Giảm thời gian điều trị, cách ly và những tác động

Với tốc độ gia tăng ca mắc Covid-19 ở mức bốn con số (hơn 1.000 ca/ngày), ngành y tế đang nỗ lực chuẩn bị phương án 50 nghìn giường điều trị nhằm chủ động ứng phó tình huống xấu nhất. Chiến lược mới sẽ điều chỉnh giảm thời gian nằm viện với bệnh nhân Covid-19 và giảm thời gian cách ly tập trung còn 14 ngày.

Các y, bác sĩ thể hiện quyết tâm trước khi vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phòng, chống dịch. Ảnh: AN ĐĂNG
Các y, bác sĩ thể hiện quyết tâm trước khi vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phòng, chống dịch. Ảnh: AN ĐĂNG

Ba kịch bản ứng phó hậu giãn cách

Tính đến sáng 13/7, TP Hồ Chí Minh đang điều trị 14.396 bệnh nhân Covid-19 (F0), số ca bệnh liên tục tăng cao đang tạo áp lực rất lớn, nhân lực và vật lực phục vụ điều trị đang quá tải. Ðáng chú ý, các bệnh viện dã chiến, nơi điều trị cho bệnh nhân nhẹ hoặc không có triệu chứng đang rất thiếu hụt nhân viên y tế. Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 đóng tại ký túc xá Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh viện có khoảng 4.500 bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng chỉ có 75 bác sĩ, 120 điều dưỡng viên. Trung bình mỗi bác sĩ phải căng mình theo dõi, chăm sóc, điều trị cho khoảng 60 bệnh nhân.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sắp tới thành phố sẽ phải cần khoảng 1.500 bác sĩ (200 bác sĩ hồi sức), cùng 5.500 điều dưỡng viên (800 - 1.000 điều dưỡng hồi sức) và kỹ thuật viên để bổ sung nhân sự cho khối điều trị. Ðể hỗ trợ cho thành phố, Bộ Y tế huy động khoảng 7.000 người từ Trung ương, các địa phương vào chia lửa để giảm tải cho các lực lượng y tế tuyến đầu.

Cũng trong những ngày qua, TP Hồ Chí Minh tập trung vào ba tuyến phòng, chống dịch: tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm với nỗ lực tách F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất. Tuyến hai là cách ly, thu dung, điều trị F0, tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng. Tuyến ba là tập trung tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ có ba tình huống có thể xảy ra sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, thành phố ngăn chặn và kiểm soát được dịch Covid-19 và xem xét thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 "trừ", Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 tùy theo diễn biến dịch. Thứ hai, thành phố chưa thể kiểm soát và dịch vẫn gia tăng, khi đó phải tiếp tục Chỉ thị 16, thậm chí là tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 "cộng" ở một số địa bàn. Tình huống ba không ai mong muốn, là dịch gia tăng mạnh và mất kiểm soát, lúc đó thành phố phải tính toán phong tỏa kèm biện pháp mạnh hơn để ứng phó hoặc sẽ có một cách tiếp cận khác.

Thách thức trong thực thi quy định mới

Tối 13/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản về việc thực hiện thí điểm cách ly tại nhà đối với F0 không có triệu chứng là nhân viên y tế. Ngoài ra, các F0 không triệu chứng đang điều trị tại các bệnh viện, xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp), chuyển cách ly tại nhà nếu bảo đảm điều kiện an toàn, chống lây nhiễm. Cơ quan y tế địa phương tổ chức đội theo dõi sức khỏe hằng ngày của các F0 cách ly tại nhà, nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng phải khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.

Cùng đó, căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân Covid-19. Theo kết quả nghiên cứu từ khoảng 20 nghìn bệnh nhân cho thấy, có gần 70% số bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7-10 ngày từ khi phát hiện dương tính. Theo đó, với các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu hai lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc hai lần xét nghiệm dương tính, nhưng chỉ số nồng độ virus thấp thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.

Về vấn đề cách ly, căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Mỹ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) với các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.

Cùng với những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 áp dụng phù hợp tình hình, các chuyên gia cho rằng, điều quyết định nhất là từng người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm giãn cách xã hội. Các cơ quan chức năng, lực lượng trực tiếp phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ của mình mới có thể đạt hiệu quả cao nhất trong phòng, chống dịch ■