Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021

Chưa hết âu lo!

Hiện 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã sẵn sàng tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 vào ngày 7 và 8/7 tới đây. Tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những điều chỉnh nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, song dư luận còn chưa hết băn khoăn.

Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 11/4/2021 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH
Học sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra ngày 11/4/2021 tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ĐĂNG ANH

Bảo đảm an toàn nhất có thể

Lo lắng là tâm trạng dễ hiểu lúc này, khi biến thể Delta của SARS-CoV-2 đang hoành hành ở các tỉnh, thành phố phía nam. 

Đến thời điểm này, theo lịch thi đã được chính thức công bố, các địa phương đều có sự chuẩn bị tích cực, cũng như xây dựng phương án khả thi để tổ chức kỳ thi trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn và nghiêm túc. Các địa phương đã tiến hành sàng lọc đối tượng thí sinh thành các nhóm F0, F1, F2 để có giải pháp phù hợp thực tiễn. Các Hội đồng thi đều đã chuẩn bị các điểm thi dự phòng cùng các phòng thi dự phòng nhằm sẵn sàng ứng phó các tình huống bất thường nếu có.

Đặc biệt, để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, kỳ thi năm nay dự kiến sẽ được tổ chức làm hai đợt. Đợt 1 (diễn ra ngày 7 và 8/7) dành cho các địa phương không có diễn biến mới và an toàn với dịch Covid-19 trong thời điểm này. Các thí sinh không thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch bệnh thì sẽ được dự thi đợt 2. Thời gian tổ chức thi đợt 2 sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và tình hình thực tiễn về diễn biến dịch bệnh. Giải pháp này - theo Bộ Giáo dục và Đào tạo -  là bảo đảm công bằng, quyền lợi cho các thí sinh giữa các đợt thi, nhất là quyền lợi trong công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.  

Còn những băn khoăn...

PGS, TS Nguyễn Xuân Nghị - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp - nhận xét: “Hai năm liên tiếp, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng những lo lắng rất lớn của thí sinh, phụ huynh và xã hội. Đã có những ý kiến cho rằng nên bỏ kỳ thi này. Song, khi kết quả của nó vẫn vừa dùng xét tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa dùng để xét tuyển sinh đại học, có nghĩa là kỳ thi này vẫn chưa thể bỏ được, khi chưa có giải pháp căn cơ cho tuyển sinh đại học”.

Nhà giáo Nhân dân Lưu Xuân Giới (Quảng Ninh) phân tích kỹ hơn: “Ý nghĩa của kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông và đánh giá năng lực học tập và mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh. Kỳ thi này nên dừng ở đó. Việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông khá tốn kém song chỉ nhằm lọc ra 2% số thí sinh trượt tốt nghiệp, có năm con số này chỉ hơn 1%, thì có nên tổ chức nữa hay không? Hay là nên trả kỳ thi tốt nghiệp này về cho địa phương theo đúng tiêu chí trên, bởi khi kỳ thi chỉ mang ý nghĩa đánh giá năng lực học tập của học sinh thì các địa phương hoàn toàn có thể chủ động thời gian, và sẽ không có nhiều áp lực như vẫn diễn ra”.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Việc phải thi tốt nghiệp Trung học phổ thông làm hai đợt đã nằm trong kịch bản tính toán của Bộ và kế thừa kinh nghiệm của năm 2020. Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học điều chỉnh phương thức, thời gian và chỉ tiêu tuyển sinh, để thí sinh thi đợt 2 vẫn được dự tuyển theo đúng nguyện vọng đã đăng ký. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng đề thi tương đồng về độ khó giữa các đợt khác nhau”.

Thực tế là năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý định bỏ ý nghĩa “2 trong 1” vì lo lắng không tổ chức được kỳ thi do dịch Covid-19 lan tràn. Nhưng cuối cùng cũng chỉ thay đổi tên gọi, từ Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chứ ý nghĩa “2 trong 1” - một trong những tiêu chí quan trọng và ảnh hưởng nhất của kỳ thi - vẫn còn nguyên giá trị. Năm đó, cũng đã có những trường đại học chủ trương thực hiện kỳ thi tuyển sinh riêng, nhưng vì nhiều lý do lại bỏ và tiếp tục theo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (lúc này được giao về địa phương, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn ra đề và kết quả vẫn dùng để xét tuyển sinh). Dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ hai, kỳ thi vẫn được tổ chức cùng sự lo lắng và những tốn kém cả về thời gian, tiền bạc, công sức. 

Xem ra đã đến lúc cần tổ chức lại kỳ thi sao cho phù hợp nhất với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu giáo dục phổ thông, đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình.