Chiến lược đúng cho chiến dịch chưa từng có

Song song việc khống chế mức độ lây lan của dịch ở TP Hồ Chí Minh thì chiến lược tăng tốc tiêm vaccine ngừa Covid-19 an toàn được triển khai rộng khắp trên thành phố.

Lực lượng y tế tư nhân tham gia tiêm chủng ở điểm nóng Bình Tân.
Lực lượng y tế tư nhân tham gia tiêm chủng ở điểm nóng Bình Tân.

Ðặc biệt nhiều người già, người có bệnh nền được nhân viên y tế chăm sóc tận tình, khám sàng lọc kỹ nên đã tự tin đi tiêm.

Chung sức, tận tâm

Theo lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, số ca nhiễm nhiều nên trong đợt tiêm thứ năm này, thành phố được phân bổ hơn 920 nghìn liều vaccine ngừa Covid-19. Ðến ngày 27/7 đã tiêm được hơn 62% số liều vaccine được phân bổ trên. Việc tiêm chú trọng cao đến yếu tố an toàn. Ðặc biệt là đối với số người già, người nhiều bệnh lý nền. Qua quá trình tiêm chỉ có một số trường hợp phản ứng thông thường, không có biến chứng nguy hiểm.

Ngoài lực lượng y tế công lập, trong chiến dịch tiêm chủng này, TP Hồ Chí Minh huy động đông đảo y tế tư nhân, các tình nguyện viên hỗ trợ đắc lực cho các điểm tiêm. Mỗi người tham gia đều có chung một khát vọng xuyên suốt là mong dịch bệnh sớm được khống chế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Bị men gan cao, tiểu đường khi biết vaccine đã được đưa về phường mình, ông Nguyễn Văn C (phường An Lạc A, quận Bình Tân) vẫn phân vân khi nhận thông báo mình được tiêm. Ông C bộc bạch: "Bình Tân đang là điểm nóng về cả số ca nhiễm và các khu dân cư bị phong tỏa. Lúc đầu cũng sợ tác dụng phụ nhưng được y tá cho xem tận mắt điểm tiêm được bố trí bài bản, an toàn, tôi đã tiêm và chỉ hơi sốt nhẹ".

Nhân viên các điểm tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh thường trực kết nối với số điện thoại của người dân trong suốt quá trình trước, trong và sau tiêm để kịp thời nắm bắt các thắc mắc, giải quyết và hướng dẫn thỏa đáng nên người dân tin tưởng và tích cực tham gia tiêm vaccine.

Là một trong những bệnh viện tư nhân sát cánh cùng chính quyền chống dịch, tiêm chủng, BS Nguyễn Thị Thanh Ngọc, đại diện Bệnh viện Thẩm mỹ Hiệp Lợi khẳng định: "Chúng tôi sẵn sàng đến điểm nóng Bình Tân. Những lúc cam go thế này tất cả cần chung sức, tận tâm. Nhiều ngày nay, bệnh viện tư nhân chúng tôi huy động 14 y, bác sĩ giỏi đi tiêm chủng. Ai cũng mong muốn sớm giảm ca lây nhiễm. Từng người trong đoàn được trang bị đầy đủ kiến thức tiêm và được trang bị bảo hộ theo đúng quy định".

Chủ tịch UBND quận Bình Tân, ông Nguyễn Minh Nhựt cháy bỏng mong muốn: Chiến dịch tiêm chủng đang đẩy mạnh. Ðịa bàn lại có đến 236 nghìn công nhân, lao động tại các khu nhà trọ. Vậy nên trong thời gian tới tiếp tục đề xuất lên cấp trên tiêm cho người lao động. Quận luôn mong các nhân viên y tế ngoài công lập chung tay để tiêm chủng được tốt hơn.

Người dân tin tưởng

Ngoài lực lượng tuyến đầu, các đối tượng ưu tiên theo quy định của Nhà nước như trước đây thì trong chiến dịch tiêm chủng lớn này ở TP Hồ Chí Minh có đông đảo người cao tuổi, người bệnh mạn tính được tiêm chu đáo, không có bất thường xảy ra. Có người già tàn tật còn được nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn và hỗ trợ đưa đến các điểm tiêm chủng.

Một trong những đơn vị trọng điểm tiêm chủng vaccine cho người trên 65 tuổi, người nhiều bệnh nền mạn tính là Bệnh viện Lê Văn Thịnh (tiền thân là Bệnh viện quận 2). BSCK II Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Quan tâm tới sức khỏe của người cao tuổi, người neo đơn là một ưu tiên của bệnh viện cũng như là chính sách ưu việt của Nhà nước. Ðược giao trọng trách tiêm chủng an toàn cho các đối tượng đặc biệt, chúng tôi chuẩn bị rất chu đáo. Có đủ phương tiện, máy móc hiện đại, đội ngũ tiêm được tập huấn rất kỹ nên bất cứ ai có phản ứng sau tiêm, chúng tôi đều có đủ khả năng để xử lý tốt. Trung bình mỗi ngày tiêm cho từ 300-400 người. Ðể bảo đảm tốt nhất, tất cả người lớn tuổi được test nhanh. Nếu phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được đưa ngay đến phòng riêng và tiến hành các bước xử lý y tế tiếp theo cũng như xét nghiệm PCR. Nhưng từ khi bắt đầu tiêm chủng ở bệnh viện (ngày 22/7) đến tối 27/7 chưa phát hiện người đi tiêm nào dương tính. Sau test nhanh người âm tính sẽ được khám sàng lọc kỹ và tiến hành tiêm theo thứ tự. Tiêm xong trở về phòng theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút.

