góp ý từ phía thầy cô” - Nguyễn Như Quỳnh, đồng sáng lập và Chủ tịch của CyberKid cho biết.

Ngoài việc nâng cao nhận thức của các em trên không gian mạng thì việc phối hợp hỗ trợ từ chính phía cha mẹ và gia đình cũng vô cùng quan trọng. Khi người lớn được cập nhật và trang bị những kỹ năng số cơ bản, sẽ có thể vận dụng nguồn kiến thức được học để có thể hỗ trợ, bảo vệ và đồng hành cùng con trong thời đại tiếp cận công nghệ nhanh chóng hiện nay. CyberKid đã triển khai giải pháp CyberHome dành cho các bậc phụ huynh, bằng các video chỉ năm phút mỗi ngày giúp trang bị một số kỹ năng số thiết yếu, để có thể đồng hành cùng con khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng. 

Đứng sau CyberKid là một đội ngũ Ban Cố vấn với 12 thành viên. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực như giáo dục, pháp lý, công nghệ thông tin, hỗ trợ, tư vấn và đóng góp cho các ý tưởng, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; cách thức quản lý phát triển nhân lực, đối tác; tư vấn pháp lý, bảo đảm vận hành hiệu quả của tổ chức. Với “chỗ dựa” vững chắc như vậy, lại thêm nhiệt huyết cống hiến, CyberKid Vietnam đang có những bước đi tích cực trong hành trình hỗ trợ thế hệ công dân số Việt Nam mới.