Cấp tốc khóa chặt nguồn lây

Với chùm ca dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện tại nhà thuốc Đức Tâm, địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận tới chín chùm ca bệnh phức tạp, liên quan nhiều địa chỉ. Điều này buộc cơ quan chức năng phải tính đến những kịch bản ứng phó tình huống dịch có thể bùng phát diện rộng.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện Công điện số 15 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: ANH SƠN
Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện Công điện số 15 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: ANH SƠN

Nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 27/4 đến 7 giờ ngày 21/7, là 534 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 321 ca, số mắc đã được cách ly là 213 ca. Phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin, khoảng 10.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp diện nguy cơ cao ở Hà Nội đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Với các chùm ca bệnh được phát hiện những ngày qua thông qua truy vết triệt để, đều đã cơ bản xác minh được nguồn lây, liên quan yếu tố từ ngoài xâm nhập vào, không phải là dịch bệnh phát sinh trong nội bộ thành phố. 

Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, khó lường, thành phố đã tăng cường hai “cánh quân”. Một là, tầm soát các trường hợp ho, sốt, mất vị giác. Hai là, tầm soát các khu vực nguy cơ cao để khóa chặt mầm bệnh. Bên cạnh xét nghiệm người từ vùng dịch, Hà Nội sẽ xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt, không có yếu tố dịch tễ trên địa bàn để phát hiện nguy cơ trong cộng đồng. 

Theo số liệu báo cáo, lưu lượng người dân từ vùng dịch về Hà Nội vẫn nhiều. Ở một số nơi như công sở, chợ dân sinh, chợ đầu mối, việc thực hiện giãn cách phòng, chống dịch chưa nghiêm túc. Người dân ra đường ở một số trục đường, khu vực vẫn rất đông. “Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, nếu không bám sát biến động dân cư từ cơ sở mà để trễ chỉ 1-2 ngày thôi thì rất nguy hiểm”, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói. 

Lường trước tình huống xấu nhất

Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung F1 để có thể tiếp nhận ít nhất 1.000 trường hợp/quận, huyện; bảo đảm công tác bốn tại chỗ; bảo đảm an sinh xã hội trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Thành phố rà soát các địa điểm, cơ sở vật chất của các cơ sở dân sự để thiết lập các bệnh viện dã chiến sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng và số lượng bệnh nhân lớn. Tiếp tục tăng cường xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...) khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, hoặc mua thuốc tại các nhà thuốc để chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc và kịp thời khoanh vùng xử lý dịch.

UBND thành phố Hà Nội đã có phương án ứng phó tình huống có 1.000 đến 5.000 ca mắc Covid-19 trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Cụ thể là trong trường hợp lây nhiễm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ghi nhận số lượng F0 lên tới 5.000 người, dẫn tới số lượng F1 có thể lên tới 200.000 người, bao gồm hai nhóm chính là công nhân tại các khu công nghiệp và người dân tại cộng đồng. Thành phố cũng đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị cho người bệnh Covid-19, đang xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa; thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận, huyện, thị xã; giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thành lập thêm cơ sở cách ly để nâng công suất lên 40.000 chỗ.

Để ngăn chặn dịch hiệu quả, thời gian tới, các chuyên gia đề nghị các cấp, ngành của thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã phải tiếp tục kiên định các biện pháp phòng, chống dịch. Siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của trung ương, thành phố, nhất là Công điện số 15/CĐ-CTUBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu một cách triệt để. Phía cơ quan chức năng duy trì 22 chốt kiểm dịch nghiêm túc, không gây ùn tắc giao thông; tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm đối với các trường hợp không tuân thủ các nội dung tại Công điện số 15/CĐ-CTUBND. Có giải pháp bảo vệ bằng được các khu công nghiệp trên địa bàn, cũng như tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa ca tử vong và bảo đảm các dòng cung ứng lương thực, thực phẩm trong tình huống dịch bùng phát rộng vượt tầm kiểm soát.

Dù đã lên các phương án ứng phó, Hà Nội cần theo sát diễn biến dịch bệnh để có các kịch bản kịp thời, thậm chí kịch bản cao hơn về phòng, chống Covid-19 để chủ động trước, cũng như thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện phòng, chống dịch. Cần rút ra bài học để tránh xảy ra những vi phạm thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố như trường hợp hiệu thuốc Đức Tâm không kiểm soát tốt người đến mua thuốc bị ho sốt. Hay để xảy ra hiện tượng hàng trăm người dân xếp hàng sáng ngày 21/7 tại Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế và Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để lấy mẫu xét nghiệm...

Phòng, chống dịch hiệu quả còn cần sự đồng thuận, hợp tác của người dân. Hơn bao giờ hết, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn việc tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm chiến lược phòng, chống dịch là 5K+ vaccine.

Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử thời gian tới, khi có đủ số lượng vaccine phòng Covid-19, Hà Nội đã thiết lập hơn 820 điểm tiêm tại 579 xã, phường, thị trấn và xây dựng kế hoạch tiêm lên đến 200.000 mũi/ngày.