Dạy nghề, lại "nóng" chuyện liên thông, liên kết!

Nhiều trường đào tạo nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị: Nếu Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS theo học trung cấp nghề cần học bốn môn văn hóa, đồng nghĩa cơ hội học liên thông lên hệ đại học bị đóng lại. Các trường cũng khẳng định, đủ khả năng giảng dạy kiến thức THPT thay vì liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay.

Giờ thực hành nghề tại Trường cao đẳng Hậu Giang (ảnh chụp trước thời điểm giãn cách vì Covid-19). Ảnh: HẠ AN
Giờ thực hành nghề tại Trường cao đẳng Hậu Giang (ảnh chụp trước thời điểm giãn cách vì Covid-19). Ảnh: HẠ AN

Không khó để thấy nhiều trường nghề đã và đang chiêu sinh bằng điều kiện xét tuyển cùng những "hứa hẹn" mập mờ: Tốt nghiệp THCS với hệ trung cấp, tốt nghiệp THPT với hệ cao đẳng; liên thông cao đẳng: 1 năm, liên thông đại học: 2 - 2,5 năm. Có trường trung cấp nghề ở Hà Nội thì nhấn rõ trên quảng cáo tuyển sinh: "Sau ba năm được cấp hai bằng: Trung cấp và THPT quốc gia". Thậm chí lại có trường cao đẳng còn "nổ": "Cao đẳng 9+. Nhận hai bằng sau tốt nghiệp, bằng chính quy cao đẳng/trung cấp, bằng tốt nghiệp THPT"; "15 tuổi tốt nghiệp THCS, 18 tuổi tốt nghiệp cao đẳng/trung cấp và hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông, 20 tuổi tốt nghiệp đại học".

Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định, học viên trường nghề muốn học lên trung cấp, cao đẳng phải có kiến thức văn hóa phổ thông (bốn môn văn hóa). Nhìn vào thực tế, liệu trường nghề có đủ điều kiện đào tạo song song và học viên trường nghề liệu có khả năng hoàn thành cả chương trình nghề lẫn chương trình THPT chỉ trong khoảng hai đến ba năm?

Trước hết, cần thấy rõ mục tiêu đào tạo của trường nghề và trường THPT hoàn toàn khác nhau nên cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên là rất khác nhau. Trường nghề là đào tạo nghề, đào tạo lao động chứ không phải nâng cao trình độ học vấn. Những môn văn hóa phải có trong trường nghề (Toán và Ngữ văn là bắt buộc) cũng là những môn phục vụ cho việc học nghề. Trong khi đó, trường THPT là nơi đào tạo văn hóa và nâng cao trình độ văn hóa. Chưa kể nhiều trường dạy nghề chưa chắc đã có lực lượng giáo viên THPT cũng như chuyên môn để dạy văn hóa đáp ứng theo yêu cầu của Luật Giáo dục hiện hành (phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên, trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân sư phạm thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm - PV).

Không ít ý kiến thẳng thắn: Những học sinh theo học nghề, chỉ một số ít có khả năng theo học THPT, còn phần lớn là năng lực học không cao. Ngay những người theo học hệ giáo dục thường xuyên, năng lực đã đuối hơn so với học sinh học THPT. Do đó, việc trong hai đến ba năm, những học sinh ấy vừa phải hoàn thành chương trình giáo dục thường xuyên, vừa hoàn thành chương trình nghề - liệu có quá sức!?

Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cũng khẳng định, thời gian qua, dù trường nghề vẫn được liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy bảy môn văn hóa, nhưng với chỉ hai đến ba năm vừa học nghề vừa học văn hóa như thế là quá tải với học sinh, cũng như khó có thể hoàn thành cả hai mục tiêu. Trung tâm này phân tích: Học sinh học nghề rút ngắn hai kỳ học so với học sinh THPT. Thời gian thực hành của học sinh học nghề lại chiếm tỷ lệ không nhỏ: 25% - 45% lý thuyết, 55% - 75% thực hành/ thực tập/ thí nghiệm với trình độ trung cấp và 30% - 50% lý thuyết, 50% - 70% thực hành/ thực tập/ thí nghiệm với trình độ cao đẳng.

Bàn về sức ép đối với người học, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) nhận định: Liên thông không chỉ có phần nội dung như quan điểm của nhiều người. Bản thân giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên vốn đã là hai hình thức tổ chức khác nhau, nếu không tổ chức dạy - học chặt chẽ theo quy chế giáo dục THPT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, không bảo đảm được chuẩn đầu ra, không thể lấy công nhận giáo dục thường xuyên đặt ngang hàng công nhận giáo dục THPT được. Hai hệ đào tạo này, dù không phân biệt, nhưng phải có điều kiện là cùng đạt chuẩn đầu ra bằng kiểm tra/ đánh giá trên thực tế, chứ không phải cứ học xong là tự động được thừa nhận liên thông.

Như nhận định của một số nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục, sau khoảng 20 năm không thu hút được người học, hiện nay không ít trường đào tạo nghề chọn lối thoát cho mình bằng việc tìm cách đào tạo ra những người học nghề "có thể vào đại học". Tuy nhiên, theo quy định của luật pháp hiện hành, chỉ Bộ Giáo dục và Ðào tạo được quy định đào tạo bậc THPT nên các trường nghề (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) không có quyền vừa công nhận tốt nghiệp trường nghề, vừa công nhận tốt nghiệp giáo dục phổ thông.

Nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, PGS,TS Trần Xuân Nhĩ nhìn nhận, đang có sự chồng chéo trong quy định, quản lý giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp.

Ngọc Minh Tâm