Cấp tốc ngăn chặn F0 tăng trong cộng đồng

Số ca mắc do Covid-19 tại nước ta tăng trở lại trong tuần gần đây, nhiều ngày vượt mốc 10.000 ca, ca F0 trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Vì vậy, thay đổi biện pháp phòng, chống dịch, xây dựng thêm kịch bản ứng phó đang là đòi hỏi cấp bách hiện nay.

Diễn tập tình huống giả định chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại trạm y tế lưu động ở quận Ba Đình (TP Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Diễn tập tình huống giả định chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại trạm y tế lưu động ở quận Ba Đình (TP Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Áp thêm biện pháp chống dịch

TP Hồ Chí Minh hiện vẫn là điểm nóng nhất cả nước với trung bình hơn 1.000 ca/ngày. Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dự báo số ca sẽ tăng nên Sở huy động nhân lực đến Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 để sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân. Sau ngày 22/11, thành phố huy động từ các đơn vị thêm 390 người gồm bác sĩ và điều dưỡng hỗ trợ cho bệnh viện này. Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế thành phố, thời gian qua, dù độ phủ vaccine tốt nhưng khi F0 tăng sẽ có khoảng 15-20% diễn tiến nặng, chủ yếu là người cao tuổi, kèm bệnh nền. Trong 15-20% này có 5% chuyển biến thật sự rất nặng. Do đó, nguyên tắc để giảm tử vong là giảm F0 và giảm số ca nhập viện.

Tại Hà Nội, thời gian gần đây ghi nhận hơn 200 ca/ngày. Đối mặt nguy cơ dịch bệnh tăng cao, xuất hiện các chùm ca bệnh mới, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Hà Nội chuẩn bị kịch bản đáp ứng điều trị cho 100.000 bệnh nhân thể nhẹ. Mới đây, thành phố quyết định cho cách ly F1 tại nhà ở 26 quận, huyện, song chưa cách ly F1 tại bốn quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, thành phố sẽ chia ra bốn cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, tại bệnh viện thành phố là cấp độ 1; bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà.

Còn tại Tây Nam Bộ, thành phố Cần Thơ là nơi có số ca mắc tăng cao liên tục từ đầu tháng 11 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng, dù tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 và 2 đạt khá hơn. Số giường điều trị ở cả ba tầng của thành phố là 3.100 giường, nhưng hiện tổng số bệnh nhân điều trị đã vượt mức này, các bệnh viện không còn chỗ tiếp nhận bệnh nhân. Để làm tốt việc quản lý điều trị hơn 4.000 người là F0 đang được quản lý cách ly và điều trị tại nhà, Cần Thơ quyết định thành lập 50 đội y tế lưu động, hoạt động tại tất cả các quận, huyện. Mỗi đội y tế lưu động có bốn thành viên, là bác sĩ và sinh viên Trường đại học Y dược Cần Thơ tăng cường hỗ trợ.

Cần xốc lại chiến lược phòng dịch cấp cơ sở

Bàn về giải pháp trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lưu ý, từ bài học trong chống dịch vừa qua, cần chú trọng vào công tác dự báo cho đúng để chủ động ứng phó. Với xét nghiệm, ngoài phát hiện F0, ổ dịch phải xét nghiệm đánh giá nguy cơ, xét nghiệm phải theo điều tra dịch tễ, trả luôn kết quả trong ngày, xét nghiệm đuổi kịp lây lan, phục vụ kịp thời cho truy vết, xử lý ổ dịch. Về phong tỏa, phải tránh ngoài chặt trong lỏng, cần phong tỏa theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó. Tránh cách ly tập trung nhưng không đầy đủ điều kiện dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo. Về điều trị, phải tiếp cận được với bệnh nhân, tư vấn về việc theo dõi oxy máu, phát hiện triệu chứng chuyển nặng để đưa đi điều trị, tránh tử vong. Đồng thời, phân biệt F0 nào cho điều trị tại nhà, F0 nào điều trị tại cơ sở y tế lưu động hoặc cần thiết can thiệp.

Theo các chuyên gia, để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tăng hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị F0 trong bối cảnh số ca mắc mới, Bộ Y tế cần rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn bảy ngày với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vaccine và kết quả âm tính vào ngày thứ bảy, tại các quận, huyện ở thành phố có xu hướng tăng nhẹ. PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh khẳng định, thời gian cách ly, điều trị ngắn sẽ khiến tâm lý người bệnh bớt nặng nề, F0 sẽ vui vẻ hơn và từ đó dễ khỏi bệnh. Bên cạnh đó, điều này cũng giúp giảm rất nhiều chi phí cho ngành y tế trong việc tiếp nhận chăm sóc và điều trị.

"Việt Nam vẫn chưa khống chế được toàn bộ dịch, vẫn còn khả năng cao xuất hiện làn sóng dịch mới" là khuyến nghị được bác sĩ Lê Thị Anh Thư, chuyên gia Kiểm soát nhiễm khuẩn tại TP Hồ Chí Minh, đưa ra. "Tôi cho rằng, giờ đây là lúc xốc lại chiến lược phòng dịch lâu dài của các đơn vị nhỏ nhất, là các khu phố, phường, xã, ấp và đến từng cá thể là người dân. Chống dịch đã đến lúc được cá nhân hóa đến từng người, theo cách tiếp cận từ dưới lên, tức từ từng mắt xích trong cộng đồng là các cá thể. Các đơn vị nhỏ nhất như ấp, khu phố, phường, xã, doanh nghiệp, cửa hàng, nếu chưa làm, có thể vẽ các đường kẻ phân chia chỗ ngồi, nơi xếp hàng, làm việc, thiết lập quy định cứng để tổ chức lại hoàn toàn không gian của mình. Các tổ dân phố có thể lập đội tự quản, phường, xã có thể lập các đội tuần tra 5K, đi tuần mỗi ngày để nhắc nhở người dân cách nhau ít nhất một mét, tránh tụ tập...", bác sĩ Anh Thư nêu quan điểm.

Trong tình hình hiện nay, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong xây dựng chiến lược vẫn phải là ngăn chặn, phát hiện sớm, tổ chức cách ly hiệu quả, điều trị hiệu quả và kết hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vaccine.

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: "Nhận định dịch bệnh có thể kéo dài với diễn biến phức tạp, khó lường do các biến chủng mới của SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác điều phối oxy y tế và Tổ công tác điều phối máy thở điều trị người bệnh Covid-19 phục vụ công tác cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19". Bộ Y tế cũng đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp oxy, thiết bị thở để chuẩn bị nhu cầu cần thiết theo các cấp độ dịch có thể xảy ra trong thời gian tới.