Đồng lòng vượt khó

Những ngày toàn thành phố nghiêm túc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đời sống của người dân, từng hộ gia đình và biết bao doanh nghiệp lớn nhỏ đều chịu tác động sâu sắc. Nhiều giải pháp đang được rốt ráo bàn thảo, thực thi để bảo đảm không có ai, không có doanh nghiệp nào bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: THANH VŨ
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ảnh: THANH VŨ

Hỗ trợ người dân: Chuyển tiền nhanh, minh bạch

Ngày 12/7, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Loan (65 tuổi) ở đường Ðinh Tiên Hoàng, phường Ða Kao, quận 1 rất đỗi vui mừng khi được cán bộ phường đến tận nhà trao tiền hỗ trợ. Gia đình bà Loan có bốn người đều làm nghề bán hàng rong, giờ khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ chính quyền giúp họ không đứt bữa. Cách nhà bà Loan không xa, ông Vương Chí Tài (72 tuổi) làm nghề bán vé số cũng nhận được tiền hỗ trợ từ cán bộ phường. Ông Tài tâm sự, khoản hỗ trợ của chính quyền và phần quà từ các nhà hảo tâm đã giúp gia đình ông yên tâm thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Chỉ riêng phường Ða Kao đã có gần 750 người là lao động tự do, bán vé số, hàng rong, chạy xe ba gác, giao hàng bằng xe thô sơ... cần hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng. Sau khi tổ dân phố nộp danh sách, UBND phường tiến hành xét duyệt trong ba ngày làm việc và chi trả sau khi UBND quận 1 đồng ý.

Nhìn chung, công tác triển khai hỗ trợ ở các phường lần này khá nhanh, bởi từ cuối tháng 5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có bước chuẩn bị cho việc hỗ trợ lao động khi thực hiện giãn cách. Sang đầu tháng 6, ngành lao động đề nghị chính quyền TP Thủ Ðức và 21 quận, huyện rà soát, thống kê lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập, lập danh sách. Theo đại diện các phường, do dữ liệu lao động được lưu trữ trong lần hỗ trợ của năm 2020, cho nên lần này chính quyền chỉ cần cập nhật thêm để sớm hoàn thiện thủ tục. Cũng có nhiều cách làm mới như các khu phố thống kê lao động tự do, không có hợp đồng với những thủ tục tối giản. Tổ dân phố, chính quyền phường họp trực tuyến lẫn trực tiếp để đẩy nhanh việc xét duyệt...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số địa phương triển khai chi trả gói hỗ trợ rất chậm. Theo báo cáo ngày 12/7, những địa phương có nhóm giải ngân thấp nhất là quận Gò Vấp và quận Tân Bình với lần lượt mức đạt là 1,46% và 5,68%; TP Thủ Ðức chỉ đạt 5,79%, quận Bình Tân: 9,42% số người thuộc diện được hỗ trợ.

Trong căn nhà trọ trên đường Bến Vân Ðồn, phường 8, quận 4, TP Hồ Chí Minh, ông Lê Trung Tính, quê ở Bình Thuận lên thành phố làm công việc phụ hồ, rối bời lòng dạ vì không nhìn đâu ra nguồn để trả 2,5 triệu đồng tiền trọ mỗi tháng. Ðó là chưa kể vợ chồng ông còn đang phải lo cho đứa con út học cấp ba. Phập phồng nhất là dù cả hai đều mất việc nhưng vợ chồng ông vẫn chưa biết có được nhận hỗ trợ từ chính quyền không.

Đồng lòng vượt khó -0
 Người dân phường Đa Kao, quận 1 nhận hỗ trợ của chính quyền TP Hồ Chí Minh.

Chỉ đạo công tác triển khai gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan yêu cầu: Việc chi hỗ trợ phải kịp thời, triển khai nhanh mà không phiền hà, làm nhanh mà có hiệu quả nhất và công khai, minh bạch, đúng đối tượng không để lợi dụng chính sách. Trong vòng bảy ngày từ thời điểm nhận được hồ sơ, các cơ quan chức năng phải thẩm định, phê duyệt và chi trả ngay tiền hỗ trợ. "Chính quyền cũng phải có phản hồi lại người dân nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ và thời gian gói hỗ trợ được thực hiện trong tháng 7/2021 và kết thúc vào tháng 8/2021", Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Doanh nghiệp: "3 tại chỗ" thực hiện nhiệm vụ kép

Tính đến chiều 13/7, thành phố Hồ Chí Minh có 15/16 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã bị dịch Covid-19 tấn công. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động sản xuất, ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời gian giao hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu.

