Giúp bệnh nhân Covid-19 nguy kịch hồi sinh

Những ngày này, có mặt trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 nguy kịch tại TP Hồ Chí Minh càng cảm nhận sâu sắc hơn ranh giới mất - còn. Ở nơi ánh sáng không bao giờ tắt, sự sống được hồi sinh một cách kỳ diệu.

Trong phòng điều trị bệnh nhân nguy kịch ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Trong phòng điều trị bệnh nhân nguy kịch ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Theo sát từng nhịp thở

Nhiều đêm canh từng nhịp thở của bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) ước rằng: Đây là trận chiến cuối cùng! 

Ngay khi TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 với quy mô lớn nhất nước, 1.000 giường bệnh trên cơ sở trưng dụng một phần cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, bác sĩ Linh đã xung phong đứng vào đội ngũ những con người can trường nhất. 

Đã bao ngày đêm trôi qua, các bác sĩ trong phòng bệnh nhân nguy kịch này không còn khái niệm thời gian nữa. Chỉ còn quyết tâm xuyên suốt là dốc hết tâm lực giúp người bệnh thoát “cửa tử”. Từng trải qua nhiều phòng hồi sức đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Trần Thanh Linh rút ra kinh nghiệm, ở giai đoạn nguy kịch phải chú ý sát sao đến các dấu hiệu sinh tồn. Nắm kỹ các bệnh nền để có biện pháp xử lý kịp thời. Còn với điều dưỡng Thu Trang, cũng có mặt ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, cảm giác cứu được bệnh nhân như cứu người ruột thịt của mình vậy. 

Tham gia điều hành, liên tục có các chỉ đạo kịp thời với từng bệnh nhân thở ECMO, thở oxy, bác sĩ chuyên khoa II Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khẳng định: Tất cả người bệnh đều được chăm sóc tận tình bởi đội ngũ y, bác sĩ tinh nhuệ… Ngay từ ngày đầu tiên triển khai, lãnh đạo Thành ủy, thành phố và Bộ Y tế đã thăm, giám sát kỹ và cam kết hỗ trợ ngay từ đầu. Sẽ có cơ chế đặc thù giải quyết nhanh như: việc ăn, ở của nhân viên, thành phố sẽ lo. Trang thiết bị do thành phố và Bộ Y tế điều phối. Nhân sự cũng được sự điều động từ thành phố và Bộ Y tế. Có thể khẳng định, cả hệ thống chính trị sát cánh cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. 

Quyết tâm giành lấy sự sống ở những thời khắc khó khăn nhất, chính bác sĩ Bàn Văn Cường, một trong số bác sĩ xung phong từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện đa khoa Gò Vấp, cũng cảm thấy bất ngờ khi có thể giúp những bệnh nhân nặng gấp đôi mình trong những tình huống khó khăn, khẩn cấp. “Dù mệt rã rời, nhưng thấy người bệnh tiến triển hơn, là trong lòng lại thấy chộn rộn niềm vui”, đôi mắt bác sĩ Cường lấp lánh niềm vui.

Giành lại sự sống

Bên giường bệnh nhân Covid-19 đang khó nhọc thở oxy tại phòng bệnh nhân nặng, nguy kịch thuộc Bệnh viện đa khoa Gò Vấp, bác sĩ Phạm Minh Trí ánh lên vẻ lo âu. Anh giãi bày: “Có bệnh nhân nhớ nhà đến quay quắt. Có người không vệ sinh được. Có người già còn không tự cầm được nước uống... Tất cả điều này chúng tôi phải làm hết. Bởi vậy, phải tiết kiệm từng phút. Có hôm trong người nóng nực, sắp hết ca trực rất mệt, nhưng thấy cái vẫy tay yếu ớt từ người bệnh lại “xốc” tinh thần lên, vui vẻ đến giúp họ…, không ai nề hà việc gì hết. Có đêm khuya, hết ca trực, về nằm vừa nhớ nhà, vừa nhớ bệnh nhân. Biết là ở viện thì luôn có đủ nhân viên y tế túc trực, nhưng trong lòng cứ dâng lên câu hỏi, không biết bây giờ bệnh nhân hồi chiều ra sao, liệu đã khỏe hơn lên chưa?”.

Nguyện dùng hết sức trẻ của mình theo dõi từng động tĩnh của bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19, điều dưỡng Thanh Ngọc chia sẻ: Khi nào hết dịch mới về nhà. Suốt ca trực 8 tiếng, ai cũng rèn luyện cách chịu đựng: không đi vệ sinh, không ăn uống… vì mỗi lần mặc bộ đồ bảo hộ vào phòng bệnh nhân nguy kịch quy định rất chặt chẽ. Tất cả phải tiết kiệm thời gian giành giật sự sống cho bệnh nhân. Những phút gọi về cho người thân cũng ngắn gọn đến mức tối đa…

Chiều muộn ngày 20/7 với mọi người ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là một dấu ấn đáng nhớ. Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ trong hạnh phúc rằng: Đã có nhiều cuộc hồi sinh. Cụ thể, chưa đầy một tuần lễ điều trị đã có 106 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch trở về mức độ vừa và nhẹ. 

Còn theo thông tin tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cung cấp, quy mô 1.000 giường điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 được triển khai theo từng giai đoạn. Tính đến ngày 20/7, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 249 bệnh nhân. Dự kiến chuẩn bị tiếp nhận thêm 460 bệnh nhân và nâng công suất dần. 

Cũng trong ngày 20/7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt yêu cầu, trong thời gian còn lại khi thực hiện Chỉ thị 16, phải giảm số ca F0 tăng mới trong khu cách ly, phong tỏa; tập trung nguồn lực điều trị cho các ca F0, F0 nặng, người có bệnh nền, hạn chế ca tử vong; đồng thời rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển các ca F0 có dấu hiệu chuyển nặng tại tuyến dưới lên tuyến trên… Những tin vui trong điều trị bệnh nhân nặng tại TP Hồ Chí Minh mang đến nguồn sức mạnh tinh thần quý giá không chỉ đối với bệnh nhân, người nhà mà còn khiến cho cộng đồng thêm sức mạnh, đồng lòng, chiến đấu với dịch bệnh.