Cấp bách ứng phó với mưa bão

Sau cơn bão số 7, khu vực Bắc Bộ trở vào bắc miền trung đối mặt thời tiết bất thường do ảnh hưởng của bão số 8, dự báo thậm chí bão số 9 sắp đến và không khí lạnh liên hoàn. Thiên tai phức tạp, khó lường đang đặt ra cho các địa phương vùng thiên tai cần cấp bách xây dựng kịch bản ứng phó kịp thời.

Tàu thuyền tại tỉnh Nghệ An được đưa về neo đậu an toàn trước cơn bão số 8. Ảnh: T.Ð
Tàu thuyền tại tỉnh Nghệ An được đưa về neo đậu an toàn trước cơn bão số 8. Ảnh: T.Ð

Nguy cơ "bão chồng bão"

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 13/10, hoàn lưu bão số 8 tương tác với không khí lạnh gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực phía nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, ngay sau đợt mưa do bão số 8, không khí lạnh tiếp tục tác động với dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua Trung Bộ khiến mưa lớn còn duy trì dài ở khu vực này. "Trong vòng 10 ngày tới, hầu khắp khu vực Trung Bộ, trọng tâm là từ Thanh Hóa trở vào Thừa Thiên Huế, mở rộng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ liên tục xuất hiện các đợt mưa lớn", ông Hưởng nhấn mạnh. Cũng theo nhận định của chuyên gia, mưa lớn ở nam đồng bằng Bắc Bộ có thể gây ngập úng cục bộ cho đô thị ở khu vực này, trong đó có Hà Nội.

Trong khi đó, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định tình hình thiên tai ba tháng cuối năm 2021 vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo, hiện tượng La Nina (pha lạnh của ENSO) có thể được thiết lập trong tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 và đầu năm 2022 với xác suất khoảng 60-70%. La Nina thường gây mưa lớn ở khu vực Trung Bộ. Về bão, dự báo từ tháng 10 đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Ðông còn có khả năng xuất hiện khoảng năm đến bảy cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng hai đến bốn cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng trong tháng 1/2022 vẫn còn xuất hiện bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía nam Biển Ðông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ. Với mưa lũ, mưa lớn có khả năng tập trung nhiều trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Trong thời kỳ lũ chính vụ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An ở mức báo động 1 - báo động 2. Các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3, các trận lũ lớn tập trung trong tháng 10,11/2021.

Bảo đảm an toàn cho người dân

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (Ban Chỉ đạo), Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tại nước ta trong chín tháng qua trên khu vực Biển Ðông đã xuất hiện bảy cơn bão và hai áp thấp nhiệt đới. Trong đó, áp thấp nhiệt đới tháng 7 (5-8/7), cơn bão số 2 (KOGUMA), bão số 6 (DIANMU) và bão số 7 (LIONROCK) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Các cơn áp thấp nhiệt đới/ bão khi đổ bộ gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, riêng cơn bão số 2 gây gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 vùng ven biển.

Với cơn bão số 7, qua thống kê ở các địa phương đã ghi nhận mưa bão làm hai người mất tích (huyện Trạm Tấu, Yên Bái); năm nhà bị sập, hư hỏng; 375 héc-ta lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 19 điểm đường giao thông bị sạt lở đã được khắc phục để thông tuyến; một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng khác. Ban Chỉ đạo cho rằng, đây là những thiệt hại rất đáng tiếc, dù trước đợt mưa bão đã liên tục cảnh báo, yêu cầu chính quyền địa phương phải cử người canh gác tại các ngầm tràn bị ngập lụt, lũ để ngăn người dân đi lại. Qua các thiệt hại này, Ban Chỉ đạo tiếp tục gửi văn bản thông báo đến các tỉnh miền núi phía bắc sẵn sàng ứng phó mưa lũ trong những ngày tới. Cụ thể là rà soát địa bàn, sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Ðặc biệt, chính quyền các địa phương phải cử người canh gác ở các ngầm tràn, điểm đường giao thông ngập lụt sâu để cảnh báo, ngăn chặn người dân đi qua khi có mưa lũ; bảo đảm an toàn cho các công trình hồ, đập xung yếu trong thời gian có mưa lũ.

Cấp bách ứng phó với mưa bão -0

Cán bộ Ðồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Nghệ An) trực tiếp đến các phương tiện tuyên truyền và giúp nhân dân chằng néo tàu thuyền phòng, chống va đập khi có mưa bão. Ảnh: Hải Thượng 

Ðể chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ vừa ra công điện gửi các bộ, ngành trung ương và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, yêu cầu Bộ Công an phối hợp chính quyền các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng bão, lũ, sạt lở. Chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía nam ra phía bắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðối với các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 8, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Ðể giảm sự cố do thiên tai, chuyên gia biến đổi khí hậu Nguyễn Ngọc Huy đưa ra khuyến cáo, người dân ở các vùng lũ lụt từ Nghệ An đến Quảng Nam chủ động kê tài sản bằng hoặc cao hơn mức lũ năm 2020. Kê ngay khi trời chưa lụt thì sẽ đỡ vất vả hơn lúc trời lụt mới chạy. Cần khơi thông tất cả các cống, rãnh, bờ bao yếu ở các khu vực trung du đồi núi. Không để nước mưa tự tích lũy và tự vỡ. Những gia đình sống ở ven đê, ven sông hồ, ven đập nên tự đánh giá rủi ro về khả năng có thể xảy ra ngập lụt, nguy cơ vỡ đập và báo cho chính quyền địa phương.

Bài học ứng phó từ bão số 7 vừa qua dù bão không mạnh, mưa không quá lớn, nhưng các địa phương vẫn để xảy ra các sự cố tai nạn chết người, tàu gặp nạn không được ứng cứu kịp thời là xuất phát từ tâm lý chủ quan ở cơ sở. Vì vậy các địa phương cần phải tập trung tối đa nguồn lực, phương châm bốn tại chỗ, tăng tính chủ động phòng, chống, ứng phó mưa bão.