Chuyển động mới trong sưu tập mỹ thuật

Rất bất ngờ, những thống kê về thanh khoản công khai trong sưu tập nghệ thuật trên thế giới và ở Việt Nam, trong hơn hai năm đại dịch vừa qua, đã tăng và thậm chí là tăng kỷ lục. Điều này giúp phát lộ nhiều gợi ý về quy mô và chiến lược, nhằm thúc đẩy động lực sưu tập mỹ thuật trong nước.

Ngày càng có nhiều người trẻ dành thời gian đi xem triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam Ảnh: An Trung
Ngày càng có nhiều người trẻ dành thời gian đi xem triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam Ảnh: An Trung

Dành nhiều tiền hơn cho nghệ thuật

Thông tin từ nhà đấu giá Sotheby’s, một trong hai nhà đấu giá nghệ thuật lớn nhất thế giới hàng trăm năm nay (bên cạnh nhà Christie’s), cho hay: Trong năm 2021, tăng trưởng chung của họ ở mức kỷ lục, lên tới 70% so cùng kỳ năm trước. 40% số người đăng ký giao dịch đấu giá là đăng ký lần đầu, và trong số khoảng 7,3 tỷ USD thu về, có đến 800 triệu USD từ đấu giá trực tuyến.

Theo anh Trần Hải Đăng, một người sưu tập trẻ (dưới 40 tuổi) ở Việt Nam, riêng con số xấp xỉ 43 triệu USD thu về từ đấu giá tranh Việt Nam của hai nhà đấu giá Sotheby’s và Christie’s trong năm vừa qua là một con số rất đáng lưu ý, bởi, trong thực tế, tranh Việt Nam được đưa lên đấu giá ở hai sàn này chủ yếu do người Việt Nam mua. Không phải ngẫu nhiên mà nhà đấu giá Sotheby’s dự định sẽ sớm phát triển hoạt động ở Việt Nam. Cho đến nay, ở châu Á, Sotheby’s chỉ có điểm bán (nhà đấu giá) duy nhất tại Hồng Công (Trung Quốc) bên cạnh 11 đại diện chính thức ở một số nước, song chưa có ở Việt Nam. Các con số này ở các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ latin thường gấp nhiều lần.

Một điều đáng lưu ý khác, trong nước hiện nay, độ tuổi của giới sưu tập ngày càng trẻ. Số lượng người sưu tập dưới 40 tuổi có dấu hiệu tăng nhanh và có sự phân vùng khá rõ nét trong nhóm định hướng sưu tập chuyên nghiệp. Có người chỉ chuyên về dòng tranh thời Mỹ thuật Đông Dương, có người chú tâm vào dòng tranh trong thời kỳ kháng chiến cứu nước hoặc mỹ thuật hiện đại thiên về chủ đề này, có người lại chuyên chú với mỹ thuật đương đại (hội họa, điêu khắc, nghệ thuật đa phương tiện). Cách thức sưu tập của họ cũng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế là mua qua trung gian (người môi giới, gallery, các phiên đấu giá trong nước và quốc tế) chứ không mua trực tiếp từ tác giả để tránh tác động mang tính chất cảm tính cả về chất lượng nghệ thuật lẫn giá tiền.

Dưới 40 tuổi cũng là độ tuổi của nhiều người có thói quen mua tác phẩm mỹ thuật theo sở thích, có thể để trang trí nhà cửa, nhưng họ vẫn mua sáng tác mỹ thuật của họa sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi đàng hoàng chứ không chỉ còn dừng lại là mua những bức vẽ sao chép lại tranh của các họa sĩ hiện đại châu Âu nữa.

Để mua được một bức tranh, tượng có giá từ hàng chục triệu đồng trở lên, người mua chắc chắn phải ở tầng lớp trung lưu (chi tiêu tối thiểu 15USD hoặc 350.000 đồng/ngày) và giàu. Đây cũng là tầng lớp người có số lượng tăng nhanh ở Việt Nam trong vòng một thập niên qua. Một thống kê từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong giai đoạn 2011-2019, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng từ 7,8% dân số lên 20,2%. Ngân hàng Thế giới (WB) từng dự báo: Đến năm 2045, Việt Nam có khoảng 50% dân số gia nhập tầng lớp này.

Tạo cơ chế khuyến khích đầu tư/sưu tập nghệ thuật

"Làm thế nào để có thể định giá chuẩn mực, trong việc mua/bán sáng tác mỹ thuật nói chung?" là câu hỏi lớn cho tất cả các bên. Một chia sẻ từ anh Ace Lê-Trưởng ban Biên tập tạp chí Art Republik (phiên bản Việt Nam): Nhiều gallery ở Singapore đại diện cho nghệ sĩ đương đại Việt Nam có chung nhận định là giá bán sáng tác của các nghệ sĩ trẻ trong nước thường được đề xuất cao "một cách ngây thơ". "Ngay cả những tên tuổi nghệ sĩ đương đại Việt Nam ở tầm mức quốc tế mà tranh của họ cũng mới chỉ ở mức 20.000-50.000USD, thì không có lý gì mà một người trẻ hơn rất nhiều, chưa trải qua những bước phát triển theo lộ trình tiêu chuẩn quốc tế chung lại có thể đề xuất mức giá tương tự"-anh Ace Lê bày tỏ.

Còn theo anh Trần Hải Đăng, tại không ít phiên đấu giá nước ngoài, giá tranh của họa sĩ đương đại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá tranh tương tự (về kích thước, chất liệu, lịch sử sáng tác của chính họa sĩ đó) ở trong nước, điều này đặt ra những nghi vấn về chuyện "thổi giá", "lái tranh" đã xuất hiện, ngay từ khi thị trường mỹ thuật trong nước vẫn được coi là đang ở thời kỳ sơ khởi.

Những chia sẻ về giá bán mỹ thuật Việt Nam nói trên cho thấy, một trong những vấn đề lớn của thị trường mỹ thuật Việt Nam lâu nay là chưa có công cụ quản lý mạnh. Một gợi ý rất đáng lưu tâm là việc xem xét các sáng tác mỹ thuật như là tài sản chính thức, được phép thế chấp trong ngân hàng, sẽ giúp cho việc quản lý dòng tiền đầu tư cho mỹ thuật được công khai, minh bạch qua công cụ thuế. Chính sách vĩ mô này đồng thời thể hiện sự khuyến khích đầu tư, sưu tập mỹ thuật nội địa, thúc đẩy giá bán tác phẩm của nghệ sĩ tăng lên theo từng nấc thang như thông lệ quốc tế. Sự công nhận chính thức này ở trong nước còn thu hút nhà đầu tư, sưu tập nước ngoài vào Việt Nam hơn nữa, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh.

Tất nhiên, những nhà sưu tập trẻ thường không chờ đợi đến khi có đầy đủ công cụ chính sách vĩ mô thì mới bắt tay vào làm. Họ vẫn sưu tập và tiến tới mở không gian giới thiệu tới công chúng sưu tập của họ, như mô hình một bảo tàng thu nhỏ. Đây cũng chính là một cách công khai chiến lược sưu tập của họ, truyền cảm hứng, khuyến khích những người khác cùng chí hướng tham gia, qua đó góp phần thúc đẩy nhanh hơn việc tạo lập cơ chế chính sách quản lý phù hợp, hiệu quả.