Cũng trong ngày này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khi bảo đảm một trong hai trường hợp. Một là, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": Chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân, có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung… Việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh được trông đợi sẽ giúp ngăn chặn đà lây nhiễm giữa nơi sản xuất và nơi ở. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được chỉ đạo trên, phải dừng hoạt động cũng là trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận để giữ được "thế trận chung" cho những doanh nghiệp còn lại ổn định được sản xuất.

Thực hiện "3 tại chỗ" đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ kép. Nhưng với hầu hết doanh nghiệp, điều này là không hề đơn giản. Sau khi 29/250 doanh nghiệp ở Khu chế xuất Tân Thuận bị phong tỏa, ngưng hoạt động do phát hiện ca nghi nhiễm, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình thế hết sức khó khăn nếu bị phong tỏa dài ngày. Ông Hoàng Xuân Thái, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc cho biết, công ty có năm xưởng sản xuất tại Khu chế xuất Tân Thuận với 8.000 công nhân. Tuy nhiên, sáng 12/7 đã bị phong tỏa bốn xưởng và chỉ còn lại một xưởng được hoạt động, nhiều công nhân đã nghỉ ngang do lo ngại dịch bệnh, khiến nguồn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. "Việc phong tỏa do dịch trên địa bàn sẽ làm chậm tiến độ các đơn hàng của công ty. Ðơn nào cần gấp công ty sẽ ưu tiên và dồn lực cho phân xưởng duy nhất còn lại sản xuất. Tuy nhiên, dù có làm hết công suất cũng khó đáp ứng đầy đủ các đơn hàng cho khách và đang khá chật vật phải xin lỗi khách hàng", ông Thái chia sẻ. Nhiều doanh nghiệp ở các quận khác cũng lâm vào cảnh bị "đóng băng" chuỗi cung ứng. Là doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn nhất TP Hồ Chí Minh, mới đây đại diện Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, cho biết có hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc tính đến ngày 12/7.

Trước tình thế nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất, có ý kiến quan ngại về sự "đứt gãy" chuỗi sản xuất. Nhưng cũng có những góc nhìn bình tĩnh hơn. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Khu chế xuất - khu công nghệ TP Hồ Chí Minh (HBA) cho rằng, sản xuất có thể bị gián đoạn nhất định, nhưng nếu nói đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì không hoàn toàn chính xác. Ðể sớm ổn định sản xuất, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, chỉ nên đóng cửa phân xưởng nào có công nhân là F0 và nhanh chóng khoanh vùng, cách ly ca F1.

Ông Ngô Tùng Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần logistics Ngọc An, chuyên cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển do phải có "giấy thông hành" là giấy xét nghiệm âm tính đối với các lái xe khi đi qua các địa phương. Nếu thực hiện xét nghiệm ba ngày một lần, doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. "Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp mong được hỗ trợ tiêm vaccine sớm cho các lái xe để nâng cao an toàn công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ðây cũng là giải pháp căn cơ để khống chế dịch và giảm được nhiều chi phí xét nghiệm cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải", ông Ngô Tùng Bảo kiến nghị.

Liên quan đến gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, do chưa có quy định rõ ràng đối tượng được thụ hưởng khoanh nợ, giảm lãi suất, hoãn đóng các loại thuế, phí… cho nên doanh nghiệp còn lúng túng về mặt thủ tục để nhận được hỗ trợ. Trên thực tế, nếu đưa ra những điều kiện ràng buộc mà doanh nghiệp không đáp ứng được thì rất khó thực thi. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn chờ những động thái rõ ràng hơn để những chính sách an sinh xã hội, phục hồi sản xuất thật sự hiệu quả, đi vào cuộc sống ■