Gỡ vướng cho một chính sách thiết thực

Được xây dựng với mục đích nhân văn và có ý nghĩa đòn bẩy cho thị trường lao động, vậy nhưng, Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg lại có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa đạt yêu cầu. Trong nhiều nguyên nhân, có một phần từ chính ngành chức năng, với tâm lý: dễ làm, khó bỏ.

Cần mau chóng đưa chính sách nâng cao kỹ năng nghề vào cuộc sống. Ảnh: VĂN LÝ
Cần mau chóng đưa chính sách nâng cao kỹ năng nghề vào cuộc sống. Ảnh: VĂN LÝ

Vào cuộc chưa quyết liệt

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc triển khai chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), thông tin, tính đến hết tháng 3/2022, tổng hợp báo cáo của các địa phương mới có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100 nghìn lao động, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng. Vùng Đông Nam Bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất; vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên, chưa có chủ sử dụng lao động nộp hồ sơ.

Qua quá trình thực hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ghi nhận không ít vướng mắc. Chẳng hạn, Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg được duyệt trong cuối quý III và quý IV/2021, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên không thực hiện đào tạo được. Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp lớn chưa mặn mà với chính sách này, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra một số địa phương chưa quan tâm thực hiện, còn tâm lý e ngại và sợ trách nhiệm...

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, chính sách trên chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Ông Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là sự vào cuộc của các cơ quan, của một số địa phương, kể cả trong ngành chưa thật sự tốt khi còn tồn tại tư tưởng: cái dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh. Ngoài ra, quá trình triển khai chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhận định của lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là hoàn toàn xác đáng, bởi trong hội nghị trao đổi giải đáp việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP, diễn ra vào ngày 22/4 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho biết từ trước đến nay chưa được thông tin, hướng dẫn về chính sách này, một số doanh nghiệp nghĩ đây là chính sách mới được ban hành. Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Nhân sự Công ty may mặc Quảng Việt (đóng tại huyện Củ Chi) cho hay: Trước khi đến dự hội nghị tôi cứ nghĩ là chính sách này mới, không ngờ chính sách đã được triển khai từ năm 2021.

Nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống

Tại tỉnh Lạng Sơn, Công ty TNHH Bảo Long (huyện Cao Lộc) và Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (TP Lạng Sơn) là hai doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được thụ hưởng chính sách này. Tổng số tiền hai đơn vị được hỗ trợ là 426 triệu đồng với 142 người lao động được hỗ trợ. Ông Nguyễn Đức Linh, Trưởng phòng Sản xuất Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật chia sẻ: Đây là một chính sách nhân văn, sẽ giúp các doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn.

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho rằng, chính sách nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc tham gia thực hiện chính sách cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động và nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường.

Chính vì vậy, để chính sách nhân văn và có ý nghĩa đòn bẩy đối với thị trường lao động trong giai đoạn phục hồi hiện nay sớm được triển khai và mang lại tác động thực tế, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt cần tập trung làm thật tốt công tác phê duyệt các hồ sơ, cần xác định đây là một trong những công việc quan trọng trong hai tháng tới; phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các sở đôn đốc thực hiện chính sách, đồng thời, quyết liệt chỉ đạo: "Vướng ở đâu, vướng gì, không cần phải văn bản nhiều, gọi điện thoại về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm. Nếu đơn vị nào vướng mắc gì vượt quá thẩm quyền của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục, cần thiết thì gọi điện thẳng cho Bộ trưởng, tôi sẵn sàng lắng nghe các đồng chí để giải quyết cho bằng được"