Ðã 73 tuổi, cùng lúc mắc cả suy thận; cao huyết áp… bà Ðặng Thị Hạnh thở phào sau khi được tiêm an toàn ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bà Hạnh chia sẻ: "Mắc nhiều bệnh nền thế này, giờ được tiêm tôi rất an tâm. Các y, bác sĩ ở đây rất chu đáo, tận tình". Ở tuổi 81, ông Nguyễn Văn Kiều tự tin: "Tôi bị bệnh phổi, tuổi cao rồi nên được đi tiêm thế này rất hạnh phúc. Sau tiêm không thấy triệu chứng bất thường nào cả".

Ghi nhận tại các điểm tiêm chủng khác, như quận Bình Thạnh, Bình Chánh, quận 3... hầu hết người được tiêm chủng đều yên tâm, vững tinh thần. BSCK I Lê Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 3 khẳng định: "Việc tiêm vaccine trên diện rộng của thành phố lần này triển khai bài bản, khoa học. Từ thực tế đã chứng minh, chiến lược là sự đúng đắn, được sự hưởng ứng, mong đợi của các tầng lớp nhân dân".

HÀ VĂN ĐẠO

Bác sĩ, Thạc sĩ Nguyễn Thu Giang - Viện trưởng Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (LIGHT)

Qua cuộc khảo sát nhanh tại các tỉnh tập trung nhiều lao động di cư: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Viện nhận thấy nổi lên hai nhóm vấn đề chính. Ðó là, vấn đề mang tính cấp thiết, cần hỗ trợ khẩn cấp.

Với nhóm các vấn đề khẩn cấp (gồm sức khỏe, thu nhập, sức khỏe tâm thần, cũng như gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình), Viện cũng như các tổ chức, hội nhóm khác thường sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ các nhu yếu phẩm, sản phẩm y tế phòng dịch,… Còn với nhóm có thể ảnh hưởng lâu dài, để giải quyết cần có chính sách an sinh xã hội phù hợp hơn đối với công nhân, lao động di cư, đặc biệt là công nhân nữ. Thí dụ như cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị giãn việc, giảm việc do giãn cách. Hay cần có chính sách hỗ trợ học nghề, để giúp người lao động có thể kinh doanh nhỏ, lẻ hoặc chuyển đổi nghề nếu mất việc. Cần tập huấn giúp nâng cao năng lực ứng phó với trường hợp khẩn cấp cho người lao động. Tiếng nói của người được thụ hưởng chính sách cần được chuyển đến với nhà quản lý ở cấp độ doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Ðình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội

Chúng tôi đã xây dựng hai kịch bản vừa tham gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa ổn định quan hệ lao động trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Hiện đang áp dụng kịch bản số hai. Ngày 22/7/2021 thành lập tám Tổ cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (gồm 45 đồng chí); Tổ quản lý "Siêu thị 0 đồng". Thành lập nhóm Zalo "Tổ An toàn Covid-19" tại doanh nghiệp, để kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo Công đoàn cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc; đồng thời tự chấm điểm, đánh giá hoạt động của "Tổ An toàn Covid-19". Ðể thực hiện "mục tiêu kép", đề nghị thành phố bố trí nguồn vaccine phòng Covid-19 tiêm cho công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ðông Anh (Hà Nội)

Hiện nay, Khu công nghiệp Thăng Long có hai công ty đang có ca F0 là: Công ty TNHH linh kiện điện tử SEI và Công ty Molex. Doanh nghiệp bố trí, chia lực lượng lao động theo phương án, 1.800 công nhân cách ly bên trong công ty - nội bất xuất, ngoại bất nhập. Còn lại 1.700 người tự cách ly tại khu nhà trọ.

Cán bộ huyện phải thường xuyên cập nhật thông tin với các chủ nhà trọ - lực lượng nòng cốt để kết nối tuyên truyền, hỗ trợ tốt nhất đến với công nhân, người lao động. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà hằng tháng cho công nhân trong thời gian khó khăn này. Chúng tôi cũng liên hệ với lãnh đạo hai công ty đang có cách ly để đề xuất đến các vấn đề nhạy cảm giới trong tổ chức sinh hoạt khi cách ly đối với lao động nữ.

NGUYỄN HÀ (thực hiện)