Rút bảo hiểm xã hội một lần

Cần thêm giải pháp kinh tế

Hiện tượng rút bảo hiểm xã hội một lần đang có dấu hiệu gia tăng. Việc này không những làm người lao động bị thiệt thòi, mà về lâu dài còn tạo ra mối lo cho chính sách an sinh xã hội.

Cần nhiều giải pháp giúp người dân an tâm với Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ảnh: Sỹ Đông
Cần nhiều giải pháp giúp người dân an tâm với Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ảnh: Sỹ Đông

Thiệt đơn thiệt kép

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2006 chỉ có 240.191 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chiếm 3,82% số người tham gia. Đến năm 2016, con số này là 665.306 người, chiếm 4,7% và năm 2020 là 897.000 người, chiếm 5,5%. Với các con số đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt hiện tượng này lại nở rộ trong những tháng đầu năm 2022 tại các khu công nghiệp, nhà máy.

Số liệu từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy dấu hiệu rất đáng quan tâm, đó là quý I/2022, cả nước có hơn 208.000 người rút một lần, tăng 1% so cùng kỳ năm trước. Nếu tính trong bốn tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 302.000 người rút một lần nhưng lại giảm 3% so bốn tháng của năm trước. Và trong tháng 4/2022, cả nước có 93.000 người rút một lần, giảm 10% so tháng 4/2021.

Những người lao động khi thanh toán bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật đã được nhiều chuyên gia tính toán, giải thích rõ ràng họ sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép. Ông Lê Đình Quảng, khẳng định thiệt thòi trước hết là bị mất hết các chế độ ngắn hạn khi người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Còn về lâu dài, họ không được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe giảm sút,...

Thiệt thòi thấy rõ nhất khi nhận tiền thanh toán một lần là mất ngay 0,64% tháng lương mỗi năm. Vì tổng mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hằng năm của người lao động bằng 2,64% tháng lương. Nếu hưởng một lần thì chỉ được thanh toán bằng hai tháng lương cho một năm tham gia bảo hiểm xã hội. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, còn cho biết những người có quá trình tham gia hơn 10 năm thì lại càng thiệt thòi nhiều hơn, bởi mỗi năm tham gia trước năm 2014, người lao động chỉ nhận được 1,5 tháng lương, từ năm 2014 trở đi mới được nhận hai tháng lương.

Không chỉ nhận tiền ít hơn số đóng vào, khi rút một lần, về già người lao động sẽ không có lương hưu, phải sống phụ thuộc người thân; mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí,... Đáng tiếc một số trường hợp đóng bảo hiểm gần 20 năm vẫn rút một lần vì cho rằng chờ đến điều kiện đủ tuổi thì lâu quá… Số tiền mà người rút chỉ khoảng 130 triệu đồng-150 triệu đồng chỉ nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Nguyên nhân nào lại khiến người lao động phải làm như vậy?

Theo phân tích của ông Lê Đình Quảng, hiện đời sống của người lao động hết sức khó khăn, có tới 56,2% số người lao động phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống. Họ không có tiền tích lũy nên khi mất việc như trong đại dịch vừa rồi họ muốn nhận một lần để lo cuộc sống trước mắt, thậm chí có người phải vay tín dụng đen, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội,...

Về chính sách, nhiều người lao động chưa thấy sự hấp dẫn vì nó thiếu tính linh hoạt trong điều kiện, chế độ và chưa tạo được niềm tin để thu hút gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội. Thí dụ, phải có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và bảo đảm đủ tuổi theo quy định mới được hưởng chế độ hưu trí là thời gian quá dài đối với họ. Thêm vào đó, những thông tin trốn đóng, nợ đóng, hay thông tin không chính xác về vỡ quỹ bảo hiểm xã hội… khiến không ít người giảm niềm tin.

Cần điều chỉnh lại cách tính lương hưu

Dù do nguyên nhân là gì thì cũng tạo ra mối lo cho chính sách an sinh xã hội trong tương lai. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất lúc này là tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người lao động, tăng cường quyền lợi cho người lao động; tiền lương phải bảo đảm đời sống, có một phần tích lũy để phòng khi rủi ro.

Về chính sách rất cần phải sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, là giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, sẻ chia và bền vững.

Mặt khác, nghiên cứu làm sao tạo cơ hội thuận lợi cho người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể quay trở lại đóng bù cho thời gian đã hưởng trước đó; cũng cần quy định về thời gian mất việc làm đến mức nào mới được hưởng chế độ rút bảo hiểm một lần. Đồng thời cũng cần tính số tiền được hưởng một lần, chỉ bằng số tiền do người lao động đóng bảo hiểm xã hội (chiếm khoảng 8% mức lương). Số còn lại do doanh nghiệp đóng sẽ được giữ lại cho đến hết tuổi lao động, nhằm giúp người lao động quay trở lại đóng tiếp.

TS Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Khoa học lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng cần bổ sung về chế độ cho lao động nữ như chế độ thai sản để thu hút thêm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thêm trợ cấp nuôi con nhỏ cho lao động nữ... Ngoài ra, cần có cơ chế, chế tài; hệ thống giám sát, quản lý; quy định rõ ràng công khai thông tin kết quả kinh doanh hay thu chi quỹ bảo hiểm xã hội như thế nào, ai được tiếp cận để người dân tin tưởng vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh tới giải pháp tuyên truyền, thuyết phục người dân về tầm quan trọng của mất việc, nghỉ việc không còn tích lũy. Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi hưu trí, tử tuất... thì sẽ tạo niềm tin, an tâm.

Tuy nhiên, cũng cần tiếp cận vấn đề này theo góc độ kinh tế. Khó khăn về kinh tế cần giải quyết bằng các giải pháp kinh tế. Việc rút một lần giải quyết được bài toán trước mắt, nhưng người lao động lại mất nhiều lợi ích về sau. Đánh giá về hệ thống bảo hiểm xã hội của Việt Nam, ông Robert J.Palacios, Chuyên gia trưởng lĩnh vực an sinh xã hội khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm). Việt Nam cũng là một trong ít quốc gia cho phép người dân rút một lần, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho lượng lớn người dân là người cao tuổi không tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.