Cần sớm có kịch bản mở cửa lại trường học

Nhiều địa phương trên cả nước đã, đang lên kế hoạch mở cửa trường học trở lại tại các huyện, quận vùng xanh từ ngày 1 đến 15/11, song lại gặp khó khăn, trở ngại do xuất hiện ca F0 trong cộng đồng và dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Đằng (Hà Nội) đến trường trong buổi đầu tiên, ngày 8/11. Ảnh: Giang Huy
Học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Đằng (Hà Nội) đến trường trong buổi đầu tiên, ngày 8/11. Ảnh: Giang Huy

Bị động ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục

Tại Hà Nội, việc cho học sinh đi học trở lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo suốt từ đầu năm học đến nay. Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ Ba Vì (Hà Nội) là huyện duy nhất vừa mở cửa trường học từ ngày 8/11, sau một thời gian khá dài, tính từ giữa tháng 5 để phòng, chống dịch Covid-19.

Được biết, hiện toàn thành phố có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh, nhưng đến nay đều chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh như vậy rất rủi ro. Vì thế, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Thành ủy, UBND thành phố đã thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học. Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo nhưng cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.

Đối với TP Hồ Chí Minh, Trường THCS-THPT Thạnh An đi đầu mở cửa trở lại, nhưng cũng mới phải cho toàn bộ học sinh một lớp chuyển sang học trực tuyến do phát hiện một nam sinh dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh định kỳ. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề xuất sẽ cho học sinh trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10/12 tại địa phương có dịch cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình). Với địa phương cấp độ 3 (nguy cơ cao), cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tiếp tục học trực tiếp kết hợp trực tuyến hoặc 100% trực tuyến. Tuy nhiên, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố khẳng định, ngành giáo dục và đào tạo thành phố chỉ có thể xây dựng phương án, kế hoạch, tiêu chí an toàn trường học ở các bậc học, nếu đi học lại thì bảo đảm sẵn sàng thực hiện, khởi động ngay, không bị động, lúng túng. Quyết định cuối cùng về thời gian trở lại trường học là của UBND thành phố.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra rằng, với việc phát sinh các ổ dịch mới liên quan đến trường học, kế hoạch cho học sinh đi học trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố phải điều chỉnh nhiều. Cũng theo Bộ này, việc chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến địa phương thực hiện phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục.

"Thích ứng an toàn, linh hoạt" - cách nào?

Để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, lãnh đạo Bộ đã đề nghị địa phương thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128. Những địa bàn thuộc cấp độ dịch 1 và 2, địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, kể cả trẻ mầm non, được đi học trực tiếp. Khi học sinh quay trở lại trường học, phải làm thế nào để bảo đảm an toàn nhất cho các em.

Mỗi nơi có một cách làm khác nhau nên nhiều địa phương kiến nghị cơ quan chuyên môn về phòng dịch là Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn việc đeo khẩu trang trong trường học để vừa hiệu quả, vừa khả thi, an toàn, cũng như việc xử trí khi trường học xuất hiện F0, F1, F2 nhằm thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vaccine còn thấp, trung bình toàn quốc mới đạt khoảng 62%. Trong khi đó, một số địa phương lại coi giáo viên tiêm đủ hai mũi vaccine là tiêu chí mở cửa trường. Tổ chức dạy học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh, vai trò của y tế học đường là đặc biệt quan trọng, song còn nhiều trường học, bao gồm cả cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế trường học và kinh phí chi cho công tác y tế trường học còn hạn chế, không bảo đảm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền và phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, có ba vấn đề nổi cộm cần được quan tâm là tiêm vaccine cho học sinh, thực hiện 5K trong lớp, và cách thức xử lý khi trường lớp có ca bệnh F0. Ông lưu ý, từng trường xây dựng phương án, kịch bản xử lý khi trường có học sinh hoặc giáo viên mắc Covid-19 và phương án này cũng phải được ban chỉ đạo cấp huyện duyệt. Đối với tình huống trường học xuất hiện F0, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần lập tức khoanh vùng, sàng lọc F0, F1 và tổ chức cách ly tại nhà hoặc tập trung với các đối tượng này. Tuy nhiên, thay vì thực hiện phong tỏa toàn trường trong thời gian dài, ông Tuyên khẳng định có thể chỉ phong tỏa lớp học/tầng học/tòa nhà có F0. Sau 24 giờ khử khuẩn, vệ sinh lớp học/tầng học/tòa nhà đó, nhà trường có thể tổ chức hoạt động tại khu vực này.

Nhiều ý kiến chuyên gia nêu rõ quan điểm "Phải an toàn mới đi học và khi đi học phải an toàn". Về vaccine phòng Covid-19, hiện vaccine sử dụng cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer-BioNTech. Các địa phương cần triển khai lập danh sách trẻ em 12 - 18 tuổi để xây dựng kế hoạch cung ứng vaccine cho độ tuổi này.

Theo số liệu chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 28 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học trực tiếp toàn bộ hoặc kết hợp nhiều hình thức. Theo đó, 6,7 triệu em đang học trực tuyến. Có 1,2 triệu trẻ học mầm non ngoài công lập, nhưng rất nhiều trường đã đóng cửa và giải thể.