Cấp bách đầu tư cho y tế cơ sở

Các làn sóng dịch Covid-19 vừa qua đã làm bộc lộ rõ nhiều điểm yếu của hệ thống y tế cơ sở. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tăng cường, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế cơ sở đang là yêu cầu cấp bách.

Các phường tại TP Hồ Chí Minh tổ chức thí điểm hướng dẫn một số hộ gia đình làm test nhanh Covid-19 tại nhà. Ảnh: Bộ Y tế
Các phường tại TP Hồ Chí Minh tổ chức thí điểm hướng dẫn một số hộ gia đình làm test nhanh Covid-19 tại nhà. Ảnh: Bộ Y tế

Yếu và quá tải

Vốn là khu vực thuộc "vùng trũng" về y tế, nơi chiếm gần 20% dân số cả nước, trước diễn biến dịch Covid-19 đang tăng nhanh gần đây, tuyến y tế cơ sở tại 13 tỉnh, thành phố khu vực miền tây đồng bằng sông Cửu Long càng bộc lộ nhiều khó khăn. Theo ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, đội ngũ y, bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay rất mỏng. Mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh chỉ có vài y, bác sĩ, điều dưỡng, nhưng phải tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện hàng loạt công việc như: trực tại các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine phòng Covid-19… nên bị quá tải. Trong khi đó, Sóc Trăng đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án để sớm triển khai cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, đồng thời thành lập các trạm y tế lưu động trong toàn tỉnh, cho nên lực lượng y tế cơ sở đã thiếu lại phải gánh việc nhiều hơn. Trước thực trạng đó, tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Trung ương và các địa phương bạn chi viện thêm lực lượng y, bác sĩ, kịp thời hỗ trợ cho tuyến y tế cơ sở tỉnh này phòng, chống dịch Covid-19.

Tương tự tại Đồng Tháp, số ca mắc Covid-19 cũng đang tăng nhanh, khiến cho các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trong tỉnh có nguy cơ bị "vỡ trận". Ngoài 17 cơ sở điều trị F0 với công suất 3.315 giường bệnh, Đồng Tháp đã tổ chức 122 trạm y tế lưu động tại các xã, phường trong toàn tỉnh. Theo lãnh đạo CDC tỉnh Đồng Tháp: Hệ thống y tế cơ sở bị quá tải do phải mất rất nhiều thời gian truy vết, điều tra dịch tễ, đưa F0 đi cách ly điều trị, đồng thời phải lấy mẫu xét nghiệm tầm soát và phụ trách tiêm vaccine phòng Covid-19.

Còn tại TP Hồ Chí Minh - tâm dịch lớn nhất cả nước hiện nay, hệ thống y tế cơ sở cũng đang gặp nhiều khó khăn. Như ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố chia sẻ: "Xã Vĩnh Lộc B với 180.000 dân chỉ có bảy nhân viên y tế, không có bác sĩ, mỗi nhân viên y tế phụ trách địa bàn 25.000 dân. Quận 4 có 13 trạm y tế chỉ duy nhất có một trạm bổ nhiệm được trưởng trạm. Mô hình hợp tác công-tư ở quận 3 thu hút được cả bác sĩ chuyên khoa 1 nhưng cũng chỉ đang là thí điểm, nhiều nơi muốn làm nhưng vướng cơ chế, trong khi "xé rào" cơ chế chính sách thì rủi ro rất cao". Bên cạnh đó, có tình trạng một bộ phận người dân không tìm đến trạm y tế khi ốm đau do đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến.

Trước những bất cập, mới đây Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế, chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Sở Y tế cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Nội vụ cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm chuyển y tế cơ sở gồm trạm y tế, trung tâm y tế và bệnh viện quận, huyện từ trực thuộc Sở Y tế về lại cho UBND quận, huyện quản lý. Lý giải nguyên nhân phải chuyển y tế cơ sở về cho quận, huyện quản lý chỉ sau một năm tiếp quản, lãnh đạo Sở cho rằng, khi y tế cơ sở vừa chuyển về cho Sở Y tế thì dịch Covid-19 ập đến. Trong khi đó, đối với công tác phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ở cấp phường, xã đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nếu y tế cơ sở trực thuộc ban chỉ đạo của địa phương sẽ thuận lợi hơn. Y tế cơ sở, đặc biệt trạm y tế là mắt xích trung tâm trong chuỗi cung cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, Sở Y tế vẫn sẽ tham gia hỗ trợ ngành dọc về nguồn nhân lực, quản lý.

Cần thêm nhiều người giỏi

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 5/12/2016 xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới. Các đề án 47, 930 đã đầu tư cho y tế tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay huy động một số dự án ODA đầu tư các trạm y tế tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch như trong thời gian vừa qua. Do đó thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục trình Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã. Đồng thời nâng cao năng lực cho y tế tuyến xã, như đưa bác sĩ tuyến huyện về tuyến xã, tăng cường việc khám, chữa bệnh từ xa; hình thành nhóm bác sĩ gia đình (bao gồm bác sĩ công lập, tư nhân).

Thực tế công tác phòng, chống dịch vừa qua tại nhiều địa phương cho thấy, y tế cơ sở có vai trò rất lớn, do đó cần nhanh chóng tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống này để có thể thích ứng an toàn lâu dài với dịch Covid-19. Trong đó cần thiết tăng biên chế, tăng đãi ngộ và tạo cơ hội học tập và tăng thu nhập cho y, bác sĩ tuyến cơ sở. Bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh kiến nghị, cần tăng định biên cho trạm y tế phường, xã theo quy mô và mật độ dân số, theo hướng từ 2.000 - 4.000 dân/một biên chế. Đồng thời thay đổi cơ cấu cán bộ, bảo đảm trạm y tế phải có bác sĩ y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, dược tá, điều dưỡng, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin và số liệu. Ở nơi có nhiều biên chế hơn sẽ có thêm bác sĩ gia đình... Cần có cơ chế, chính sách tăng thu nhập cho y, bác sĩ cơ sở. Quan trọng hơn, cần tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ phí đào tạo và có chỉ tiêu đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ trạm y tế giúp họ thăng tiến nghề nghiệp và nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế. Cần khuyến khích xã hội hóa các hoạt động của hệ thống y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế và trung tâm kiểm soát bệnh tật.

Nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất, các địa phương cần có chính sách giữ chân nhân viên công tác tại trạm y tế bằng các hình thức hỗ trợ hằng tháng. Như tại TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Y tế đang đề nghị mức hỗ trợ 5 triệu đồng đối với bác sĩ công tác tại trạm y tế xã, phường; 4 triệu đồng cho nhân viên y tế khác có trình độ đại học; và 3 triệu đồng với nhân viên y tế có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa tùy theo năng lực địa phương cũng cần có hình thức đãi ngộ xứng đáng, nhằm thu hút y, bác sĩ giỏi về công tác tại trạm y tế.